Hãy là điều mà bạn muốn thấy thế giới thay đổi
Friday, February 7, 2014 11:35
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Mỗi ngày các kênh truyền thông lại đưa tin về những vụ án mới, đỉnh điểm là vụ phẫu thuật thẩm mỹ vừa rồi. Nhiều người chép miệng “đạo đức xã hội xuống cấp”, nhưng “đạo đức xã hội” là gì và làm thế nào để nó không “xuống cấp” nữa?
Theo tôi, đạo đức xã hội gồm tập hợp các giá trị tinh thần (value) mà các thành viên trong xã hội công nhận và tuân theo, ví dụ các phẩm chất, các nguyên tắc hành xử. Không phải ai cũng có các phẩm chất đó, nhưng ai cũng hướng đến. Nếu năng lực của một cá nhân khiến họ có thể thăng tiến, thì hệ thống giá trị kia lại có vai trò giữ họ không đi lệch đường (derail). Hệ thống giá trị mạnh sẽ khiến mỗi người thận trọng hơn khi hành động, do noi theo những tấm gương (role model) và sợ bị trừng phạt nếu vi phạm. Khi hệ thống yếu, sẽ có nhiều người đi chệch đường ray do thiếu hình ảnh dẫn đường và hy vọng thoát phạt, vì trước đó đã có một số không bị trừng phạt (đây là những tấm gương ngược). Số người đi chệch ngày càng nhiều, và nếu không kịp điều chỉnh sẽ gây thảm họa.
Hệ thống giá trị trong xã hội không phải lúc nào cũng rõ ràng nhất quán. Với mỗi người, các giá trị đến từ các tổ chức xã hội như dân tộc, đảng phái, tổ chức tôn giáo, hội nhóm, cơ quan, nhà trường, gia đình, v.v. và các cá nhân mà họ tiếp xúc. Có những giá trị phổ quát như “yêu nước”, “nhân ái”, “trọng học hành”, nhưng cũng có những giá trị đặc thù. Đôi khi các nhóm người có những hệ thống mâu thuẫn nhau, dẫn đến xung đột, thậm chí đổ máu. Ngày nay, xã hội văn minh hơn và thông tin đa chiều khiến mọi người dễ chấp nhận và chung sống với nhau.
Nhà cầm quyền rất quan tâm đến hệ thống giá trị của xã hội, vì những người thể hiện tốt nhất các giá trị là những người có uy tín nhất, được yêu mến nhất. Khi nhà cầm quyền muốn toàn trị, họ có xu hướng “độc quyền” hệ thống giá trị, loại bỏ hoặc hạn chế những tổ chức có uy tín khác. Không những không được làm khác, mà còn không được “qua mặt” nhà cầm quyền. Trong cuốn “Quần đảo GULAG” có kể: “Hè 1921, Ủy ban Công cộng Cứu đói, được lập ra với nỗ lực ngăn chặn nạn đói chưa từng có ở Nga, đã bị bắt. Lý do là vì những bàn tay cứu đói đó không phải là “những bàn tay được phép cứu đói”. Không phải hệ thống giá trị “chính thống” này không tốt, mà vì nó hướng đến vị trí độc tôn, và bị chặn trần bởi những người “được phép”, nên tổng giá trị tinh thần của xã hội bị nghèo đi.
Những lớp lãnh đạo đầu tiên vì phải tự giành được uy tín xã hội nên thường là hiện thân cuả giá trị. Về sau, do toàn trị triệt tiêu sức ép, nhiều lãnh đạo cho phép mình không tuân thủ, vì dù sao hệ thống giá trị cũng là một sự trói buộc, hạn chế sự “thoải mái” của con người (trong Thiên Chúa giáo, những điều răn đi ngược với ham muốn tự nhiên của con người, nhưng vẫn phải tuân theo trên con đường đến với Thượng Đế). Những lãnh đạo đó tuy bản thân không tuân thủ nhưng vẫn phải đóng vai hình ảnh tiêu biểu của giá trị, nên khoảng cách giữa lời nói và hành động của họ ngày càng lớn, hành động càng ít thì càng bù bằng lời nói. Họ muốn đứng đầu trong tất cả các giá trị, nên đã phá hủy chính những giá trị đó: các quan chức đều muốn là giáo sư, tiến sỹ, đứng đầu trong giá trị học hành, nên giá trị này trở thành ganh đua về bằng cấp, chỉ còn vỏ mà rỗng ruột. Vô hình trung, họ đã trở thành những “tấm gương ngược”, và rủi thay, có nhiều người muốn được như họ.
Cũng như Thiên Chúa giáo không thể tồn tại nếu chỉ có mỗi hình ảnh Chúa Giê-xu mà không có rất nhiều các linh mục, cha xứ ngày đêm thể hiện các giá trị của tôn giáo họ, nhà cầm quyền không thể chỉ dựa vào những hình ảnh quá khứ. Họ rất muốn tiếp tục là hình ảnh thực sự, do đó mà các phong trào học tập và làm theo những tấm gương trong quá khứ liên tục được phát động. Tuy nhiên kết quả không có, và người dân cảm thấy những giá trị như mãi mất đi khi đại diện cuối cùng của thế hệ vàng qua đời. Đó là một lý do quan trọng khiến số người đau buồn đông như thế. Khủng hoảng niềm tin, niềm tin rằng những giá trị tinh thần cao đẹp sẽ được giữ.
Việc bỏ độc quyền nghĩa là huy động mọi lực lượng xã hội tham gia. Bỏ độc quyền về kinh tế khiến dân giàu lên về tiền bạc, bớt độc quyền về xuất bản khiến dân giàu lên về tri thức. Bỏ độc quyền trong hệ thống giá trị, chấp nhận những người thể hiện giá trị tốt hơn mình, sẽ khiến cho hệ thống giá trị giàu hơn, mọi người có nhiều tấm gương hơn để noi theo, để răn mình. Xã hội đủ mạnh, đủ truyền thống để cân bằng lại.
Mỗi người cũng có thể góp phần củng cố, xây dựng hệ thống giá trị chung bằng cách xác định cho mình những giá trị tinh thần cần thiết, và thể hiện chúng qua những hành động cụ thể ở gia đình, ở cơ quan, ở ngoài đường hay bất cứ nơi nào. Ta không thể thay đổi mọi người chủ yếu bằng cách chỉ trích những kẻ xấu, “be the change you wish to see”.
Theo FB Phan Duong Dat
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us