>> U19 Việt Nam: Xúc cảm và thế là đủ!
>> U19 Việt Nam: Sau cơn mưa trời lại sáng
>> U19 Việt Nam đã biết đứng dậy
>> Minamino xuất sắc nhất giải U19 Quốc tế
Đội tuyển U.19 Nhật Bản vốn được hình thành dựa trên sự tuyển chọn từ tuyến U.18 của 15 CLB chuyên nghiệp đang đá tại J-League. Đây đều là những cầu thủ đã chọn con đường thi đấu chuyên nghiệp và được rèn luyện thông qua các giải đấu tuyến U mà các CLB chuyên nghiệp bắt buộc phải tham gia. Đây là lý do mà trình độ và kinh nghiệm chơi bóng của U.19 Nhật Bản vượt xa U.19 Việt Nam, vốn chỉ mới là các học viên chưa “ra trường”, chưa được cọ xát trong môi trường thi đấu chuyên nghiệp.
Các tuyến trẻ của các CLB chuyên nghiệp Nhật Bản được hình thành dựa trên cơ sở đào tạo của chính các CLB này và nguồn cầu thủ lại đến từ một hệ thống khác cung cấp chứ không phải trực tiếp tuyển chọn đại trà như kiểu mà Học viện HA.GL – Arsenal của bầu Đức đang thực hiện. Nói cách khác, muốn được có mặt trong những tuyến U của các CLB, các cầu thủ trẻ đã phải trải qua một “bộ lọc” khác, đó là những trung tâm bóng đá cấp thấp.
Buổi dạy đầu tiên của trường đào tạo bóng đá trẻ từ mầm non do CLB Amitie tổ chức. Ảnh: LÊ THẮNG |
Anh Kitaguchi Haruki, một thành viên của CLB Amitie của Nhật Bản, hiện đang mở trường dạy bóng đá cho trẻ mầm non và tiểu học tại Việt Nam cho biết, CLB Amitie của anh chính là một trong những “bộ lọc” ấy. Dù đã thành lập được 12 năm, nhưng đến nay CLB Amitie chỉ mới hình thành được lứa U.15. Nguyên nhân là họ bắt đầu đào tạo cầu thủ từ lứa tuổi… nhi đồng. Hàng trăm ngàn em bé yêu thích bóng đá ấy sau gần chục năm mới “lọc” ra được một vài em có thể tiếp tục con đường đá bóng. Từ những tuyến trẻ như tại CLB Amitie, các em mới được tuyển chọn vào hệ thống đào tạo cao hơn, tại các CLB chuyên nghiệp của J-League.
Có đến hàng trăm CLB tương tự như CLB Amitie mà anh Kitaguchi Haruki đang làm việc tại Nhật Bản. Đây là kiểu CLB cấp thấp, tương đương hạng 3 tại Việt Nam và không có tham vọng thi đấu chuyên nghiệp, chỉ tập trung đào tạo trẻ dù họ vẫn có đội bóng dự những giải đấu địa phương. Công việc của họ là khơi dậy sự yêu thích bóng đá cho các em bé, dạy đá bóng cùng kỹ năng sống, văn hóa giao tiếp trước khi các em có thể theo đuổi con đường bóng đá. Chính nhờ hệ thống chân rết này mà một khi các em được tuyển vào tuyến U của các CLB chuyên nghiệp đã có sẵn nền tảng văn hóa cũng như kỹ năng chơi bóng. Với một chân đế rộng và chuyên nghiệp như vậy, bóng đá Nhật Bản không bao giờ thiếu tài năng được đào tạo cơ bản. Nhưng để làm được điều đó, họ đã mất hơn 20 năm dày công thực hiện kể từ khi ra đời J-League.
Trong khi đó, cách đào tạo bài bản của Học viện HA.GL – Arsenal chỉ mới là sản phẩm của một CLB, một cách nghĩ táo bạo của bầu Đức và tốn rất nhiều công sức, chi phí suốt 7 năm qua từ khâu tuyển chọn tại các địa phương đến việc dạy văn hóa, đá bóng tại trung tâm đặt ở Gia Lai. Mô hình như học viện này rất hiếm tại Việt Nam dù hiện đang có một số trung tâm chuyên đào tạo trẻ khác như PVF hay Viettel. Hơn nữa, cách đào tạo tại Việt Nam chủ yếu là để “bán” trực tiếp cầu thủ khi họ trưởng thành hoặc để phục vụ cho chính các CLB chứ không “phân công trách nhiệm” rõ ràng giữa đào tạo trẻ và đào tạo chuyên nghiệp như tại Nhật Bản.
Ước mơ của Kitaguchi Haruki
Hôm 8-1 vừa qua, anh Kitaguchi Haruki đã có buổi dạy trải nghiệm đầu tiên cho các em bé tại Trường Mầm non Thiên Anh – quận 8, bắt đầu cho việc đào tạo bóng đá trẻ cho lứa tuổi mầm non và tiểu học mà CLB Amitie đang triển khai tại Việt Nam. Không chỉ nâng cao kỹ thuật đá bóng, các buổi học còn dạy các em sự chào hỏi tự tin, cách quan sát và lắng nghe khi nói chuyện, quy tắc sinh hoạt tập thể, phép lịch sự… Anh Kitaguchi Haruki mơ ước sẽ có thể xây dựng một CLB chuyên nghiệp theo đúng mô hình tại Nhật Bản từ những buổi học như thế này trong tương lai.
Trên thực tế, cách đào tạo trẻ theo mô hình đưa bóng đá vào trường tiểu học đã từng được CLB SLNA áp dụng để cho ra lò những thế hệ cầu thủ tài năng của bóng đá xứ Nghệ. Tuy nhiên, những mô hình tương tự không được áp dụng rộng rãi tại các CLB khác sau khi bóng đá Việt Nam phát triển chuyên nghiệp một cách quá “nóng” mà bỏ qua hệ thống “chân đế”.
>> U19 Việt Nam: Xúc cảm và thế là đủ!
>> U19 Việt Nam: Sau cơn mưa trời lại sáng
>> U19 Việt Nam đã biết đứng dậy
>> Minamino xuất sắc nhất giải U19 Quốc tế
2014-01-12 19:56:44
Nguồn: http://www.bongda.com.vn/Cac-giai-tre/U19-U21/313408_Nguoi_Nhat_day_lam_bong_da_tre.aspx