ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: bongda.com.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
U19 – Những niềm hi vọng của bóng đá Việt
Friday, January 31, 2014 1:18
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.



Không nghi ngờ gì nữa, lứa U-19 của bầu Đức là những niềm hi vọng của bóng đá Việt trong vài năm tới. Sau sáu năm mài giũa, có những câu chuyện khá thú vị về những niềm hi vọng này…

>> Những điều ít biết về “dream team” của bầu Đức
>> Chuyện ở Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai: Từ sân bóng vào lớp học
>> Thể thao năm Ngọ: Sẽ phi nước đại?
>> Những hình ảnh xúc động về U19 Việt Nam năm qua

Đi thưa về trình Ảnh: S.H.

Bài học nhập môn: ngoại ngữ

Hợp đồng đào tạo được ký kết giữa học viện với phụ huynh của các em có nhiều điều khoản. Trong đó có điều: “Sau bảy năm đào tạo, có thể vì lý do nào đó các em không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng học viện cam đoan với gia đình rằng các em sẽ tốt nghiệp THPT hệ chính quy, đủ sức giao tiếp với người nước ngoài bằng tiếng Anh, tiếng Pháp”. Đây là một điều khoản không tìm thấy ở nhiều lò đào tạo khác trong làng bóng Việt.

Hai tuần sau lúc trở thành thành viên chính thức của học viện, những “viên ngọc thô” bắt đầu líu lo với thầy Guillaume: “Bonjour – chào buổi sáng, Bonsoir – chào buổi tối, Bonne nuit – chúc ngủ ngon”. Trên sân tập thì tất cả luôn miệng động viên nhau “Ollé – cố gắng lên”. Khi gặp các thầy trợ lý người Việt, các em liền “chuyển hệ” bằng những câu tiếng Anh: “Good morning – chào buổi sáng. Good afternoon – chào buổi trưa. How are you teacher? – Thầy khỏe không?”.

Mỗi chú nhóc nhận được một bộ “bí kíp” với 304 mẫu câu chào hỏi, các thuật ngữ bóng đá bằng hai thứ tiếng Pháp – Anh, bắt buộc phải học khi rảnh. Sáu tháng sau, thầy trò có thể trao đổi cùng nhau bằng tiếng Anh, Pháp những lời thoại tương đối dài nhờ ba buổi học tiếng Pháp, ba buổi học tiếng Anh mỗi tuần vào ban đêm.

Không chỉ dốc tiền bạc, công sức đầu tư vào học viện, mỗi lúc rảnh rỗi bầu Đức thường ngồi hàng giờ xem bọn nhỏ tâng bóng với sự thích thú hiện rõ trên mặt. Nhiều đêm ông ngồi lặng lẽ nơi góc phòng để theo dõi và nghe bọn nhỏ học ngoại ngữ. Tan buổi học đêm, ông hay trêu chọc “đám con trai” của mình rằng: “Tụi bây giờ giỏi quá rồi, nói tiếng Anh, tiếng Pháp giỏi hơn chú Ba nhiều. Ráng học, mai này sang Arsenal tha hồ mà nói chuyện với người ta. Rồi sẽ có ngày tụi con tự sang Tây mà không có phiên dịch đi theo đâu…”.

Lời nói của bầu Đức trở thành hiện thực, gần cuối năm 2012 bộ tứ Xuân Trường, Tuấn Anh, Đông Triều và Công Phượng được “giáo sư” Wenger mời đích danh sang tập huấn một tháng cùng lứa U-18 Arsenal. Họ tự đi xin visa, tự làm thủ tục chuyến bay và tự giao tiếp trong suốt một tháng tập huấn. Tháng 2-2013, thủ quân Tuấn Anh một thân một mình lặn lội sang Pháp rồi Bỉ bốn tháng liền để chữa trị chấn thương đứt dây chằng chéo, vỡ sụn chêm đầu gối.

Và giờ đây, một mục tiêu nằm ngoài hợp đồng mà bầu Đức đang hướng tới: tất cả sẽ học lên đại học.

Đứa nào chơi xấu, chú Ba “cắt chân”

Kết thúc vòng đấu bảng giải U-19 Đông Nam Á, trung vệ Đông Triều kể với người viết rằng: “Khi tụi con dẫn trước U-19 Thái Lan 2-1, một tiền đạo của họ gây sự, đòi đánh lộn với con sau một cú va chạm hợp lệ. Khi ấy con chỉ cười, chỉ tay lên bảng tỉ số rồi nói: hãy gỡ hòa, đá thắng VN đi rồi hết trận chúng ta đánh nhau cũng chưa muộn. Nghe vậy, bạn ấy đỏ mặt rồi quay lưng chạy đi nơi khác”.

Thi thoảng, bầu Đức mới đến xem “đám con trai” của mình tập luyện. Sau mỗi buổi tập, bọn nhỏ thường chạy đến chào hỏi ông niềm nở. Khi ấy, ông thường tâm sự, dặn dò bọn nhỏ rằng: “Chú muốn nhắc tụi con rằng hãy tập, hãy đá hết mình, tuyệt đối không được chơi xấu, trả đũa đối thủ. Chú thấy đứa nào chơi xấu, ăn mặc se sua, tóc tai không nghiêm túc là chú “cắt chân”, mời ra khỏi học viện ngay lập tức”. Thừa biết đó là lời dọa, nhưng cái từ “cắt chân” không đáng sợ với họ bằng việc bị trục xuất khỏi học viện”.

