Ông Trương Văn Thảo, Trưởng Công an xã Đức Thượng (Hoài Đức) cho biết, 4 thanh gỗ sưa lấy từ đình Cựu Quán (khối lượng 127,5kg) được bán cho trụ trì chùa Cựu Quán ngay bên cạnh.
Phá đình làng lấy gỗ sưa bán 10 triệu/kg
Chiều tối nay (5.3), tại đình Cựu Quán (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội), rất đông người dân thôn Cựu Quán vẫn tập trung quanh đình làng bày tỏ sự bức xúc liên quan đến việc đình làng của họ bị phá dỡ và mất 4 thanh gỗ xưa.
Rất đông người dân thôn Cựu Quán tập trung bên ngoài đình Cựu Quán (bên phải ảnh) và chùa Cựu Quán (bên trái ảnh) sau khi xảy ra việc phá đình lấy gỗ sưa.
Theo phản ánh của người dân thôn Cựu Quán, tối 2.3, người dân phát hiện một phần mái đình làng bị phá dỡ, trong đó có 4 thanh gỗ sưa quý bỗng nhiên mất tích.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Trọng, một người dân ở thôn Cựu Quán cho biết bà là người chứng kiến đầu đuôi vụ việc.
Bà Trọng kể lại: Vào khoảng 18h ngày 2.3, khi cả nhà đang ăn cơm, bà Trọng nhận được tin có người báo là gỗ sưa của đình làng bị bán trộm. Lúc này, bà Trọng chạy ra đình với mục đích để giữ lại gỗ sưa. Tuy nhiên khi đến nơi thì bà Trọng phát hiện mái đình đã bị phá dỡ trước đó, đồng thời 4 thanh gỗ sưa quý được mang sang chùa Cựu Quán, đang thực hiện việc cân kéo, bán mua.
Tại sân chùa lúc này có một nhóm người gồm: Ni sư Thích Nữ Diệu Bản – trụ trì chùa Cựu Quán, ông Nguyễn Phú Lực – Trưởng thôn, ông Nguyễn Ích Chắt – Trưởng ban Khánh tiết, ông Nguyễn Ích Bạ – Phó ban Khánh tiết và ông Nguyễn Hữu Thắng – người trông coi đình và một số người khác…
“Tôi phản đối về việc tự ý phá dỡ đình bán gỗ sưa thì nhóm người này tỏ thái độ khó chịu nói “không phải việc của bà, bà ra đây làm gì?”. Và, ông Nguyễn Ích Chắt còn tuyên bố việc bán gỗ sưa là có chủ trương của ban lãnh đạo, ban khánh tiết và các cụ. Tôi hỏi cụ nào thì ông Chắt không nói gì. Tôi thắc mắc chưa có sự nhất trí của người dân thì không được bán. Tuy nhiên, ông Chắt vẫn bỏ ngoài tai mà bán số gỗ sưa đó đi”, bà Trọng cho hay.
Bà Trọng kể lại sự việc đình Cựu Quán bị tháo dỡ mang gỗ sưa đi bán.
Cùng chứng kiến sự việc trên với bà Trọng, ông Nguyễn Đình Bảo, ở thôn Cựu Quán cho biết: “Có một số điện thoại lạ gọi vào số máy của tôi bảo ra chùa gấp vì có người bán trộm gỗ sưa, tôi chạy ra thì thấy nhóm người trong Ban Khánh tiết đang cân kéo gỗ sưa để bán. Tôi ngăn không cho bán vì chưa được sự nhất trí của các cụ và người dân trong làng thì ông Chắt (Trưởng ban) có cầm biên bản bán gỗ sưa đọc cho tôi và bà Trọng nghe”.
Ông Bảo cho biết, theo giấy tờ mua bán, tổng số 4 thanh gỗ sưa có trọng lượng là 127,5kg được bán với giá 10 triệu đồng/kg. Sau khi thực hiện xong việc mua bán, số gỗ sưa này được một ôtô chở đi ngay.
Trước sự việc trên, Chi hội người cao tuổi và các cụ bô phụ lão thôn Cựu Quán đã đứng ra tổ chức họp dân làm rõ việc nhóm người đã tự ý phá dỡ mái đình lấy gỗ sưa đem bán, đồng thời gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng.
Người mua gỗ là trụ trì chùa bên cạnh
Theo ý kiến của các bô lão trong làng, việc mua bán lén lút trên là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân.
