Tranh dân gian Việt Nam là một loại hình mỹ thuật cổ truyền của Việt Nam.
Tranh dân gian Việt Nam dù có nhiều dòng tranh khác nhau nhưng nhìn chung đều được dựng hình theo kiểu lấy các nét khoanh, lấy các mảng màu và bao lại toàn hình. Các thành phần trong tranh không có một điểm nhìn cố định mà hầu hết được thiết kế để có thể quan sát di động, từ nhiều góc độ khác nhau. Cách tạo màu cũng vậy, tất cả đều nhằm làm cho bức tranh thật dễ nhìn.
Sở dĩ tranh dân gian Việt Nam xuất hiện rất sớm là bởi vì nó với hai loại chính là tranh tết và tranh thờ xuất hiện gần như cùng lúc với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt và việc thần thánh hóa các hiện tượng tự nhiên.
Về nội dung, tranh dân gian Việt Nam có thể chia 4 nhóm:
Tranh thờ: được các trung tâm làm tranh dân gian dành một tỉ lệ lớn. Sử dụng ở các chùa, đền, điện, phủ và nhà dân để canh gác, trừ tà, yểm quỷ (“Vũ Đình – Thiên Ất”, “Tiến Tài – Tiến Lộc”, “Táo quân – Thổ công”, “Ngũ Hổ”…). Tranh làng Sình (Huế), Đồ Thế (Nam Bộ) – theo mê tín để đốt thế mạng cho người sống;
Tranh chúc tụng: chủ yếu là tranh Tết (“Gà – Lợn”, “Thất Đồng”, “Tam Đa”…);
Tranh sinh hoạt: phong phú, vui vẻ, đôi khi có tính châm biếm nhẹ nhàng (“Tứ quý”, “Tứ dân”, “Đánh ghen”, “Hứng dừa”…);
Tranh minh hoạ – lịch sử: được chọn lọc để miêu tả lí thú (“Truyện Kiều”, “Trê – Cóc”, “Bà Triệu cưỡi voi”, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo…).
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, hổ là con vật có sức mạnh thiêng liêng diệt trừ được ma quỷ. Đã từ lâu, hổ được tôn thờ và danh xưng của hổ cũng được thần thánh hóa là Ngài, là “Ông Ba mươi” đầy uy linh, quyền kính. Hổ được dựng thành biểu tượng qua nhiều chất liệu của tạo hình: gỗ, đá, vôi giấy, đất nung, tranh vẽ, tranh cắt giấy có ở hầu khắp các công trình: đền, miếu, đình, lăng mộ…
Nhưng mẫu tranh được biết đến nhất qua nhiều thế hệ đó là tranh Ngũ Hổ của phố Hàng Trống (Hà Nội) ngày xưa. Không chỉ là một tác phẩm hội họa, tranh Ngũ Hổ còn ẩn chứa nhiều thông điệp của nền văn hóa cổ phương Đông. Không bày trên bàn thờ gia tiên như những bức tranh ngũ quả, tranh Ngũ Hổ thường treo ở bàn thờ dành riêng cho “Ông Ba mươi”, dưới ban thờ thần thánh hoặc thờ Phật.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tục thờ hổ bắt nguồn từ cuộc sống nguyên thủy, khi con người còn sống trong điều kiện săn bắt, hái lượm hoặc giai đoạn đầu của cuộc sống nông nghiệp, hổ chính là sức mạnh thiên nhiên gần gũi và là tai họa đối với con người. Do đó, con người thờ Hổ.
2013-08-05 10:26:04
Nguồn: http://dulichthailan123.wordpress.com/2013/06/30/bi-mat-trong-cac-tranh-dan-gian-viet-nam-2/