Trong buổi họp về Không gian tổ chức tại Đức quốc, các chuyên gia quốc tế đồng ý rằng cần phải hành động nhanh chóng để giảm số lượng các vụn rác vũ trụ đang có nguy cơ làm ô nhiễm quỹ đạo, đó là những mảnh vụn của các hoả tiễn, các vệ tinh phế thải, hoặc các dụng cụ thất lạc của các phi hành gia, v.v…
Rác vũ trụ là những chứng tích của 4900 lần phóng vào không gian kể từ khi bắt đầu thời đại thám hiểm vũ trụ. Kể từ năm 1978, số lượng rác vũ trụ đã tăng nhiều gấp 3 lần do “hội chứng Kessler” (tan vỡ thành nhiều mảnh vụn vì va chạm lẫn nhau: sự va chạm của hai vật thể rác lớn gây ra một số lượng lớn các mảnh vỡ mới; mỗi mảnh trong số đó lần lượt có thể va chạm với các mảnh vỡ khác gây ra phản ứng dây chuyền khiến các mảnh vỡ mới ra đời, do đó rác vũ trụ vẫn không ngừng phát triển và ngày càng nhiều thêm nữa). Theo nhận định của Cơ quan Không gian ESA trong kỳ họp lần thứ 6 quy tụ khoảng 350 chuyên gia quốc tế trong ngành không gian (được tổ chức trong 4 ngày tại Darmstadt-Đức quốc về đề tài rác vũ trụ), chỉ cần vài thập niên nữa thì bầu trời trở nên nguy hiểm vì những vụ rác vũ trụ va chạm lẫn nhau.
Cho đến nay cơ quan NASA và ESA đã xác định được hơn 23 000 mảnh rác vũ trụ lớn hơn 10cm. Để giải quyết vấn đề rác vũ trụ, trước tiên cần phải di dời các hệ thống vệ tinh đã phế thải vào những “đường chứa (garage)” để chúng không gây cản trở và rồi cuối cùng sẽ tan rã trong tầng thượng quyển của trái đất. Ngoài ra ngay từ bây giờ cũng cần phải có những biện pháp diệt trừ những mảnh rác lớn ra khỏi không gian, trung bình từ 5 đến 10 mảnh vụn lớn mỗi năm, nếu muốn tình hình trên vũ trụ ổn định. (BV)
Thêm một nguyên nhân để trồng cây rừng ngăn chận sự nóng ấm toàn cầu
Các khoa học gia vừa khám phá ra rằng một số cây cỏ có thể giúp làm chậm lại hiện tượng thay đổi khí hậu bằng cách tiết ra các khí tạo thành những đám mây. Những “đám mây cản mặt trời” này có thể cản 1% sự nóng ấm toàn cầu và thậm chí cản 30% tại một số khu vực như miền bắc vùng Siberia, Canada và tại một vài quốc gia Bắc-Âu. Theo đăng tải của tạp chí Nature Geoscience, sự khám phá này cung cấp thêm bằng chứng về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, trồng thêm cây rừng để ngăn chận phần nào sự biến đổi khí hậu toàn cầu, vì cây rừng khi mọc cao có thể hấp thu khí nhà kính. Cuộc nghiên cứu được thực hiện tại những khu rừng ở Âu châu, Bắc Mỹ, Nga và miền nam châu Phi cho thấy một số thực vật sản xuất ra những hạt nhỏ li ti bay trôi nổi trong không khí, hệt như những giọt nước li ti để sau đó hình thành những đám mây phản chiếu lại ánh sáng mặt trời. Sự hình thành những “đám mây cản mặt trời” dường như ít hơn tại các khu rừng nhiệt đới (quá nóng) như vùng Amazon hay tại lưu vực sông Congo.