Mái đình làng Cựu Quán bị tháo dỡ lấy gỗ sưa chưa kịp lắp lại nên che tạm tấm bạt.
“Chúng tôi rất bức xúc nên đã tổ chức một buổi họp dân, chúng tôi có mời nhóm người tổ chức bán gỗ sưa đến họp, nhưng chỉ có ông Nguyễn Phú Lực, Trưởng thôn và ông Nguyễn Phú Ngà đến họp thì được biết 4 thanh gỗ sưa được bán cho Ni sư Thích Nữ Diệu Bản”, ông Nguyễn Xuân Phong, hội viên Chi hội người cao tuổi thôn Cựu Quán cho hay.
Liên quan đến vụ việc đình làng Cựu Quán bị phá khiến người dân trong thôn bức xúc, ông Trần Trung Dũng, Chủ tịch xã Đức Thượng cho biết: Vụ việc ra vào 18h ngày 2.3, có một nhóm bộ phận trong Ban Khánh tiết đã thống nhất với nhau dỡ mái đình bán gỗ sưa, mục đích để tu sửa đình, nhưng chưa được sự đồng ý của người dân.
Trao đổi với PV, ông Trương Văn Thảo, Trưởng Công an xã Đức Thượng xác nhận, 4 thanh gỗ sưa có khối lượng 127,5kg được bán cho trụ trì chùa Cựu Quán với giá 10 triệu đồng/kg.
“Bước đầu, vị trụ trì này thừa nhận là mua gỗ sưa để làm kỷ niệm, nhưng không rõ là đã chuyển gỗ sưa đi đâu, hiện tại vị sư này cũng không có mặt ở chùa. Chúng tôi đang phối hợp với Công an huyện Hoài Đức để làm rõ”, ông Thảo cho biết.
Liên quan đến vụ việc, PV Dân Việt tới chùa Cựu Quán (nằm liền kề với đình Cựu Quán) để liên hệ gặp sư trụ trì Thích Nữ Diệu Bản tìm hiểu thông tin về vụ việc. Tuy nhiên, người quản lý chùa cho biết, 2 ngày nay sư thầy không đến chùa.
Một số người dân thôn Cựu Quán nghi ngờ sau khi bán được số gỗ sưa lấy từ đình Cựu Quán, sư trụ trì Thích Nữ Diệu Bản đã bỏ trốn.
Theo người dân thôn Cựu Quán, đình làng Cựu Quán (hay còn gọi là quán Cựu Quán) thờ Lục vị Đại vương có lịch sử lâu đời. Vào những ngày rằm hay mồng một, người dân đến dâng hương, đã được duy trì hàng trăm năm nay. Bên trong đình có nhiều gỗ sưa quý do các cụ xưa để lại, trước đây thường dùng để làm bàn ghế, nơi thờ tự, trong đó có 4 thanh kẻ bằng gỗ sưa được làm mái vảy đình để che mưa nắng.
Xuân Lực – Vũ Phong
Nguồn: danviet.vn
ha. ha..! thấy không xã hội đang loạn ngay từ những nơi chuyên dạy đời mọi người. thật đáng xấu hổ chỉ vì một nhúm gổ thôi. ngay cả hòa thượng củng tham thì đừng trách lâm tặc. Ôi khổ thân các đấng tiền nhân khi thấy con cháu họ dở nhà bán cây. dù có thay lại gổ trầm hương củng thúi quắc. Thúi lòng dạ con người ham tiền. Khi cúng động thổ cất nhà các vị đã khấn vái thần linh những gì. hay cúi mặt nhìn xem con gà trống cúng mập hay ốm. thật hổ thẹn, dối trá. khi nghĩ về câu lập đình lập miễu là để cầu phúc cho thiên hạ. Nếu thời này còn vua chắc là bị xử tru di vì tội bất kính. trước bất kính với trời sau bất trung với tổ tiên nay bất nghĩa với con cháu mai sau. Đồng tiền bán gổ này đã bị bôi đen cho dù dùng vào việc sáng nó củng lụi tàn, vì nghĩa không, đức không, trung không thì làm sau an được. Hãy hối lổi với tổ tiên đi dùng tiền này đúc chuông lớn mỗi ngày gióng lên răn dạy con cháu sai lầm ngày hôm nay là tiếng chuông cảnh tỉnh lòng người.