(Xã hội) – Số phận nghiệt ngã, đôi mắt chìm trong đêm tối nhưng nghị lực, sức sống của họ vẫn mạnh mẽ để tồn tại và nuôi dưỡng những tương lai.
Người mẹ mù bán chổi nuôi con thi đỗ vào Đại học Ngoại Thương
Sinh năm 1960 tại huyện Thạch Thất (Hà Tây cũ), ban đầu Nguyễn Thị Vân vẫn lành lặn, bình thường như bạn bè cùng trang lứa. 4 tuổi, sau một cơn lên sởi, hai mắt của chị đã hoàn toàn bị hỏng. Khi tròn 20 tuổi, hạnh phúc mỉm cười với chị khi có người đàn ông tên Vấn (quê Từ Liêm, Hà Nội) đồng ý kết hôn. Chính chị cũng không thể ngờ rằng chồng hơn mình đến 20 tuổi. Chị thầm nghĩ: “Ai lại đi lấy chồng nhiều tuổi vậy”. Sau đó, bố mẹ bảo chị có chồng là may mắn lắm rồi nên chị đành “nhắm mắt đưa chân”.
Sau 2 năm, đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh của vợ chồng chị ra đời, bé được đặt tên là Kiên. Sau mấy năm ở nhà ngoại, vợ chồng chị bồng bế con thơ lên xã Phú Diễn (Từ Liêm) để mưu sinh. Nào ngờ, khi mới đến cả gia đình chị không có nổi một túp lều để chui ra chui vào, phải sống tạm bợ mai đây, mai đó. Bao nhiều nhọc nhằn, khó khăn đều đè lên đôi vai của chị khi người chồng bỏ xứ ra đi vì cảnh nghèo khổ.
Chị Vân vượt qua số phận và hướng về tương lai ở người con bằng công việc bán chổi.
Tưởng chừng, người phụ nữ gầy gò, mù lòa sẽ phải gục ngã trước số phận, nhưng nghị lực sống, cùng tình yêu thương của người mẹ, chị Vân đã vượt qua tất cả. Chị bồng bế con mò mẫm đi khắp nơi để làm mọi việc mưu sinh. Năm 1989, chị Vân đã có trong tay 2 triệu đồng, đó là một khoản tiền không nhỏ. Chị mua một mảnh đất ngay cạnh chân bức tường cầu vượt “dự án treo” ở đường 32 (Từ Liêm, Hà Nội) để dựng tạm túp lều làm chỗ che mưa, che nắng. Ngày tháng trôi qua, mẹ con chị cứ thế mà sinh sống trong sự đói khổ, rách nát qua ngày.
Trở về với tấm “thân tàn ma dại” ông Vấn xin chị Vân nối lại tình xưa. Nghĩa vợ chồng, cùng với lòng vị tha và thương yêu của một người phụ nữ, chị chấp nhận ông Vấn một lần nữa. Họ sinh được một người con nữa, đặt tên là Quý.
Chị Vân được nhận vào Hội người mù Từ Liêm từ năm 1992. Lúc đầu, chị nhận chẻ tăm cho Hội rồi mang đi bán, nhưng mù lòa nên toàn chẻ vào tay. Được hội giúp đỡ, chị Vân đã mạnh dạn vay vốn mở một cơ sở sản xuất chổi lau. Mỗi ngày, từ 5 giờ sáng, một mình chị Vân chống gậy mò mẫm đem chổi đến bán ở chợ Đồng Xa, đến 2 giờ chiều lại về kết chổi ở bên chợ Diễn. Một chiếc chổi lau như vậy chị bán từ 25-30 nghìn đồng.
Nhìn thấy chị để lấy tiền trong túi ra đưa lại cho khách mà không chút nhầm lẫn, nhiều người không khỏi thán phục. Chị Vân kể: “Trước đây, lúc dùng tiền giấy, tôi bị lừa rất nhiều. Có ngày, tôi không có đồng tiền lãi. Hiện giờ, tiền polime từng mệnh giá có kích cỡ khác nhau nên cầm qua là tôi biết giá trị của nó”.
Không chỉ kết chổi, chị Vân còn đan thêm quạt nan để bán. “Mùa hè đan quạt nan, mùa đông kết chổi” là việc theo mùa luôn chân, luôn tay chị. “Dẫu gian truân, tôi vẫn vượt qua để vươn lên. Tuy không may mắn để nhìn được xa nhưng sự từng trải đã giúp tôi có thể hiểu rộng. Còn đôi tay, còn chút sức lực nào, tôi vẫn còn làm việc miễn có tiền để nuôi con khôn lớn!”, chị quả quyết.
