ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: www.nguoiduatin.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Thảm họa bệnh than và bí ẩn ‘thị trấn quân sự số 19′
Sunday, September 1, 2013 18:24
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Số người thiệt mạng vì bệnh than lên đến gần 100 người. Con số và bệnh dịch này được ghi lại trong mục lịch sử hiện đại tại trang web chính thức của thành phố Yekaterinburg, thủ phủ vùng Sverdlovsk, Nga.

Bí ẩn Thị trấn quân sự số 19

Cách đây 20 năm, phóng viên đặc biệt của tạp chí Tuyệt mật ấn hành tại thủ đô Moskva (Nga) đã làm việc cùng họa sĩ Alexei Sokolov để tìm hiểu về nơi xảy ra dịch bệnh than nguy hiểm năm nào.

Họa sĩ A. Sokolov là nhân chứng sống bất đắc dĩ từng tại ngũ gần thị trấn quân sự mang số hiệu 19, thường được người dân gọi tắt là thị trấn 19, tọa lạc tại vùng Sverdlovsk, thuộc miền Trung nước Nga.

Năm đó, để tránh những phiền lụy không đáng có, cựu quân nhân (nay đã ngoài 50 tuổi) đang cư ngụ ở thành phố Samara (Kuybyshev trước đây), đã đề nghị thay đổi tên họ của ông trên mặt báo.

Họa sĩ A. Sokolov kể lại, vào cuối năm 1978, được gọi nhập ngũ có thời hạn, với nhiệm vụ chính là vẽ tranh cổ động tuyên truyền ở các đơn vị quân đội. Dần dần, ông được biên chế vào một tiểu đoàn chuyên xây dựng doanh trại thuộc lực lượng công binh. Ông cho biết, địa bàn đóng quân của đơn vị ông gần sát thị trấn 19, chỉ cách hàng rào thép gai gắn điện cao thế. Nhiều lần, ông cùng cánh họa sĩ đồng ngũ được điều sang khu vực này để vẽ tranh ở những vị trí đã định.

Theo trí nhớ của họa sĩ A. Sokolov, điều ấn tượng nhất khi bước chân sang khu vực tuyệt mật này là ở giữa thị trấn nhô cao một khối nhà 5 tầng màu xám. Nó là điểm cuối của mạng đường sắt quân sự dẫn từ bên ngoài vào, đồng thời, cũng là điểm khởi đầu cho những hoạt động nhộn nhịp bí ẩn dưới lòng đất.

Xung quanh khu nhà là những kiện hàng chất cao với các ký hiệu đặc thù dán bên ngoài, mang ý nghĩa “Cảnh báo hàng dễ vỡ” và các hình vẽ cụ thể cho biết bên trong chứa ống nghiệm,  bình, cốc… bằng thủy tinh. Tất nhiên, chỉ nhìn sơ qua, người ta cũng biết đó là các đồ dùng quen thuộc cung cấp cho các cơ sở thí nghiệm sinh hóa có quy mô cực lớn.

Đi sâu hơn về phía sau khối nhà là khu vực chứa các lồng chuyên dụng nhốt thú vật. Ông nhớ, một binh sĩ làm việc tại khối nhà này là nhà động vật học cho hay, đó là những chiếc chuồng nuôi lợn, thỏ, dê, cừu, chim…

 Người phụ nữ đứng trước bia mộ một nạn nhân của bệnh than Siberia năm 1979.

Ít ai biết rằng, bên trong thị trấn 19 với các tòa nhà xây dựng san sát nhau là một bí mật gây sửng sốt. Những tòa nhà màu xám chỉ là “lớp vỏ” ngụy trang của một thành phố ngầm dưới lòng đất.

Có lần, do hiếu kỳ, họa sĩ A. Sokolov đã thử đi sâu vào bên trong khối nhà 5 tầng nhưng ông liền bị nhân viên bảo vệ trong đồng phục của lực lượng đặc nhiệm ngăn lại. Họ đứng gác ngay sát lối vào các tầng ngầm sâu hun hút, liền kề với khu tháp thang máy đồ sộ, cao sừng sững. Chỉ có duy nhất một lần, A. Sokolov được chứng kiến sự kiện lạ xảy ra trên mặt đất ở thị trấn 19 khi tham gia dựng pa-nô cổ động trước mặt tiền ngôi nhà kế bên.

Họa sĩ A. Sokolov nhìn lên trần nhà, từ từ nhớ lại: “Bỗng dưng có tiếng lợn kêu inh ỏi, sau đó xuất hiện vài người mặc áo choàng trắng đuổi theo con lợn vừa xổng chuồng, đang chạy tới phía nhóm lính xây dựng chúng tôi. Tôi nhớ rất rõ, toàn thân con lợn ục ịch nặng hơn 300kg loang lổ những vết lở loét xanh đỏ.

Nó hăm hở chạy được vài vòng thì đột ngột gục xuống giãy chết. Khi đó, nhóm bảo vệ bên trên lập tức bắt chúng tôi quay mặt vào tường, không được phép nhìn và bắt chúng tôi phải hứa không tiết lộ những gì vừa thấy được. Tôi chợt nghĩ, con lợn là vật thí nghiệm của một loại hóa chất đáng sợ nào đó”.

