Cứ mỗi khi khủng hoảng đến, người ta lại loay hoay tìm kiếm thứ “bàn tay hữu hình” của Chính phủ và mong cho khoảng thời gian đen tối qua đi nhanh chóng nhất có thể. Và cũng như cách nói của người đời: “thời thế sinh anh hùng”. Lần này, trước cả Chính phủ một bàn tay khác của người khổng lồ trong ngành tài chính đã xuất hiện. Với 25 triệu USD, tiền mặt và sự đồng thuận của các ông chủ ngân hàng New York, J.P. Morgan đã đứng lên như người hùng một tay cứu giúp nền tài chính bên bờ vực sụp đổ. Đó là điều ai cũng biết.
Còn điều mà ít người biết chính là, kế hoạch cứu trợ của J.P. Morgan chỉ đóng vai trò như một biện pháp tình thế trong một nền kinh tế “khát” tiền mặt. Lớn hơn và tác động sâu sắc hơn, phải là khoản tiền khẩn cấp trị giá 500 triệu USD – thực chất là những lựa chọn thay thế cho tiền mặt bắt đầu được lưu hành trên khắp nước Mỹ như séc hay giấy chứng nhận nợ (IOU) mệnh giá nhỏ được phát hành bởi các ngân hàng.
Sau cùng là bước cải cách mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực ngân hàng được đánh dấu bằng sự ra đời của NHTW quyền lực nhất thế giới – Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Một nước Mỹ không Ngân hàng Trung ương
Sang thế kỷ 20, Mỹ và Anh bắt đầu có những cách tiếp cận khác nhau trong lĩnh vực ngân hàng. Trong khi NHTW Anh (BOE) trở nên đầy quyền lực nhờ người một người quản dốc chặt chẽ giúp xây dựng nên hệ thống ngân hàng. Thì ở thế cực ngược lại, NHTW đầu tiên của Mỹ (BUS) dưới bàn tay đạo diễn của Hamilton đã đóng cửa vào năm 1811 và được thay thế bằng NHTW thứ hai (Second Bank of the United States) đặt tại góc phố Philadelphia, nhưng cũng chịu chung kết cục vào năm 1836. Một hệ thống ngân hàng được phân cấp thành các nhánh nhỏ mà không có NHTW được phát triển. Người Mỹ tin rằng các ngân hàng có thể tự lo cho chính mình – cho đến khi cuộc khủng hoảng năm 1907 nổ ra.
Sự vắng mặt của người cho vay cuối cùng (NHTW) cũng không làm cản trở các ngân hàng ngày càng mở rộng. Giai đoạn sau nội chiến (civil war) đã chứng kiến sự bùng nổ trong số lượng các ngân hàng. Năm 1907, Mỹ có 22.000 ngân hàng – trung bình đầu người cứ 4.000 người dân thì có 1 ngân hàng. Hầu hết các thị trấn đều có hai sự lựa chọn: ngân hàng địa phương hoặc ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước.
Bất chấp những lựa chọn này, các nhà đầu tư lại có xu hướng tìm đến nơi khác – đó là các công ty tín thác (trust company). Loại hình này bắt đầu xuất hiện vào đầu những năm 1890 và hoạt động như những người “nhận ủy thác”, nắm giữ các khoản đầu tư của khách hàng vào trái phiếu và cổ phiếu. Năm 1907, các công ty này đã kết hợp vai trò của những nhà đảm bảo an toàn trên với các hoạt động rủi ro khác, như bảo lãnh phát hành và phân phối cổ phiếu, sở hữu và quản lý bất động sản và đường sắt. Họ đồng thời cũng nhận tiền gửi. Vì vậy trong ngắn hạn, công ty tín thác đã trở thành những ngân hàng.
Và loại hình mới này cũng đến lúc bùng nổ. So với các ngân hàng truyền thống, các công ty tín thác đầu tư vào những tài sản đặc biệt rủi ro và ít bị điều chỉnh bởi luật lệ hơn.
