Các mẹ cùng đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc “khó mở lời” mẹ chưa có lời giải nhé.
Sắp đến ngày sinh, mẹ được rất nhiều người truyền dạy lại các kinh nghiệm sinh nở, nào là dấu hiệu sinh, đối phó với những cơn đau chuyển dạ như thế nào…Nhưng có lẽ vẫn còn những thắc mắc “tế nhị” mẹ băn khoăn chưa có lời giải đáp, mẹ ngại và cũng không biết nên mở lời hỏi ai. Các mẹ cùng đi tìm lời giải đáp nhé!
1. Tôi có nên tẩy “vi-ô-lông” trước khi sinh?
Như băn khoăn của mẹ bầu Thanh Mai: “Các mẹ chuẩn bị sinh em bé cho em hỏi chuyện này với, em hỏi hơi buồn cười, các mẹ đừng cười nhé! Em mang bầu lần đầu tiên, chưa đi đẻ bao giờ nên không biết khi đẻ người ta có bắt…cạo hết lông chỗ…ấy đi không? Bình thường trước khi đi đẻ mình phải tự cạo hay vào bệnh viện họ cạo cho? Mình có thể yêu cầu họ giữ nguyên không “làm lông” hết được không ạ? Thú thực chỗ ấy của em rậm hơn của người khác, cạo hết đi đến lúc mọc lại chắc trông buồn cười và ngứa lắm. Mọi người đừng cười em đấy nhé!”. Đây chắc hẳn không phải là thắc mắc hỏi ra ”sợ bị cười” của riêng mẹ Thanh Mai mà còn rất nhiều chị em bầu khác nữa.
Xin trả lời để các mẹ yên tâm đó là việc tẩy “vi-ô-lông” này không hề bắt buộc. Trước đây, bác sĩ thường khuyên sản phụ nên làm sạch những sợi lông ở vùng tam giác trước khi sinh để tránh viêm nhiễm. Thế nhưng, nhiều nghiên cứu y khoa nay đã chứng minh việc để nguyên hiện trạng hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đến quá trình “vượt cạn”. Trừ một số trường hợp lông quá dày và dài, mẹ nên cắt tỉa bớt chứ không cần cạo sạch. Việc cạo sạch có thể khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu và ngứa ngáy khi những sợi lông mọc lại.
Việc khám âm đạo sẽ được thực hiện khoảng 2-4 giờ một lần để đánh giá độ giãn của tử cung (ảnh minh họa)
2. Tôi sẽ phải khám âm đạo nhiều lần trong khi chờ đẻ và ngay cả khi lên bàn đẻ?
Các bác sĩ cho biết khám âm đạo thường được thực hiện khi mẹ đã đến viện, tức là khi có dấu hiệu sắp sinh. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện khoảng 2-4 giờ một lần để đánh giá độ giãn của tử cung. Tuy nhiên, nếu như nước ối đã vỡ hoặc cổ tử cung mở nhanh, bác sĩ và y tá sẽ tiến hành kiểm tra thường xuyên hơn để xác định khi nào mẹ sẵn sàng vào phòng sinh.
Khi bé đã được sinh ra và nhau thai đã sổ ra ngoài, bác sĩ sẽ kiểm tra nhau thai, đồng thời kiểm tra bên trong để xem tử cung của mẹ đã bắt đầu co lại sau khi nhau thai đã sổ ra hay chưa.
3. Tôi sẽ mặc gì khi sinh?
Nếu như xem các bộ phim nước ngoài, các mẹ đi đẻ mỗi người một phòng, được mặc váy đẹp và che chắn cẩn thận thì thực tế khác xa những điều đó. Khi đến bệnh viện để sinh, mẹ sẽ không xa lạ với hình ảnh những mẹ bầu khác đang nằm “tồng ngồng” trên bàn đẻ, váy áo thì xộc xệch, có người còn chẳng thèm cuốn váy lên vì đã đến lúc đẻ và dường như những cơn đau đẻ sẽ khiến chẳng ai còn quan tâm đến chuyện đó nữa.