Con trai đầu của chị hiện giờ đã lập gia đình và có công ăn việc làm. Đặc biệt, em Quý con gái chị không những ngoan ngoãn mà còn học giỏi. Thương mẹ nên ngoài thời gian lên lớp, Quý thường giúp mẹ kết chổi đem bán, tối khuya em mới ngồi vào bàn học bài. Dù vậy, 12 năm liền em đều là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, niềm vui vỡ òa khi gia đình chị biết Quý đã xuất sắc thi đỗ vào trường Đại học Ngoại thương. Chị Vân quả quyết: “Dù đói, dù no vẫn cho con học hành. Đời chị đã cực khổ và thất học rồi, không thể để con mình học tập giữa đường đứt gánh”.
Người mẹ mù xin tiền cho con học Đại học
Mỗi khi đi qua Trung tâm thương mại Thị xã Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), người ta lại thấy một phụ nữ mù ngồi ở góc phía trái chân cầu thang, ôm chiếc ca nhựa chờ người qua lại bố thí những đồng bạc lẻ. Chị là Nguyễn Thị Gấu (55 tuổi) người ăn xin nhưng không hề cất tiếng van xin, chỉ ngước khuôn mặt lên ngóng tiếng chân người qua lại, nét mặt như van nài.
Anh Phạm Văn Mơ (63 tuổi) người nhỏ thó, chân tay co quắp là người chồng tật nguyền của chị. Năm lên 8 tuổi, cậu bé Mơ bị phỏng khiến 1 bên tay và chân bị co rút không còn khả năng cử động. Mãi đến năm 42 tuổi, do được hai gia đình giới thiệu, anh lấy chị Gấu là 1 người phụ nữ mù từ lúc lên 5 tuổi do di chứng bệnh đậu mùa.
Lần lượt đứa con gái lớn ra đời năm 1986, 4 năm sau sinh tiếp đứa con thứ 2. Cảnh nghèo càng thêm túng quẫn, hàng xóm khuyên vợ chồng chị Gấu đi xin ăn để sống. “Tôi mù, ổng không khả năng lao động chỉ còn cách đi xin, nhờ vào lòng hảo tâm của người khác. Từ năm 1992, hai vợ chồng bắt đầu đi xin ăn, tới nay đã 18 năm”, chị Gấu nhớ lại.
Được cha mẹ cho chiếc ghe tam bản nhỏ, anh Mơ với một cánh tay còn lại kẹp mái dầm bơi đi khắp nơi để xin ăn. Khi thì lên tận Sa Đéc, Lấp Vò hay Tân Thới, Tân Lược huyện Bình Minh (Vĩnh Long). Nơi nào gần thì chiều tối vợ chồng anh bơi trở về nhà, còn đi xa thì ở lại hẳn trên ghe.
“Thấy vợ chồng tôi tật nguyền người ta thương tình bố thí. Vợ chồng ki cóp, bóp mồm bóp miệng, thường chỉ ăn cơm với nước mắm kho. Tiền xin được cũng không nhiều nên tôi để dành lỡ khi bệnh hoạn, ốm đau và tính cho con đi học”, chị Gấu bộc bạch. Năm sau, khi bé lớn đủ tuổi đến trường, chị đã cho con đi học như bao nhiêu đứa trẻ cùng trang lứa. Lần lượt rồi bé thứ 2, bé út đều được đến trường.
Chị Gấu ôm xô nhựa xin tiền để cho con ăn học và nuôi chồng.
Vợ chồng chị dạy các con rằng nhà mình nghèo, dù bây giờ phải sống bằng đồng tiền bố thí của người khác nhưng các con phải cố gắng học giỏi, bỏ qua mặc cảm để sống tốt. Đến khoảng những năm 2000, anh Mơ càng ngày càng yếu đến mức không thể bơi xuồng. Chị Gấu để chồng ở nhà, 1 mình chị lần hồi chống gậy đi ăn xin.
Ý thức được hoàn cảnh đặc biệt của gia đình, không phụ lòng hy sinh, lo lắng của cha mẹ, các con chị đều học hành chăm chỉ. Cả 3 chị em Phạm Thị Hương, Phạm Thị Thùy Lan và Phạm Thị Thùy Dung đều là học sinh giỏi nhiều năm liền. Năm 2005, Phạm Thị Hương thi đậu vào ngành Công tác xã hội, trường Đại học Đồng Tháp.
Tin con thi đậu làm vợ chồng chị nửa mừng nửa lo. “Phần vì nhà không có tiền, sợ con phải bỏ học giữa chừng, phần vì sợ con bị bạn bè khinh rẻ, cười nhạo bởi cha tật nguyền, mẹ ăn xin nên tôi cứ đắn đo không biết có nên cho con đi Đại học hay không. Sau nhiều đêm trằn trọc, tôi liều lĩnh: “Không đi học thì sao có thể đổi đời?””, bà mẹ mù tâm sự.