Trong khi các ngân hàng phải nắm giữ 25% giá trị tài sản của họ dưới dạng tiền mặt (để đề phòng trường hợp người gửi tiền đột ngột rút tiền), thì tỷ lệ tối thiểu đặt ra cho các công ty tín thác chỉ là 5%. Nhờ khả năng trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền, công ty tín thác đã trở thành điểm đến ưu thích của những khoản tiền gửi lớn. Năm 1907, các công ty tín thác gần như đã trở thành những ngân hàng quốc gia lớn, với tăng trưởng vốn huy động đạt gần 250% trong vòng 10 năm.
Khi đó thị trường Mỹ đã trở nên quá sôi động, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình gần 5% từ năm 1896 đến năm 1906. Tỷ lệ bất thường này cũng đặt nước Mỹ vào tình huống phải đối mặt với những thảm họa khác như vụ cháy ở Baltimore năm 1904 và động đất ở San Francisco năm 1906, gây thiệt hại khoảng 2% GDP. Rốt cuộc, mọi người dân Mỹ có thể cảm thấy may mắn vì mọi thứ vẫn đang đi đúng đường.
|
Nhưng hai kẻ gian lận tham lam – Augustus Heinze và Charles Morse – lại muốn nhiều hơn thế, như một báo cáo năm 1990 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) do Ellis Tallman và Jon Moen thực hiện đã chỉ ra điều đó.
Hai ông chủ ngân hàng này đã vay và biển thủ số tiền rất lớn, trong một nỗ lực gây lũng đoạn thị trường bằng việc đầu cơ vào cổ phiếu của United Copper. Nhưng nền kinh tế bắt đầu chậm lại đôi chút vào năm 1907, giá nguyên liệu thô bao gồm cả kim loại sụt giảm. Cổ phiếu của United Copper cũng giảm theo. Khi đó, Heinze và Morse đã phải đối mặt với thiệt hại do sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính. Để chống đỡ trước xu hướng giảm giá của thị trường, Heinze và Morse bắt đầu sử dụng nguồn tiền của các ngân hàng mà họ đang sở hữu. Điều này gây rắc rối cho một loạt công ty cho vay nhỏ hơn, kéo theo chuỗi các thiệt hại mà cuối cùng, một công ty tín thác là Knickerbocker Trust cũng bị cuốn theo và sụp đổ.
Công ty tín thác: Từ đỉnh cao, xuống vực sâu
Knickerbocker Trust với trụ sở đặt tại góc phố giao nhau của Đường 34 và Đại lộ 5, từng là nơi lựa chọn của nhiều người gửi tiền – lượng tiền gửi vào công ty này tăng từ 10 triệu USD năm 1897 lên hơn 60 triệu USD năm 1907. Qua đó, biến Knickerbocker Trust trở thành công ty tín thác lớn thứ ba tại Mỹ. Những cột thành Corin đặt ngay cạnh người hàng xóm – Waldorf Astoria, trang trí bên ngoài là đá cẩm thạch – loại đá trang trí nội thất nổi tiếng của Na Uy được lấy về từ Vermont (một tiểu bang của Mỹ thuộc vùng New England). Đó là hình ảnh biểu tượng của sự giàu có và vững chắc.
Tuy nhiên, buổi sáng ngày 22/10 đã biến một Knickerbocker hoành tráng trở thành một túp lều bằng thiếc. Khi những tin tức đồn thổi Knickerbocker đã bị cuốn vào cơn bão tài chính của Heinze-Morse, mọi người gửi tiền đều chạy đến trụ sở của công ty tín thác này để chờ xếp hàng và rút tiền. Knickerbocker đã thanh toán 8 triệu USD cho người gửi tiền chỉ trong chưa đầy một ngày, nhưng cũng từ chối một số yêu cầu rút tiền, tạo nên một chuỗi những đổ vỡ bắt đầu lan truyền sang những công ty tín thác khác. Trust Company of America và Lincoln Trust lần lượt trở thành những công ty tiếp theo đối mặt với nhu cầu rút tiền hàng loạt. Một số người New York thức thời đã chuyển tiền mặt từ một công ty tín thác đã phá sản sang một công ty tín thác khác. Cho đến khi mọi thứ trở nên rõ ràng rằng, hệ thống tài chính đã không còn an toàn thì mọi người dân Mỹ bắt đầu cất tiền ở nhà.
