(Xã hội) – Tết Nguyên Đán đang đến gần, lợi dụng dịp sinh viên về quê ăn tết, những tên đạo chích ra sức hoành hành.
Tết Nguyên Đán 2014 đang đến gần, bên cạnh tâm lý vui mừng, hồ hởi chờ đón Tết đoàn viên được quây quần với gia đình thì nhiều bạn sinh viên vừa đi học vừa nơm nớp lo sợ cho đồ đạc ở nhà của mình.
Không để ý một chút là mất đồ
Chỉ còn vài ngày nữa là nghỉ Tết, nhưng nhiều bạn sinh viên phải đi học trong tâm trạng nơm nớp lo sợ bị mất đồ. Đặc biệt với các bạn sinh viên ở ký túc xá, do được ra vào tự do, ít kiểm tra nên cả sinh viên và đạo chích đều ra vào một cách tự do không kể ngành đêm. Vào thời điểm giáp Tết này, nạn trộm cắp ở ký túc xá ngày một ra tăng.
Trò chuyện với Thu Trang (sinh viên năm 3 – Học viện Báo chí & Tuyên truyền, đang ở trong ký túc xá của trường), cô bạn không nguôi vẻ mặt buồn bã nói: “Chỉ hai hôm trước thôi, mình để laptop trên bàn và đi ra ngoài, đến lúc về, laptop đã không cánh mà bay.”
“Đó là laptop ở trong phòng, chứ quần áo phơi ngoài hành lang nếu không đứng đó trông thì chuyện mất là như cơm bữa, vừa rồi, mình vừa mua cái áo mới để diện Tết, giặt rồi phơi một lúc mà đã mất rồi.” – Thu Nga (sinh viên ở trong ký túc xá) thêm vào.
Ảnh minh họa.
Do ký túc xá được mở cửa tự do, không kiểm soát người vào người ra nên thời điểm này, những tên đạo chích có thể vào, ra ký túc xá một cách dễ dàng “như đi chợ”.
Minh Thu (sinh viên năm 2 – hiện đang ở trong ký túc xá Đại học Sư phạm Hà Nội) kể lại: “Trưa hôm đó, khi cả phòng đang ngủ, mình lơ mơ tỉnh dậy thì thấy một người đàn ông áo đen đang đứng ở giữa phòng, thấy mình mở mắt hốt hoảng thì anh ta bảo vào nhầm phòng, nghĩ đến bây giờ mà vẫn thấy sợ.”
Ở những xóm trọ không đảm bảo được an ninh cũng là nơi lui tới thường xuyên của những tên đạo chích. Thấy Quân (ĐH BKHN) lúc nào cũng đeo laptop trên vai, tò mò một chút thì bạn kể chuyện: “Mấy hôm trước mình đi học, về đến nhà thì thấy trộm cạy cửa, lục lọi đồ đạc trong nhà lấy mất laptop và chiếc xe máy của mình, bây giờ mua cái mới, đi đâu mình cũng phải mang đi kẻo….”
Hay như Minh Châu (ĐH Văn hóa HN) trong một chuyến đi chơi cùng bạn bè ngày cuối năm, bạn cũng bị móc sạch ví và điện thoại khi đi xe buýt.
Với nhiều bạn sinh viên, đây có lẽ là những ngày giáp Tết ngập tràn lo âu và thấp thỏm mỗi khi đi học hoặc ra ngoài.
Những vụ trộm “kinh hãi”
Có những vụ trộm giữa ban ngày ban mặt, chủ nhân giáp mặt với tên trộm nhưng vẫn không làm gì được nó vì chúng thậm chí đem cả vũ khí theo, chỉ cần hó hé là chúng chém không thương tiếc.
Những dãy nhà trọ như thế này thường rất hay bị trộm “viếng thăm”.
