ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: VNNews
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Độc đáo chợ phiên Lùng Phình
Monday, August 5, 2013 11:06
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Bắc Hà – Thị trấn hình lòng chảo được bao bọc một vùng núi non bồng bềnh mây trắng. Nắng làm bừng lên những phiên chợ tấp nập kẻ bán người mua. Nơi kết tinh, giao thoa bản sắc văn hoá của nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, chợ Lùng Phình hút hồn du khách bởi tính độc đáo, sự độc đáo đó thể hiện trong sinh hoạt hàng ngày như cách ăn, mặc đến ngôn ngữ, phong tục tập quán, lễ hội. Chợ phiên Lùng Phình là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu, trình diễn văn hoá diễn ra mạnh mẽ và sống động nhất.

cho lung phinh

Lùng Phình là một địa danh có lịch sử hình thành từ lâu đời, chợ hình thành gắn với cái tên Lùng Phình, từ đó đến nay chưa một lần đổi tên. Lùng Phình theo tiếng quan hoả có nghĩa là Rồng Bằng. Địa thế của chợ gợi lên ý tưởng đặt cái tên ấy. Địa thế, tên gọi ấy góp phần làm tăng tính đặc sắc cho phiên chợ.

Chợ Lùng Phình nằm về phía Tây Nam, cách thị trấn Bắc Hà 10km và trụ sở xã Lùng Phình 100m trên con đường độc đạo nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên ải Si Ma Cai. Chợ thấp hơn mặt đường 80m, ở bên trái con đường chính, khuôn viên hình chữ nhật rộng 3.200m2 là nơi trao đổi, mua bán những sản vật tinh tuý của vùng đất đa dân tộc.

Thời gian họp chợ khá đặc biệt chỉ là ngày chủ nhật hàng tuần. Ngày thường không khí chợ tĩnh lặng như đang ở giữa cánh đồng Samu mùa đông đang ngủ một giấc dài mà chưa có người đánh thức. Xa xa tiếng trẻ con khóc vọng lại núi, vang cả vùng. Thấp thoáng có nhà ai nổi nửa, khói nghi ngút len qua vách bếp, cuốn lên không trung mênh mông, rồi biến mất không một tiếng động. Thời gian nhẹ nhàng trôi và rồi chiều ngày thứ bảy lác đác có những người ở nơi rất xa, từ mọi ngả về đây xin ngủ trọ. Không khí tĩnh lặng dần bị đẩy lùi. Gà gáy canh hai, canh ba báo hiệu ngày Chủ nhật đã tới. Người từ các bản làng lục đục hẹn nhau xuống núi, họ đi từ lúc mặt trời chưa thức giấc để kịp đón bình minh nơi phố chợ thân quen. Những cô gái, chàng trai súng sính trong bộ trang phục đẹp nhất, mang đến chợ những tinh hoa, sản vật độc đáo của dân tộc mình. Đây là cô gái Hmông duyên dáng trong chiếc váy với đường viền kỷ hà, kìa cô gái Tày dịu dàng trên chiếc áo dài nhuộm chàm, cô gái Phù Lá mặc áo cổ thuyền, cổ vuông, váy hẹp điểm thêm những hoa văn cầu kỳ…

Xuống chợ! Được trao đổi sản vật mà gia đình mình không có, để thưởng thức món ẩm thực hiếm khi ăn hay ngắm hàng hoá, không khí chợ, là nơi các chàng trai, cô gái hẹn hò…Nhờ thế không gian dường như bừng tỉnh, ồn ào, náo nhiệt lạ thường, tiếng nói, tiếng cười rộn rã.

Chợ chia thành các khu khác nhau: Khu ẩm thực, khu vải vóc, quần áo, khu rau quả, rượu, khu bán súc vật, gia cầm…

Khu ẩm thực có ba dẫy nhà xây lợp tôn dài 15m theo hình chữ U, kia là hàng bán bún phở của người Phù Lá, đặc sắc là món Phở Chua đầy hương vị núi rừng, gần bể nước có một ô bán Thắng cố – món ăn đặc sắc của người Hmông, gồm: Thắng cố ngựa, lợn, dê… Món ăn lạ này không ai biết có nguồn gốc từ đâu. Rất có thể nó được du nhập từ Trung Quốc vì ở phố Mã Quan – Trung Quốc, vùng tiếp giáp với huyện Mường Khương – Lào Cai nhiều đời nay vẫn có một dãy phố chuyên bán Tàng Kủ (phiên âm là Thắng Cố), song cũng có thể do chính đồng bào ta nghĩ ra món Thắng cố này.

thắng cố

Xa xa là góc bày bán các loại rượu do đồng bào dân tộc chế biến, trong đó nổi tiếng nhất là rượu ngô Bản Phố. Nghề nấu rượu là một nghề có từ rất lâu đời và là nghề gia truyền với những bí quyết riêng của người Hmông, mùi thơm và vị cay ấm của nó như thôi thúc bạn phải tìm đến cho kỳ được. Người bán bầy can to can nhỏ, người mua lấy nắp can ra thử rượu, vừa tấm tắc khen vừa trả giá. Thi vị nhất là được chủ rượu tự tay rót mời khách, bát rượu sẽ truyền nhau liên tục cho đến khi cạn, cạn rồi lại tràn đầy, cùng những lời tốt lành nhất gửi đến bạn và lòng hiếu khách như bát rượu đầy. Cứ như thế niềm vui, tình bạn, tình người nhân lên gấp bội. Nếu có say giữa chợ hay trên đường về cũng chẳng sao, bởi người vợ thảo hiền sẽ vui vẻ nâng chồng lên ngựa, hồn nhiên cùng nhau ngược núi.