Khi Phạm Thị Hương bước vào năm học cuối cũng là lúc cô em Phạm Thị Thùy Lan vừa trúng tuyển ngành Tài chính – Ngân hàng Trường đại học Đồng Tháp. Bây giờ Hương đã tốt nghiệp ra trường, vừa xin được việc làm ở một cơ quan tại thành phố Cao Lãnh chừng vài tháng, còn Thùy Lan đã học năm thứ 3, cô bé út Thùy Dung vào lớp 9.
Có lẽ, cuộc sống của chị Gấu sẽ bớt khổ hơn vì con cái đã trưởng thành, nhưng vẫn còn đó những lo toan, vất vả khi người mẹ mù vẫn phải đi xin tiền để trang trải cuộc sống.
Người mẹ mù lòa bán vé số nuôi đàn con ăn học
Trong ngôi nhà có tấm biển “nhà tình thương” dán lên vách tường được các gia đình Phật tử quyên góp giúp đỡ được cất lên, chị kể về hoàn cảnh của mình mà ngân ngấn nước mắt. Lúc mới lập gia đình, chồng chị là anh Cái Viết Minh (SN 1973) là một thợ mộc có tiếng ở Huế, nhưng từ ngày bố anh lấy vợ hai, thần kinh anh trở nên không ổn định, rồi bỏ nhà ra đi biền biệt một thời gian. Khi trở về quê, anh làm lúc được lúc không nên gia đình chị ngày càng lâm vào cảnh khốn khó. Hai vợ chồng sống được nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ hai bên và sự cưu mang của xóm làng chén cơm, bát gạo.
Gia đình chị Thanh.
Cứ ngỡ, trong hoàn cảnh khó khăn, 2 người cùng chung tay làm ăn thì cuộc sống sẽ đỡ hơn. Thế nhưng, tai họa lại ập đến với gia đình chị. Năm 2008, chị trở dạ sinh cháu thứ 4 thì đôi mắt bỗng nhiên bị mù, không còn làm được việc gì để giúp đỡ gia đình. Các bác sĩ xác định chị bị bong võng mạc, căn bệnh này có thể mổ sáng mắt nhưng phải tốn đến 40-50 triệu, gia đình chị quá khó khăn nên chị ngậm ngùi ôm bệnh gần 10 năm nay.
Lặng người đi một lúc, chị Thanh kể lại cuộc đời kém may mắn của mình: “Khi mới bị mù, tôi buồn lắm, tôi luôn nghĩ đến cái chết để khỏi làm gánh nặng cho gia đình, nhưng nhiều đêm nằm suy nghĩ rồi cuối cùng tôi cũng gượng sống, sống để lo cho đàn con ăn học. Mình nghĩ chồng mình thần kinh không ổn định, lúc tỉnh lúc mê mình chết đi thì ai lo cho các con. Nghĩ vậy nên ngoài giờ học thì cháu gái đầu lòng dắt tôi đi bán vé số để mưu sinh”. Sống cảnh tối tăm, chị cố chống chọi với đời bằng việc siêng năng học hỏi, tự luyện kỹ năng “thám thính” cảnh vật chung quanh để tồn tại. Trong căn nhà tồi tàn đó, có 6 phận người một mù lòa, một thần kinh bất ổn, và 4 đứa con đang tuổi ăn học cứ sống bám lấy nhau.
Chị Thanh tâm sự: “Hôm qua, hai mẹ con tôi đã đi khắp phố rồi, mỏi cả chân lẫn miệng mà vé bán được ít lắm. Hôm nay phải tìm chỗ mới mà đi”. Nói đến đó, chị đưa tay vịn vào thành giường, đôi chân quờ quạng tìm đôi dép rồi mò mẫm bước đi ra cửa. Cháu Hồng Nhàn, con gái đầu lòng vai mang túi xách đựng đầy 300 tờ vé số, bàn tay đen xì vì nắng gió nắm lấy tay mẹ để cùng bước đi. Một ngày mưu sinh mới của 2 mẹ con mù lòa đã thực sự bắt đầu.
Cả 4 chị em Cái Thị Hồng Nhàn (lớp 10), Cái Thị Hương Lan (lớp 8), Cái Thị Hương Trúc (lớp 7), Cái Thị Hương Thương (lớp 1) đều là học sinh giỏi, chăm ngoan nhiều năm liền. Những ngày còn học ở trung học cơ sở, hai chị em Hồng Nhàn và Hương Lan rất được thầy cô, bạn bè yêu mến. Nhận được sự cảm thông, các em càng phấn đấu học giỏi và thường xuyên được nhận học bổng học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
2013-11-03 21:32:45
Nguồn: http://phunutoday.vn/xa-hoi/nhung-ba-me-mu-vuot-qua-giong-to-34689.html