M.Ánh (SV ĐH Kinh tế) bàng hoàng kể lại: “Tối hôm đó đang ngủ thì bị giật mình dậy vì có tiếng cậy cửa. Mình và nhỏ bạn vội vàng chạy tìm đèn pin thì thấy có hai người đàn ông đang rọi đèn vào mặt. Mình định hô to là có trộm thì một trong hai thằng hét vào mặt mình “Im ngay, không là tao cho mỗi đứa một nhát bây giờ. Muốn sống thì khôn hồn đưa tiền đây”. Lúc này mặt mình tái mét không còn giọt máu, mình nghĩ ngay tới cái cảnh giết người của Lê Văn Luyện. Bạn mình thì nó nằm bất động không dám hó hé, mình im re chỉ tay vào phía hộc tủ. Xong xuôi, chúng bỏ đi và không quên để lại một câu “Khôn hồn thì im mồm lại không là lần sau tao đến xử đẹp tụi bây”. Sau khi tụi nó đi mình và nhỏ bạn mới hoàng hồn trở lại, còn giữ được cái mạng là may lắm rồi.”
Những con đường vắng vào buổi trưa, tối khuya cũng là nơi bọn trộm cướp mai phục. Thậm chí ngay trên đường quốc lộ chúng ngang nhiên cướp giật túi xách. Cướp được túi xách rồi chúng còn đạp cho té xe làm không ít SV tiền mất tật mang.
Những vụ trộm không dừng lại ở laptop, điện thoại, tiền… mà áo quần chúng cũng chẳng buông tha. Túng tiền là chúng có thể trộm bất kỳ cái gì có thể bán được tiền. Những chiếc quần jean vài trăm, áo ấm cũng tầm 300 – 400k khi đem bán cũng được khá là nhiều tiền.
Trường hợp của bạn A.Tuấn (SV Cao đẳng công nghệ) thật khiến không ít người bàn hoàng vì mức độ quá táo tợn của bọn trộm ngày nay. Vừa mới đi học về, A.T dựng vội xe ngoài ngõ, vì buổi trưa nên xóm trọ có ít người, đa số ngủ hoặc đã đi học. T vừa chạy vô cất đồ rồi ra dắt xe thì thấy có một người lạ mặt đang loay hoay mở khóa xe. Thấy vậy, T nhào tới định bắt sống thằng đó nhưng vừa chạy tới thì đã bị thằng đó đánh túi bụi, không thấy mặt mũi, đến mức nó thọc tay vào túi quần T lấy chìa khóa xe phóng đi bỏ mặc T nằm sóng soài với thương tích đầy mình.
Chẳng ai chịu trách nhiệm
Vào những ngày này, ở xóm trọ cũng như ở ký túc xá, đâu đâu cũng thấy những bạn sinh viên truyền tai nhau những câu chuyện mất đồ làm bài học cảnh báo cho nhau.
Tuy nhiên, khi bị mất đồ, cả Ban quản lý ký túc xá và chủ nhà trọ đều “vô can”. Vì đây là đồ dùng cá nhân của sinh viên, nên cá nhân sinh viên phải tự bảo quản.
“Lúc trình bày lên Ban quản lý ký túc xá, mình chỉ nhận được sự im lặng và các thầy căn dặn rằng cứ về đi, rồi Ban quản lý sẽ điều tra.” – Thu Trang tức tưởi. Còn với ông Hiếu – chủ một nhà trọ ở đường Láng cho biết: “Mỗi tháng nhà có đóng phí an ninh cho khu phố, nhưng cũng chẳng thấy dân phòng nào đến tuần tra, mà hai bác cũng phải đi làm, không thể ở nhà trông đồ cho các cháu được.”
Nhiều bạn sinh viên khi bị mất đồ đã phải ngậm ngùi chuyển phòng đi, có bạn còn mang theo tâm trạng ám ảnh và lo sợ trong một thời gian dài.
Tình trạng trộm cắp dịp giáp Tết đang ngày một gia tăng tại các ký túc xá cũng như xóm trọ mà vẫn chưa có giải pháp nào để khắc phục. Vì vậy, các bạn sinh viên hay cảnh giác và cẩn thận hơn khi bảo quản đồ đạc của mình và những người xung quanh. Khi ra vào cũng nên khóa cửa cẩn thận, quần áo cũng nên được mang vào trong nếu không có người trông coi.
2014-01-28 18:17:07
Nguồn: http://phunutoday.vn/xa-hoi/sinh-vien-kho-so-vi-nan-dao-chich-nhung-ngay-giap-tet-40229.html