Đại hội đồng cổ đông Ngân Hàng TMCP Phát Triển Mê Kông (OTC: MDB) vừa thông qua việc sáp nhập vào Ngân Hàng TMCP Hàng Hải – MaritimeBank (OTC: MSB). MaritimeBank cũng sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông vào ngày 19/4 này để thông qua chủ trương, trong khi theo thông tin từ báo chí, NHNN đã chấp thuận việc sáp nhập này.
Những phân tích dưới đây sẽ cho chúng ta một góc nhìn về thương vụ “tái cấu trúc” ngân hàng này.
10 năm, vốn điều lệ ngân hàng tăng 151 lần – Liệu có ảo?!
MDB có tiền thân là Ngân Hàng TMCP Nông Thôn Mỹ Xuyên được thành lập ngày 12/10/1992 và đặt trụ sở chính tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. MDB ban đầu có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp – nông thôn ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Vào năm 2008, MDB bắt đầu mở rộng phạm vi hoạt động sau khi được NHNN chấp thuận chuyển đổi mô hình hoạt động từ ngân hàng nông thôn thành ngân hàng đô thị.
Đến cuối năm 2013, MDB có 50 điểm giao dịch trên toàn quốc và 1,082 nhân viên.
Điểm đáng lưu ý trong quá trình phát triển của MDB là cùng với việc chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn sang đô thị, quy mô vốn điều lệ đã gia tăng một cách khủng khiếp từ mức 24.7 tỷ đồng vào năm 2005 lên đến 3,750 tỷ đồng hiện nay, tức là tăng đến 151 lần sau 10 năm.
Trong quá trình tăng vốn khủng này đã xuất hiện các cổ đông lớn như Fullerton Financial Holdings nắm 20% vốn, MaritimeBank nắm 10.16% (chưa kể khoản đầu tư ủy thác thông qua CTCP Quản lý Quỹ Tín Phát – TPF khoảng 282 tỷ đồng)…
Nhưng quy mô vẫn quá nhỏ bé. Tài sản đột ngột giảm đến 63% vì “tái cơ cấu”?
Mặc dù có quá trình tăng vốn điều lệ ấn tượng như vậy, nhưng hiện tại quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản của MDB so với các ngân hàng khác vẫn quá nhỏ bé. Tổng tài sản của MDB đến cuối năm 2013 chỉ là 6,437 tỷ đồng, thuộc dạng ngân hàng cực nhỏ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam (Xem Hình 2).
Đáng lưu ý là tổng tài sản của ngân hàng này đã liên tục sụt giảm mạnh từ mức đỉnh 17,267 tỷ đồng vào năm 2010, tức giảm đến 63% chỉ trong vòng có 3 năm.
Câu hỏi đặt ra là hiện tượng này liệu có liên quan đến động thái siết chặt vấn đề tài sản ảo và vốn ảo, cũng như việc “tái cơ cấu” ngân hàng của NHNN diễn ra đồng loạt trong thời gian gần đây?
Có thể thấy rõ điều này khi các hoạt động liên ngân hàng của MDB đã sụt giảm mạnh. Khoản mục Tiền, vàng gửi tại và cho vay các TCTD khác của MDB đến cuối năm 2013 đã giảm 47.3% so với cuối năm 2012 xuống chỉ còn 930 tỷ đồng – con số này chỉ bằng vỏn vẹn 11% so với năm 2010!
Trong khi đó, khoản Tiền gửi của và vay từ các TCTD khác cũng đã giảm hơn 80% so với năm 2012 xuống chỉ còn 588 tỷ đồng – chỉ bằng 9% so với năm 2010.
Hoạt động đầu tư vào chứng khoán nợ (trái phiếu) cũng sụt giảm mạnh mẽ. Các khoản đầu tư chứng khoán của MDB tập trung chủ yếu vào chứng khoán nợ với giá trị 1,034 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2013. Đầu tư trái phiếu của MDB đã sụt giảm mạnh mẽ 61% so với đầu năm ở mức 2,648 tỷ đồng.
Đáng chú ý là chiếm phần lớn trong số này là đầu tư vào trái phiếu do các TCTD (208 tỷ đồng) và các doanh nghiệp (625 tỷ đồng) phát hành. Và khoản thu hồi trái phiếu lớn nhất trong năm 2013 là trái phiếu doanh nghiệp với giá trị 1,429 tỷ đồng.
“Bùng nhùng” đầu tư trái phiếu. Quan hệ như thế nào với MaritimeBank?
Các khoản trái phiếu mà MDB thu hồi trong năm 2013 liên quan đến CTCP Tập đoàn Phát triển Việt Nam (V.I.D Group) với giá trị 288 tỷ đồng và một công ty thành viên là V.I.D Hưng Yên với giá trị 1,441 tỷ đồng. Cả hai công ty này đều có liên hệ với các lãnh đạo cấp cao của MaritimeBank.
Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa kết thúc khi MDB trong năm 2013 lại mua tiếp 300 tỷ đồng trái phiếu của một công ty thành viên của V.I.D Group là CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Nam Quang, và vẫn đang nắm giữ 325 tỷ đồng trái phiếu của Công ty Quản lý Nợ và Khai thác Tài sản MaritimeBank.
Như đề cập ở trên, MaritimeBank đang nắm 10.16% vốn tại MDB. Đó là chưa kể khoản đầu tư ủy thác thông qua CTCP Quản lý Quỹ Tín Phát – TPF khoảng 282 tỷ đồng.