Mẹ nên mặc váy, tốt nhất là váy rời để tiện cho việc thăm khám. Một số bệnh viện sẽ phát cho mẹ 1 bộ áo váy ở viện để đảm bảo vệ sinh cũng như thuận tiện cho việc sinh đẻ. Áo ngực thai sản hoặc crop top cũng là lựa chọn tốt của mẹ nếu như mẹ không tự tin vào cơ thể của mình.
Quần áo có thể tạo nên sự phiền toái trong quá trình đi đẻ, vì thế, mẹ chỉ nên mang theo một bộ để mặc trở về nhà sau khi sinh. Thêm một chú ý nữa đó là mẹ nên tiếp xúc da kề da với bé ngay sau sinh, điều này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho mẹ và bé, giúp bé cảm nhận được tình mẫu tử ngay khi chào đời.
4. Chồng tôi sợ “yêu” sau khi chứng kiến cảnh vợ đẻ?
Có một số chị em tủi thân chia sẻ rằng chồng không còn ham muốn sau khi bị “sốc tâm lý” khi cùng vợ vượt cạn. Tuy nhiên, các mẹ đừng quá lo lắng đến việc này. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những trường hợp hi hữu này đó là do người chồng chưa được chuẩn bị tốt về tâm lý trước khi vào phòng sinh, cũng như không biết được điều gì sẽ xảy ra đằng sau cánh cửa phòng đẻ khiến anh ấy bị ám ảnh và tổn thương tâm lý bởi những gì anh ấy chứng kiến. Thực tế là hầu hết các ông đức ông chồng sau khi vượt cạn cùng vợ đều yêu thương vợ nhiều hơn bởi các anh càng hiểu sâu sắc hơn những khó nhọc, vất vả mà các chị đã phải trải qua để “tặng” các anh những đứa trẻ thật đáng yêu.
Nếu sau khi thảo luận và đảm bảo anh xã đã biết rõ được những gì sẽ diễn ra mà mẹ vẫn không cảm thấy yên tâm, tốt hơn hết là mẹ hãy để ông xã ở bên ngoài phòng chờ nhé.
Thực tế là hầu hết các ông đức ông chồng sau khi vượt cạn cùng vợ đều yêu thương vợ nhiều (ảnh minh họa)
5. Tôi có thể rặn đẻ rặn ra cả “sản phẩm” không?
Điều này hoàn toàn có thể. Trước khi sinh, các y tá sẽ yêu cầu mẹ tắm rửa, đại tiện và tiểu tiện. Tuy nhiên, trong trường hợp mẹ đẻ mổ, việc dùng thuốc tê đã làm tê liệt cơ co thắt hậu môn nên việc “són” ra là chuyện quá bình thường. Ngoài ra, các bác sĩ còn cho biết khi đầu em bé chuẩn bị chui ra ngoài, trực tràng sẽ bị san phẳng và mọi thứ có trong đó sẽ bị đẩy ra ngoài, đó chính là lý do các mẹ hoàn toàn có thể sẽ đi đại tiện ngay trên bàn đẻ.
Các bác sĩ trải qua chuyện này thường xuyên vì thế mẹ đừng quá lo lắng hay xấu hổ nếu điều này xảy ra bởi không phải chỉ có riêng mình mẹ mới rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” này. Lúc trên bàn đẻ, có lẽ cơn đau sẽ thu hút hết sự chú ý của mẹ, chẳng có thời gian, tâm trí nào để mẹ “giữ hình tượng” nữa đâu. Vì thế mẹ hãy bỏ qua điều băn khoăn này đi nhé.
6. Hỗn hợp khí Entonox làm giảm đau khi sinh có tác dụng phụ?
Câu trả lời là không. Đây là hỗn hợp 50% oxy và 50% oxit nitơ, được hít vào qua ống chụp miệng. Hỗ hợp khí này không màu, không mùi, có tác dụng giảm nhẹ các cơn co thắt. Hỗ hợp khí này rất dễ kiểm soát, mẹ có thể dùng vào bất cứ giai đoạn vượt cạn nào, và có thể dùng kết hợp với các biện pháp giảm đau khác. Entonox không lưu lại lâu trong cơ thể nên nó sẽ không gây hại cho bé. Mẹ nên để sẵn một ly nước bên mình khi sử dụng phương pháp này vì hỗn hợp khí có thể khiến mẹ khô miệng.