Thảm họa bệnh than và nguồn phát bệnh đầy bất ngờ

Họa sĩ A. Sokolov trầm ngâm kể lại câu chuyện đời lính của mình và những điều lạ lùng xảy ra trong khu vực gây tò mò – thị trấn 19. A. Sokolov cũng đề cập đến thảm họa bệnh than (Anthrax) lan tràn tại vùng Sverdlovsk cuối thập niên 70 thế kỷ trước. Việc bệnh than lan tràn gây ra cái chết cho gần 100 người là một trong những sự kiện chấn động thời gian đó.

Theo ghi nhận, do không đủ cơ số vắc-xin cần thiết nên nhiều quân nhân không được tiêm chủng phòng ngừa kịp thời. Những người bị nhiễm bệnh còn có cả một số binh sĩ thuộc Trung đội 32 của A. Sokolov. Những binh sĩ này sau khi xuất ngũ đều đã chết trước độ tuổi 40, gồm cả ba họa sĩ quê ở Samara, cùng tiểu đội với ông.

Chính quyền địa phương thông báo, có gần 100 người bị nhiễm bệnh thiệt mạng nhưng theo giới chuyên gia từng nghiên cứu về sự kiện này thì con số nạn nhân thiệt mạng lên đến cả nghìn người. Về nguyên nhân bệnh lây lan mạnh trên diện rộng, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, vào rạng sáng 3/4/1979, khi vận hành thiết bị mới chuyên sấy khô tại một phòng thí nghiệm thuộc thị trấn 19, do sơ suất kỹ thuật trong quá trình lắp ráp, vi khuẩn bệnh than đã “lọt” ra ngoài hệ thống thông gió.

Hậu quả của sự cố này là những “đám mây độc” được tạo nên, len lỏi vào bầu không khí của Sverdlovsk, gây ra cái chết của nhiều người thuộc mọi lứa tuổi khác nhau, đa phần là nông dân vì lây nhiễm từ vật nuôi truyền sang. Phải mất hơn một tháng, người ta mới khử trùng hết toàn bộ những khí độc lan truyền trong không khí này.

Gần 1/4 thế kỷ sau, Chính phủ Nga mới lên tiếng công khai dịch bệnh bắt nguồn từ thị trấn quân sự số 19, nơi từng tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm bí mật về công nghệ sản xuất vũ khí sinh học. Họ cũng tiến hành bồi thường thỏa đáng cho gia đình các nạn nhân của vụ rò rỉ khí độc này. Bệnh Anthrax ở Nga được giới y học quốc tế gọi là bệnh than Siberia, để phân biệt với các chứng nhiễm khuẩn cấp tính cùng tên gọi ở các nơi khác.

Bệnh than Siberia là loại bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra ở gia súc, có thể truyền sang người, ở một vài dạng nó có độc tính rất cao. Sau khi thâm nhập vào cơ thể, các vi khuẩn hay bào tử này sẽ tự phục hồi hoạt động và nhân lên với một tốc độ rất nhanh.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhật báo Komsomolskaya Pravda số ra ngày 27/5/1992, một phóng viên hỏi cố Tổng thống Nga Boris Yeltsin (1931-2007) khi ấy đang là Bí thư thứ nhất khu ủy Sverdlovsk, cũng là sinh quán của vị Tổng thống Liên bang Nga đầu tiên: “Tuy đã biết từ lâu về việc sản xuất vũ khí sinh học khi đang còn nắm quyền ở Sverdlovsk nhưng mãi tới gần đây, ngài mới công khai tiết lộ. Tại sao, ngài lại im lặng trong suốt một thời gian dài đến vậy?”.

Ông B. Yeltsin từ tốn đáp: “Trong thời Chiến tranh lạnh, để đối phó với các chương trình phát triển vũ khí tương tự ở phương Tây, Chính phủ Liên Xô (cũ) phải có kế hoạch đáp trả nếu không muốn bị thất thế. Thứ hai, khi dịch bệnh than bùng phát, tôi đã cấp báo ngay với Chủ tịch KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia), cũng là Tổng bí thư Yuri Andropov sau này.

Y. Andropov liền thỏa thuận với Nguyên soái Dmitry Ustinov, đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô lúc ấy, đồng ý chấm dứt hoàn toàn việc tồn tại của thị trấn 19. Nhưng, trong thực tế các phòng thí nghiệm đã được chuyển đến khu vực khác và sự phát triển các dạng vũ khí sinh học vẫn tiếp tục trong điều kiện an toàn hơn…

Tôi còn thông báo với Tổng thống George Bush và Tổng thống Pháp Francois Mitterrand (đương nhiệm lúc đó) biết, nhằm tạo tiền đề ký kết thỏa ước thành lập một ủy ban đặc biệt của các siêu cường hòng chấm dứt việc sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí sinh hóa”.

Cuối cùng, những nghi vấn của bệnh than Siberia cũng có lời giải đáp.

An Mai (Theo Top-secret)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.