Ngoài ra chúng ta ai cũng biết hoặc nghe nói đến hương thơm của rừng (gồm các mùi monoterpene). Cho đến nay các khoa học gia vẫn chưa biết rõ tại sao cây rừng lại tiết ra nhiều mùi hương hơn khi nhiệt độ tăng cao, dường như đây là một phương pháp điều hoà tự nhiên của thực vật để giảm nhiệt. Như vậy, cây rừng cũng góp phần làm nguội phần nào khí hậu toàn cầu. Cho nên, theo giải thích của Dominick Spracklen (một chuyên gia về Thực vật và Khí tượng thuộc đại học Leeds ở Anh quốc) và các khoa học gia quốc tế đến từ Canada, Hoa kỳ, Đức quốc, Hoà-lan, Nam Phi, Hung-gia-lợi và Thuỵ-điển, đó cũng là lý do tại sao chúng ta cần phải bảo vệ và khai triển thêm nhiều khu rừng để bù đắp phần nào những hậu quả tai hại do hiện tượng nóng ấm toàn cầu gây nên, ví dụ như các đám cháy hoặc sự phát triển quá nhanh của đám côn trùng, sâu bệnh nguy hại. (BV)
Thuốc chủng ngừa để đừng mắc bệnh ghiền ma tuý
Bác sĩ George Koob chuyên gia về ma tuý thuộc viện khảo cứu Scripps (TSRI) tại California cho biết đang thử nghiệm (tuy nhiên mới chỉ ở giai đoạn nghiên cứu với chuột) một loại thuốc chủng ngừa có thể ngăn chận chất ma tuý đi lên não bộ: “Nếu thuốc chủng vẫn tỏ ra hiệu nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng với người thì chúng tôi tin chắc rằng đây sẽ là một phần quan trọng trong phương pháp trị liệu dành cho khoảng trên 10 triệu người nghiện ma tuý, heroin trên thế giới”. Theo giải thích của Giáo sư Kim Janda, trưởng nhóm nghiên cứu của TSRI, trên tạp chí PNAS (Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America): những con chuột đã quen với ma tuý sau một thời gian buộc phải cai heroin thường “say sưa chơi lại” mỗi khi có dịp. Nhưng một khi được chích thuốc thì những con chuột không còn tỏ vẻ sốt sắng, ham hố nữa. Các khảo cứu gia cũng cho biết thuốc chủng ngăn ngừa bệnh ghiền cocain và ghiền chất nicotin do viện TSRI phát minh đang được thử nghiệm lâm sàng nơi người, và thuốc chủng ngừa bệnh ghiền chất methamphetamin (chất ma tuý) cũng sắp đến giai đoạn được đem ra thử nghiệm với người.
Chất heroin chuyển hoá rất mau để biến thành một chất gọi là 6-acetylmorphin xông thẳng lên óc gây ra các tác dụng “phê” của ma tuý nên khai triển các loại thuốc chủng ngừa này rất khó khăn phức tạp vì thuốc tan rã khá nhanh trong máu, và vì cấu trúc quá nhỏ và quá giản dị của các phân tử chất ma tuý để chỉ kích thích hệ miễn dịch. Gs Kim Janda cho biết đã chế ngự được sự khó khăn này bằng cách gắn những mảnh vụn li ti của các phân tử ma tuý vào các protein lớn hơn để có thể kích thích hệ miễn dịch. Thuốc chủng tác động thẳng vào các chất 6-acetylmorphin và morphin, ngăn chận những con chuột không còn ham muốn tiêu thụ nhiều heroin như trước. Các khoa học gia rất lạc quan tin tưởng rằng thuốc chủng ngừa này trong tương lai gần đây sẽ được áp dụng cùng với các phương pháp điều trị khác để giúp các “con ghiện ma tuý thoát khỏi vòng kiềm toả của nàng Phù Dung” (BV)
Hàng tỷ con châu chấu tấn công nước Do Thái
Từ đầu tháng Ba tại Do Thái đã xảy ra dịch châu chấu, những con châu chấu từ Ai-cập bay đến Do Thái ăn sạch mùa màng. Những cố gắng để diệt trừ nạn cào cào châu chấu bằng cách phun thuốc trừ sâu đều thất bại vì dường như đàn châu chấu tỏ ra đề kháng với các loại thuốc đang được xử dụng, nên đàn châu chấu vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh tại miền nam Do Thái. Từ hàng triệu con thì hiện nay, theo đăng tải của báo giới tại Do Thái, đàn châu chấu đã sinh sôi nảy nở thành hàng tỷ tỷ con khiến Do Thái như ngập lụt trong biển châu chấu. Đây là dịch châu chấu lớn, lần thứ ba và độc hại nhất kể từ năm 1915, không những làm hại mùa màng, cây cối mà còn gây thảm hoạ cho môi trường. Ngay cả những người lái xe cũng gặp nguy hiểm khi trên mặt đường tràn ngập châu chấu khiến họ không biết đâu là đường lộ, đâu là chỗ cát bắt đầu.
Nhà chức trách địa phương của tỉnh Ramat Negev đã yêu cầu chính phủ Do Thái huy động quân đội tiếp tay diệt trừ nạn châu chấu. Bộ trưởng Nông nghiệp của Do Thái cũng kêu gọi nông dân phối hợp phòng thủ tích cực hơn nữa. Vì mặc dù đã bị phun thuốc trừ sâu liên tục từ tháng Ba nhưng đàn châu chấu vẫn tiếp tục đẻ trứng và những con châu chấu thế hệ sau còn tỏ ra háu đói gấp bội vì có kích thước lớn hơn.
[Châu chấu khi sống đơn lẻ vốn rất hiền lành nhưng khi đã tập hợp thành những đàn lớn thì chúng lại có sức phá hoại hết sức ghê gớm. Dịch châu chấu là một trong 10 hiểm họa từng được nhắc tới trong kinh thánh]. (BV)
Nguồn: khoahocnet.com