Bốn giờ trước trận chung kết Giải U-19 Đông Nam Á, bầu Đức bay sang Surabaya, Indonesia. Việc đầu tiên là đến thăm bọn nhỏ, ông nói: “Hôm nay, chú Ba nhắc lại với tụi con lần nữa rằng cấm tuyệt đối chơi xấu, trả đũa hay phản ứng trọng tài. Có thể tụi con thua trận nhưng phải để lại dấu ấn về một đội trẻ VN chơi đẹp, không cay cú ăn thua. Đứa nào không nghe lời, chú Ba “cắt chân” ngay khi về đến Pleiku”.

Nhờ vậy, U-19 VN đã có những con số hết sức ấn tượng trong 10 trận đấu của năm 2013 (7 trận ở giải vô địch Đông Nam Á, ba trận ở vòng loại châu Á): thắng 9 trận, thua 1 trận (chung kết với chủ nhà Indonesia), ghi 32 bàn và để lọt lưới 8 lần. Đặc biệt chỉ bị một thẻ vàng!

Vì vậy, khi nghe những câu chuyện buồn của bóng đá Việt trong năm 2013 như cầu thủ U-21 đang dự giải mà trốn trại đi bar, rồi đá thô bạo triệt hạ chân đối thủ, bầu Đức lắc đầu nói: “Nếu là mình bảo đảm chỉ một cách xử, đó là mời ra ngay, đừng nhìn mặt nhau nữa”.

Người thầy đầu tiên – Ảnh: S.H.
Sau mỗi buổi tập phải lau bóng sạch sẽ và cất gọn gàng

Luôn tiến về phía trước

Trong quá trình đào tạo cầu thủ ở học viện này, hoàn toàn không có khái niệm… phòng ngự! Chính vì vậy, về mặt chuyên môn, điều lạ lùng nhất ở U-19 VN trong 10 trận đấu ở Giải vô địch U-19 Đông Nam Á với vòng loại châu Á là tinh thần tiến công, luôn tìm mọi cách đưa bóng cho đồng đội để tổ chức tấn công cho dù đang bị đối thủ tấn công nguy hiểm. Ông Dương Nghiệp Khôi – đại diện của VFF làm trưởng đoàn U-19 VN – thừa nhận: “Trong đầu các em của Học viện Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG hoàn toàn không có khái niệm phá bóng giải vây”.

Ông Nguyễn Tấn Anh, một trong những người gắn bó với học viện từ ngày đầu đến giờ, kể: “Quan điểm của JMG với Arsenal trong đào tạo trẻ rất lạ so với bóng đá VN. Trong quá trình đào tạo của bốn năm đầu tiên, phần lớn thời gian của các em là tâng bóng để rèn cảm giác bóng. Các em tuyệt đối không được tổ chức thi đấu, mà năm đầu là chia nhóm 4 chống 4, năm thứ hai là 5 chống 5, năm thứ ba là 6 chống 6… Với kiểu chơi này, các em phải luôn tìm cách giữ bóng phối hợp nhóm với nhau, và điều đó đã đi vào tiềm thức. Bên cạnh đó, hoàn toàn không có chuyện đào tạo em này sẽ là hậu vệ, em kia là tiền vệ, em nọ là tiền đạo. Tất cả các em chỉ có một khái niệm trong đầu là chơi bóng, luôn tìm cách tiến lên phía trước”.

Phải thành nhân

Nhặt rác, nhặt vỏ chai nước, chào hỏi với thầy, với người lớn, với bạn bè… là những bài học luôn được nhắc nhở hằng ngày, và nay đã trở thành thói quen của các cầu thủ U-19 của học viện.

Một năm sau ngày vào học viện, những “viên ngọc thô” có chuyến xuất ngoại đầu đời là sang giao lưu với Học viện JMG ở tỉnh Chonburi (Thái Lan). Về nước, các em hùn tiền tiêu vặt mua tặng bảo mẫu Lê Thị Phương Hảo lọ dầu thơm và một chiếc áo khoác. Cầm quà tặng của đám con nuôi mà mình thương như con ruột, chị Phương Hảo không giấu được xúc động. Chị kể: “Hai món quà ấy thật sự là không phù hợp với người có tuổi như tôi, nhưng tôi cảm động rơi nước mắt vì tình cảm của các cháu…”.

Thầy Dương Hữu Toàn – hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt, nơi bọn nhỏ theo học – bộc bạch: “Hầu hết học viên đều qua môi trường học văn hóa ở đây. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là hạnh kiểm của các em rất tốt, rất ngoan. Đáng quý hơn cả là tính hòa đồng với tập thể của bọn nhỏ. Nhận các em vào học, tôi cũng không tránh được sự âu lo rằng các em có điều kiện ăn học cao hơn mặt bằng chung của học sinh trong trường, rất có thể dẫn tới sự kiêu ngạo, nhưng lo âu ấy sớm đi qua nhờ bọn nhỏ được rèn luyện chỉn chu ngay trong học viện”.

>> Những điều ít biết về “dream team” của bầu Đức
>> Chuyện ở Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai: Từ sân bóng vào lớp học
>> Thể thao năm Ngọ: Sẽ phi nước đại?
>> Những hình ảnh xúc động về U19 Việt Nam năm qua

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.