1. PTS. TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, người tham gia mở nắp quan tài trao đổi với TT&VH: khi mở nắp quan tài, mùi hương thoang thoảng (khá giống hương trầm) tỏa ra. Chúng tôi tìm thấy trong quan tài có thi hài một phụ nữ, với thân hình teo lại song vẫn còn nguyên lớp da bọc, bộ tóc dài, hàm răng còn đầy đủ, tất cả số răng được nhuộm đen. Miệng xác ướp ngậm một đồng tiền hoen rỉ.
PGS. TS Nguyễn Lân Cường (trái) trong quá trình khai quật xác ướp
Cũng theo chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Lân Cường, người phụ nữ trong mộ khoảng hơn 60 tuổi, chiều dài đo được là 165 cm. “Chúng tôi còn tìm thấy một chiếc quần lụa với hoa văn rất đặc sắc và 10 chiếc áo”- ông Cường cho hay.
PTS. TS Nguyễn Lân Cường cũng cho biết, xác ướp được bảo quản tốt đến vậy một phần do chiếc quan tài có thiết kế rất kín: lớp ngoài bao phủ bằng một loại hợp chất dày khoảng 3- 5 cm, kế đó là nhiều tấm gỗ dày chắc chắn. Bên trong, xác ướp được bọc bởi nhiều lớp vải và chèn giấy bản, 2 gối chèn hai bên thái dương, 1 gối kê giữa hai chân.
“Tuy nhiên, vào chiều 10/12, khi chúng tôi tới hiện trường, quan tài cổ không còn kín như lúc đầu” – ông Cường nói – “Bởi chiều 7/12, khi thi công công trình thủy lợi, một chiếc máy xúc đã gạt trúng ngôi mộ và phát hiện ra chiếc quan tài cổ. Việc va đập ấy tôi nghĩ đã khiến chiếc quan tài không còn nguyên hiện trạng”.
Xác ướp được bọc trong nhiều lớp vải
2. PGS. TS Nguyễn Lân Cường cũng cho biết thêm, việc tìm thấy xác ướp trên rất có giá trị. Những hiện vật tìm thấy trong quan tài như quần áo, mẫu tóc còn khá nguyên vẹn… là tài liệu để nghiên cứu văn hóa, lịch sử.
Ông cho biết: “Theo những nghiên cứu ban đầu của chúng tôi, người trong mộ thuộc tầng lớp giàu có thời bấy giờ. Về niên đại và địa vị xã hội, tôi thấy ngôi mộ trên khá tương đồng với ngôi mộ ở Quảng Bá (Hà Nội) chúng tôi nghiên cứu trước đó”
Khi quá trình khai quật hoàn thành, có hai dòng họ tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) nhận người trong mộ là người nhà. Song các cấp chính quyền đã giao ngôi mộ cổ cho dòng họ Doãn. Bởi dòng họ này là những người đã ở trên mảnh đất trước khi cải cách ruộng đất và có gia phả chứng minh về lai lịch người trong mộ.
“Đồng thời, mẫu tóc cũng có, chúng tôi sẵn sàng cho xét nghiệm ADN. Nhưng sau đó, dòng họ còn lại thấy không cần thiết nên thôi”- PGS. TS Nguyễn Lân Cường nói.
Cũng theo PGS. TS Nguyễn Lân Cường, những quan tài cổ chứa xác ướp khác, nếu không có người nhà nhận chôn, các nhà khảo cổ thường lễ và hoàn táng cho người khuất. Nhưng trường hợp này, chính quyền và các nhà khoa học thống nhất giao cho dòng họ Doãn hoàn táng xác ướp trên.
Thể thao & Văn hóa