7. Tôi có bị rạch khi sinh không? Thông thường phải khâu bao nhiêu mũi?
Mẹ sẽ không phải rạch và có bất kỳ vết khâu nào nếu sinh thường và làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ trong giai đoạn cuối khi sinh, hít sâu và rặn ra đúng cách.
Trong trường hợp mẹ phải rạch tầng sinh môn, bác sĩ sẽ gây tê cục bộ nên mẹ sẽ không cảm thấy đau đớn khi bác sĩ tiến hành khâu. Số lượng các mũi khâu có thể rất khác nhau tùy từng trường hợp và ở các bệnh viện. Các vết khâu này sẽ lành trong vài ngày sau sinh.
Các vết khâu đau trong vài ngày sau sinh khiến mẹ cảm thấy khó chịu (ảnh minh họa)
8. Tôi sẽ chảy máu nhiều sau khi sinh?
Sau khi sinh, mẹ có thể bị chảy máu khá nhiều, thường có chứa các cục máu đông. Những mẹ sinh thường thì tình trạng chảy máu thường sẽ ít hơn nhưng đối với các mẹ lựa chọn đẻ mổ, hiện tượng này có thể nghiêm trọng hơn và mẹ sẽ cần thay băng vệ sinh khoảng hai giờ một lần trong những ngày đầu sau sinh.
Màu sắc có thể thay đổi từ đỏ tươi sang màu nâu hồng và đến ngày thứ 10 thì có màu vàng và sẽ dừng hẳn sau 3-4 tuần. Mẹ nên liên lạc ngay với bác sĩ trong trường hợp dịch sản có mùi hôi hoặc chảy máu đã giảm dần nhưng sau đó lại bị nặng hơn để hạn chế nguy cơ mất máu.
9. Tôi lo mình sẽ vỡ ối khi đang đi ra ngoài. Tôi nên làm gì trong trường hợp này?
Điều này sẽ không xảy ra với 90% thai phụ. Nếu mẹ rơi vào trường hợp 10% còn lại, mẹ đừng vội hoảng sợ, hãy thật bình tĩnh để sử lý tình huống. Mang theo 1 chiếc khăn thấm hút tốt hoặc “bỉm” bên mình sẽ hữu ích cho mẹ. Mẹ hãy nhờ người xung quanh gọi giúp taxi để đến bệnh viện, lót dưới ghế xe một miếng lót ni-lon và gọi điện ngay cho người thân, bác sĩ của mẹ để thông báo tình hình. Nếu lượng nước ối ra ít, mẹ hãy xem xét thật kỹ đó là hiện tượng rò ối hay soán tiểu, càng gần đến ngày sinh thì khả năng vỡ ối càng nhiều.
10. Sau sinh, ham muốn “yêu” sẽ không còn như trước?
Điều này hoàn toàn sai. Đời sống tình dục của mẹ sẽ trở lại sau sinh. Tất nhiên là mẹ phải dành thời gian để cơ thể phục hồi, nhất là khi mẹ lựa chọn sinh mổ, cần chờ đợi để các vết khâu lành. Mẹ có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục bằng các bài tập cơ sàn chậu không chỉ có tác dụng hỗ trợ cơ bắp hồi phục mà còn thúc đẩy lưu lượng máu đến khu vực này.
Thông thường, sau 6 tuần, khi đáy chậu hoàn toàn lành lại, không còn cảm giác căng, sưng đau thì mẹ có thể quan hệ tình dục lại. Khi mới bắt đầum mẹ có thể phát hiện ra âm đạo khô hơn trước đây do mức độ estrogen thấp, điều này càng rõ ràng nếu như mẹ đang cho con bú. Mẹ có thể sử dụng chất bôi trơn để giảm bớt tình trạng này. Ngoài ra, nếu mẹ không muốn sinh con liền kề, nhớ sử dụng các biện pháp tránh thai. Lưu ý cuối cùng dành cho mẹ đó là khi “yêu” mẹ cảm thấy không thoải mái, đau đớn hoặc khó chịu, hãy đi khám bác sĩ ngay để được kiểm tra và có cách chữa trị hiệu quả nhất.
2013-11-15 14:08:21
Nguồn: http://eva.vn/ba-bau/thac-mac-nguong-chin-mat-cua-me-bau-c85a158638.html