Nhìn ra bên kia là góc bán gia súc: Trâu bò, lợn, dê, chó, ngựa…; gia cầm: gà, vịt. Những con trâu tơ trên cổ treo những chiếc chuông nhỏ bằng đồng, ngoan ngoãn theo chủ mới về bản, mỗi bước đi của chú lại vang lên tiếng kinh koong, kinh koong ngộ nghĩnh. Nếu những chú ngựa thồ bị cột bên vách đá trơ trụi, ngẩn ngơ đợi chủ, thỉnh thoảng cúi xuống gặm cỏ dưới chân thì những chú ngựa để bán đang lo lắng không biết sẽ vào tay ai bởi người mua đông quá. Những cô Lợn con lông đen huyền, dậm chân dãy dụa vìkhông quen bị cột chặt như vậy. Các chú Dê thì khác hẳn, nhởn nhơ sửa sang lại tư trang như chẳng cần biết người ta làm gì và mình sẽ đi đâu. Cún con vẻ mặt buồn thiu vì biết sắp phải xa chủ. Kia là những cô Vịt đang ngoạc cổ thật dài, mấy chú gà “Mò” chưa có ai mua cũng kêu inh ỏi.

Hàng rau, quả, gạo được đựng trong chiếc thồ nhỏ hay được bày bán ngay xuống đất. Rau thật tươi, xanh và thấm thêm nên đậm vị ngọt của đất hoà chung với vị mặn của mồ hôi nên có vị thơm ngọt riêng. Trên những chiếc sạp nhỏ là vải vóc của đồng bào dân tộc Tày thể hiện kỹ năng khéo léo trong việc trồng bông dệt vải. Những miếng thổ cẩm hay bộ váy đã may hoàn chỉnh của dân tộc Hmông sặc sỡ sắc màu, mẫu mã đa dạng, hoa văn tinh tuý, cầu kỳ đòi hỏi phải có sự kiên trì và tay nghề rất cao của người phụ nữ. Ngoài các sản vật trên còn bầy bán công cụ lao động như cuốc, lưỡi cầy, dao phát… chủ yếu sản phẩm do người Hmông làm ra. Người Hmông có nghề rèn đúc nổi tiếng nhất, là nghề bí truyền, kỹ thuật khá tinh xảo. Quầy hàng của người Kinh thì bán bánh, kẹo, quần áo và những đồ gia dụng khác…

cho lung phinh1

Lùng Phình vào mùa mận, du khách sẽ lạc vào những vạt rừng mận trĩu quả. Mận được trồng trên sườn đồi, mọc kín những khu đất nhỏ hẹp giữa những ngọn núi và cả trong vườn nhà. Cả chợ Lùng Phình rực rỡ, thơm ngát vì những trái mận chín.

Đến với phiên chợ Lùng Phình vào ngày chủ nhật là đến với ngày hội giao duyên, nơi gặp gỡ của tình yêu đôi lứa. Đối với những đã có tuổi, họ đến chợ để trao đổi hàng hoá, buôn bán, tâm sự công việc làm ăn bên chảo thắng cố hay bên mâm rượu. Với thanh niên nam nữ, chợ chính là không gian tâm tình, trao gửi những tâm sự, những lời yêu thương, hò hẹn. Các cô gái Hmông, Dao…đến chợ với những bộ váy áo rực rỡ màu sắc hoa văn còn thơm mùi chàm. Các chàng trai thì mang theo bên mình những cây sáo, cây kèn hay những chiếc đàn môi và vốn dân ca trữ tình, thể hiện tài năng và tình yêu của mình cho đối tượng tìm hiểu. Họ đến chợ để chơi chợ, tìm bạn chứ không bận tâm tính toán bán mua. Số tiền thu được qua phiên chợ, các chàng trai dùng ngay vào buổi làm quen các cô gái bên những chảo thắng cố với những bát rượu ngô nồng say.

Khi mặt trời đã ngả xuống núi, các chàng trai chếnh choáng men rượu, má các cô gái ửng hồng. Khi đó cuộc vui bên mâm rượu mới tạm dừng nhường chỗ cho tiếng kèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi tâm tình cất lên rìu rặt, thủ thỉ, sâu lắng.. Chợ tan, trai gái bịn rịn chia tay để cùng đợi chờ đến phiên chợ tới.

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.