Giải cứu nền tài chính: Chỉ cần J.P. Morgan là đủ?
|
Sau một thời gian, cuộc khủng hoảng có vẻ như đã được nhìn nhận ra để những rắc rối được ngăn chặn trước khi trở nên nghiêm trọng hơn. Và sau tất cả, sự chậm lại của nền kinh tế Mỹ cũng không đáng kể, GDP vẫn tăng trưởng 1,9% trong năm xảy ra khủng hoảng 1907.
Mặc cho những kẻ gian lận như Heinze và Morse đã gây ra rắc rối, ngồi phía bên kia của bệ đỡ vẫn có những gã khổng lồ như John Pierpont Morgan (J.P. Morgan). Khi hoảng loạn lan rộng và lãi suất tăng vọt lên 125%, J.P. Morgan đã vào cuộc và tổ chức chương trình cứu trợ bằng tiền mặt để giảm bớt sự căng thẳng. Vào thời điểm đó, J.P. Morgan đã tập hợp các chuyên gia tài chính đồng nghiệp tại khu biệt thự của ông ở Manhattan, giữ chân toàn bộ cộng đồng ngân hàng New York trong thư viện của ông cho đến khi quỹ cứu trợ 25 triệu USD được tất cả thống nhất.
J.P. Morgan đã ra tay giúp nhưng điều đó là không đủ. Người gửi tiền trên khắp nước Mỹ bắt đầu chạy đến các ngân hàng của họ. Cảm nhận sự sụp đổ sắp xả ra, các bang đồng loạt tuyên bố tình trạng khẩn cấp và chỉ cho phép rút tiền rất hạn chế. Dù cho Mỹ có một nền kinh tế mạnh, nhưng sự đổ vỡ tại New York đã khiến cho tiền ngày trở nên khan hiếm, kinh doanh theo đó cũng gặp khó khăn với sản lượng tạo ra trên toàn nước Mỹ giảm sút kinh ngạc tới 11% chỉ trong vòng giữa hai năm 1907-1908.
Vì vậy, những lựa chọn thay thế hợp pháp khác thay cho tiền mặt nhanh chóng xuất hiện. Trong gần một nửa các thị trấn và thành phố của Mỹ, các hình thức thay thế tiền mặt bắt đầu được lưu hành, bao gồm séc và giấy chứng nhận nợ (IOU) mệnh giá nhỏ được phát hành bởi các ngân hàng. Tổng giá trị của những loại tiền khẩn cấp của lĩnh vực tư nhân – bao gồm cả những loại tiền bất hợp pháp – là khoảng 500 triệu USD, lớn hơn rất nhiều so với gói cứu trợ của J.P. Morgan. Nhờ thủ thuật đó mà nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu tăng trưởng trở lại vào năm 1909.
Những đề nghị cải cách đều tiên đến một cách tự nhiên xuất phát từ vấn đề thiếu hụt tiền mặt (kế hoạch cứu trợ của J.P Morgan), đã nhanh chóng được tiếp nối cùng kế hoạch khoản tiền khẩn cấp chính thức trị giá 500 triệu USD. Nhưng kế hoạch tiền khẩn cấp mới có tác động lâu dài. Những luật lệ về một loại tiền tệ mới bao gồm điều khoản thiết lập ra một ủy ban – Ủy ban Tiền tệ Quốc gia (NMC) – thảo luận về cách mà tiền tệ của Mỹ vận hành. Trong vòng 4 năm, NMC kiểm tra bằng chứng từ khắp nơi trên thế giới cho cách tốt nhất để định hình lại hệ thống ngân hàng. NMC kết luận rằng, một người cho vay cuối cùng (NHTW) là điều cần thiết. Và kết quả là “Đạo luật Dự trữ Liên bang” năm 1913 đã thiết lập nên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – NHTW thứ ba của Mỹ vào tháng 12 năm đó. Cuối cùng thì dù muộn, nhưng Hamilton cũng đã nhận ra con đường đúng đắn cần phải đi.