Mua bao nhiêu cũng có
Trong vai khách cần mua đường hóa học, chúng tôi tìm đến sạp P.T chợ Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp, TP.HCM), cô bán hàng tỏ ra cảnh giác nói: “Đứng bên ngoài để cầm mẫu ra cho xem. Đường phân ra thành gói nhỏ, giá 5.000 đồng/gói, muốn mua bao nhiêu thì mua”.
Lân la sang sạp gia vị, bà Mai chủ sạp cho biết hàn the giá 40.000 đồng/kg nhưng bà chỉ còn ít “lấy dùng đỡ, bữa sau ghé mua bao nhiêu cũng được”. Đến chợ Gò Vấp (Q.Gò Vấp) chỉ cần hỏi mua hàn the, đường hóa học, hầu hết các sạp bán hàng gia vị đều có. Bà H. (chủ một sạp ở đây) nói: “Sạp chị có đầy đủ hàn the, đường hóa học nhưng hôm nay hàn the hết hàng. Đường hóa học giá 200.000 đồng/kg, muốn mua bao nhiêu thì mua. Hôm khác ghé lại mua bao nhiêu cũng có hết”. Khi chúng tôi nói cần gấp, bà H. nói chỉ cần điện thoại, nói địa điểm sẽ cho nhân viên giao hàng tận nơi “nhưng phải lấy thêm hàng khác cho nhiều nhiều”.
Chủ sạp số 224 Xóm Củi cân hàn the, đường hóa học bán cho khách
Hỏi liều lượng sử dụng đường hóa học, bà H. nói: “Nồi chè chỉ cần bỏ 2-3 viên là ngọt rồi. Ngay cả nồi chè to chà bá mấy quán bán cũng chỉ bỏ tối đa 5 viên là ngọt chết luôn. Bỏ nhiều ngọt quá người ta ăn vô biết liền”. Ngay bên cạnh là sạp N.B, khi hỏi mua hàn the, bà chủ hàng “hụp” xuống, lò mò trong mớ hàng hóa, quăng lên gói nhỏ màu trắng, nói: “Hàn the đó, 2.000 đồng/gói. Lấy bao nhiêu?”.
Tại khu vực chợ Nhị Thiên Đường (Q.8), khi hỏi mua hàn the, đường hóa học, tiểu thương ngoài chợ hướng dẫn: “Vào khu vực hàng chạp phô, mua bao nhiêu cũng có”. Khi vào trong chợ hỏi, một tiểu thương nói không bán hàng này. Nhưng khi chúng tôi nhờ người quen hỏi mua, người này chạy đâu đó chừng vài phút đã mang về đầy đủ cả hàn the, đường hóa học.
Sang chợ Xóm Củi (Q.8), bà R. (chủ sạp) cho biết hàn the giá 40.000 đồng/kg, đường hóa học mới lên giá, giá bán lẻ hiện nay 250.000 đồng/kg. Hỏi cách sử dụng, bà này ra vẻ lén lút ghé sát tai nói nhỏ: “Hàn the bỏ ít thôi, bị cấm đấy. Đường hóa học cũng vậy, nồi chè bỏ vài hạt thôi, bỏ nhiều đắng, họ ăn biết liền”.
Hàng cấm bán công khai
Theo ghi nhận, đường hóa học, hàn the bán tại các chợ hầu như không có nhãn mác, nguồn gốc, chỉ đựng trong túi ni lông trắng, khách mua bao nhiêu cân bán bấy nhiêu. Một số tiểu thương cất giấu phía trong hoặc dưới gầm sạp, khi khách mua mới lấy ra. Đường hóa học dạng viên tinh (hạt) bằng đầu mút đũa, màu trắng, không mùi, một gói nhỏ giá 5.000 đồng, thử đếm được hơn 100 viên. Theo tiểu thương, đường hóa học dùng nhiều nhất trong nấu chè, làm bánh. Còn hàn the dưới dạng bột màu trắng mịn, không mùi, hơi bóng, như muối bột tinh khiết. Tiểu thương chợ cho biết hàn the dùng nhiều nhất để ướp cá, tôm, thịt, giò chả…
Đường hóa học, hàn the bán tràn lan, người mua sử dụng vào mục đích gì không cần biết
Ông D. (tiểu thương một chợ trên địa bàn Q.8) cho biết đường hóa học mua lẻ thì được, mua nhiều phải qua Chợ Lớn. Còn hàn the bán tràn lan, mua bao nhiêu cũng có. “Cá, tôm ươn sình, chỉ cần ướp chút hàn the sau đó ướp nước đá là cá tôm cứng ngắc. Người dân đi chợ, dùng tay bóp cá thấy còn cứng mới mua. Tuy nhiên bỏ nhiều hàn the quá tôm cá cứng như đá, nếu bỏ trong chả lụa cũng cứng luôn, cầm vào biết liền. Họ có nghề nên liều lượng bao nhiêu họ cho rất chính xác, khó mà phát hiện được”, ông D. giải thích.
Trong khi đó, chuyên gia Lê Đức Mạnh (Viện trưởng Viện Công nghệ thực phẩm) khẳng định đường hóa học chỉ được dùng liều lượng rất thấp và chỉ dùng ở một số sản phẩm, còn hàn the thì bị cấm tuyệt đối dùng trong thực phẩm.
Gây ung thư, hội chứng Down, teo tinh hoàn Theo bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm VN), hàn the có thể gây ngộ độc cấp tính (nôn ói, đau bụng, tiêu chảy…) và nhiễm độc mãn tính. Đáng sợ nhất là chất này tích lũy trong cơ thể qua việc sử dụng thực phẩm có chứa hàn the. Nhiễm hàn the mãn tính sẽ tác hại lên hệ thần kinh, làm giảm trí nhớ, ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa, đường tiết niệu, gây bệnh thận, làm rối loạn kinh nguyệt, khiến rụng tóc, và đáng sợ nhất là gây ung thư. Với đường hóa học, độ ngọt cao gấp 30-50 lần so với đường mía, có loại cho phép sử dụng, có loại không được phép dùng trong thực phẩm. “Đường hóa học trôi nổi là nguy cơ gây ung thư. Một số nghiên cứu cũng cho thấy nó gây hội chứng Down ở trẻ em, ảnh hưởng trên bà mẹ mang thai. Thử nghiệm trên động vật ghi nhận gây teo tinh hoàn…”. Thanh Tùng |
Theo Hoàng Việt
Thanh niên
2013-10-24 21:32:25
Nguồn: http://cafef.vn/hang-tieu-dung/tran-lan-han-the-duong-hoa-hoc-201310251107349874ca55.chn