(Thời báo Kinh Doanh) – Nhiều nhà nhập khẩu gỗ trên thế giới trước kia mua hàng từ Trung Quốc nay đã chuyển qua mua của Việt Nam. Điều này cho thấy, xuất phát từ yêu cầu đòi hỏi của thị trường, các khách hàng có vẻ tin tưởng chất lượng đồ gỗ sản xuất tại Việt Nam hơn là có xuất xứ từ Trung Quốc.
Thưa ông, ông cho biết tình hình xuất khẩu (XK) đồ gỗ 8 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013?
Ước giá trị XK gỗ và các sản phẩm gỗ trong tháng 8/2013 đạt 432 triệu USD, đưa giá trị XK 8 tháng đạt trên 3,34 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2012. Ngoại trừ thị trường Đức (giảm 14,4%) và Pháp (giảm 2,2%), XK gỗ và các sản phẩm gỗ sang các thị trường tiêu thụ lớn hầu hết đều tăng trưởng mạnh. Cụ thể: Hoa Kỳ tăng 7,2%, Trung Quốc tăng 14,7%, Nhật Bản tăng 20,3%, Hàn Quốc tăng 48,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2012, kim ngạch XK đồ gỗ và lâm sản đạt 4,67 tỷ USD. Dự tính, kim ngạch XK đồ gỗ năm 2013 sẽ đạt 5,5 tỷ USD. Sở dĩ đưa ra dự báo cao như vậy là vì các đơn mua hàng đang dồn dập chuyển về Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp đều nhận được số lượng đơn đặt hàng tăng 20 – 30% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ đâu mà XK gỗ tăng trưởng mạnh như vậy?
Những thị trường XK chủ đạo của hàng gỗ Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đang trên đà phục hồi, quay lại tiêu thụ đồ gỗ mạnh hơn. Ngoài nguyên nhân chính do nhu cầu thế giới tăng trưởng trở lại, doanh nghiệp Việt Nam còn nhận được nhiều hợp đồng XK từ Trung Quốc chuyển qua. Sự dịch chuyển này diễn ra từ trước đây, nhưng năm nay thể hiện rõ nhất.
Tại Trung Quốc, giá nhân công tăng, đồng nội tệ mạnh và các yếu tố chính sách khác của Trung Quốc làm phát sinh chi phí đầu vào cao hơn, khiến cho các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ đang đầu tư tại Trung Quốc phải chuyển sang các nước khác để gia công. Đồng thời, các nhà đầu tư vào Trung Quốc cũng đang áp dụng chính sách Trung Quốc cộng một, nhằm giảm bớt rủi ro.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforess)
Việt Nam là một trong các quốc gia được hưởng lợi. Nếu so sánh yếu tố chất lượng, có thể khẳng định sản phẩm đồ gỗ Việt Nam ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, được người dùng ưa chuộng do doanh nghiệp cố gắng hoàn thiện dây chuyền công nghệ, nhân công Việt Nam có tay nghề cao. Việc có nhiều đơn hàng từ Trung Quốc chuyển qua Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu đòi hỏi của thị trường, các khách hàng có vẻ tin tưởng chất lượng đồ gỗ sản xuất tại Việt Nam hơn là có xuất xứ từ Trung Quốc.
Có vẻ như ngành gỗ không còn những khó khăn bất cập, thưa ông?
Chính lúc này lại đang hiện lên nhiều bất cập của ngành sản xuất đồ gỗ. Vấn đề nảy sinh hiện nay là, các doanh nghiệp chế biến gỗ đang lo không tận dụng hết cơ hội từ thị trường. Nhiều doanh nghiệp thậm chí trong tình trạng “quá tải” đơn hàng, vì không đủ sức để nhận đơn hàng lớn. Dẫn đến tình trạng này là do, những năm trước (2009-2011) XK đồ gỗ của Việt Nam sụt giảm bởi ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới đã khiến nhiều doanh nghiệp sa thải bớt công nhân, bán bớt máy móc để có tiền trả lãi ngân hàng, tái cơ cấu sản xuất. Năm nay, khi đơn đặt hàng tăng đột biến, lại không kịp đầu tư tăng máy móc và cũng không kịp tuyển công nhân, đào tạo nhân lực.
Hiện còn nhiều bất cập tồn tại trong ngành chế biến gỗ. Một là, tiềm lực tài chính là hạn chế lớn nhất đối với doanh nghiệp trong nước, họ phải phụ thuộc tới 70 – 80% vốn lưu động từ ngân hàng. Mặc dù năm nay lãi suất vay vốn ngân hàng đã hạ, nhưng lãi suất cao trong những năm qua đã “hạ gục” rất nhiều doanh nghiệp, khoảng 30% công ty sản xuất đồ gỗ trong cả nước đã tạm ngưng hoạt động do “thấm đòn” lãi suất cao của các năm trước.
Hai là, năng lực sản xuất của nhiều doanh nghiệp trong nước chỉ mới phù hợp với các dòng hàng trung cấp, nên Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng này. Các doanh nghiệp do chỉ chuyên sản xuất hàng loạt với số lượng lớn, hệ thống phân phối chưa có, chưa thể nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, nên để tiếp cận được với người tiêu dùng trong nước thật sự là một thách thức rất lớn. Ba là, doanh nghiệp ngành gỗ đang phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao, nhiều doanh nghiệp hoạt động chủ yếu từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, do nguồn nguyên liệu gỗ từ rừng trồng chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Đối với nguyên liệu từ khai thác gỗ rừng tự nhiên, năm 2013, sản lượng sẽ giảm hơn so với năm rước khoảng trên dưới 12.000m3 và năm 2014 sẽ ngừng khai thác gỗ tự nhiên.
Chủ trương của Viforess như thế nào, thưa ông?
Nguy cơ lớn nhất đối với nhiều doanh nghiệp đồ gỗ hiện nay: khi bị từ chối đơn hàng, khách hàng nước ngoài mà công ty tốn công gây dựng bao nhiêu năm giờ sẽ bỏ đi, đặt hàng ở nước khác. Đối sách của Viforess: về mặt thị trường cần phải tập trung vào chiến lược: “khách hàng đã vào thì không cho ra”, tức là phải giữ chân bằng được khách hàng.
Doanh nghiệp cần phải nhạy bén, dám chấp nhận những đơn hàng lớn và đảm bảo thời gian giao hàng. Đồng thời, cần nâng cao năng lực cạnh tranh, hiểu rõ khách hàng, hiểu rõ thị trường để có đầu ra phù hợp với thực lực của mình.
Với các doanh nghiệp đang còn yếu sức, khó đáp ứng khối lượng đặt hàng lớn, cần phải liên kết lại với nhau, xây dựng mô hình “Nhóm doanh nghiệp hỗ trợ trong sản xuất, gia công”, có sự phân công chuyên môn hóa về chủng loại sản phẩm, chi tiết sản phẩm…
Những doanh nghiệp lớn, có tiềm năng, cần quan tâm hỗ trợ, chia sẻ với các doanh nghiệp bạn về đơn hàng, kinh nghiệm quản lý, vốn kinh doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp nhỏ hơn…
Năm nay là thời điểm tốt để làm mới, đón đầu cơ hội. Hiệp hội đang giúp cho các doanh nghiệp huấn luyện kiến thức để chuyển đổi sản xuất đồ gỗ ngoài trời sang đồ trong nhà, là nhóm mặt hàng mà các nước đang có nhu cầu lớn, các đơn hàng đang tấp nập về Việt Nam.
Nhật Minh thực hiện