Bệnh viện Nhi TƯ đã từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi dưới 2 tuổi được người nhà đưa đến viện cấp cứu, sau khi bé đột nhiên cắn vỡ chiếc nhiệt kế thuỷ ngân được mẹ đặt trong miệng khi cặp nhiệt độ cho bé.
Bác sĩ Trần Thu Thuỷ, Bệnh viện Nhi TƯ khuyên các bậc cha mẹ nên sử dụng nhiệt kế điện tử thay vì nhiệt kế thuỷ ngân để tránh những trường hợp đáng tiếc như trên. máy hút dịch
Nhiệt kế điện tử thay thế nhiệt kế thuỷ ngân
Theo lời kể của gia đình, em bé trên bị sốt nên người mẹ đã dùng nhiệt kế thuỷ ngân để đo thân nhiệt theo cách cho vào miệng. Tuy nhiên, thay vì để yên chiếc nhiệt kế đè trên lưỡi, em bé đã cắn vỡ tan đầu nhiệt kế. Các bác sĩ đã cấp cứu trường hợp này bằng cách cho uống thuốc nhuận tràng để nhanh chóng loại bỏ hết lượng thuỷ ngân ra khỏi cơ thể.
Theo bác sĩ Trần Thu Thuỷ, Bệnh viện Nhi TƯ, các bậc cha mẹ không nên sử dụng phương pháp đo nhiệt kế ở miệng cho trẻ còn quá nhỏ, vì trẻ nhỏ sẽ rất khó giữ yên nhiệt kế dưới lưỡi trong một khoảng thời gian nhất định. Phương pháp này chỉ nên áp dụng với trẻ từ 7-8 tuổi trở lên.
Bác sĩ Thuỷ cũng khuyên các bậc cha mẹ nên sử dụng nhiệt kế điện tử thay vì nhiệt kế thuỷ ngân bởi độ an toàn đối với trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi (nhiệt kế điện tử không hay bị vỡ như nhiệt kế thuỷ ngân). Nhiệt kế điện tử rất dễ đọc, phần đuôi của nhiệt kế có màn hình nhỏ, trên đó hiển thị số đo nhiệt độ như trên đồng hồ điện tử. Phần lớn, các nhiệt kế điện tử đều cho kết quả chính xác sau 10 giây đến 2 phút.
Lời khuyên này cũng được Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo các bác sĩ nhi khoa và cha mẹ. Kết quả nghiên cứu của Viện này cho thấy, sử dụng nhiệt kế chứa thủy ngân không tốt cho trẻ em vì chất này có khả năng gây độc. Việc tiếp xúc lâu dài với thuỷ ngân có thể dẫn đến những tổn thương thần kinh ở trẻ em.
Hiện nay, rất nhiều cửa hàng chuyên bán đồ dùng cho trẻ em đã có các loại nhiệt kế điện tử với giá 70.000 – 100.000 đồng. Những nhiệt kế này có thể dùng để đo nhiệt độ ở hậu môn, ở miệng hoặc ở nách. Tuy nhiên, tốt nhất là nên dùng cho mỗi vị trí một nhiệt kế riêng biệt, và chú ý làm sạch thật cẩn thận sau khi dùng.
Sử dụng nhiệt kế an toàn cho trẻ :
Đo nhiệt độ ở hậu môn.
Cũng theo bác sĩ Trần Thu Thuỷ, vị trí đặt nhiệt độ chính xác và ổn định nhất là đặt ở hậu môn. Cha mẹ phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng phương pháp này, có thể xảy ra tai biến như thủng trực tràng do bé đột ngột quẫy mạnh.
“Trước khi khởi động nhiệt kế, các bậc cha mẹ nên dùng một chút dầu vaseline để bôi trơn chiếc đầu nhọn của nhiệt kế trước khi đút vào hậu môn của trẻ. Có hai cách đặt nhiệt kế ở hậu môn cho trẻ là đặt bé nằm sấp trên lòng cha (mẹ), sao cho bụng thấp và mông cao, hai chân treo lủng lẳng ở một bên đùi của mẹ. Và cách thứ hai là để trẻ nằm ngửa giống như khi thay tã. Nhẹ nhàng đưa đầu nhọn của nhiệt kế vào sâu trong trực tràng khoảng 2,5 cm hoặc cho tới khi không nhìn thấy đầu nhọn này nữa. Sau đó, kẹp chặt mông để nhiệt kế không bị tuột ra ngoài. Nhiệt kế điện tử sẽ đo nhiệt độ trong vòng 30 giây tới 2 phút và kêu tít tít khi hoàn thành nhiệm vụ. Hãy nhớ rằng việc đưa bất cứ vật gì vào trực tràng cũng kích thích trẻ đại tiện, vì vậy bạn đừng ngạc nhiên nếu thấy bé “ị” khi bạn rút nhiệt kế ra”- bác sĩ Thuỷ cho biết.
Đo nhiệt độ ở nách.
Phương pháp thông dụng nhất là cặp nhiệt độ ở nách. Phương pháp này dễ thực hiện và thuận tiện hơn so với cách đo nhiệt độ hậu môn. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là kết quả kém chính xác hơn so với các phương pháp khác. Số đo nhiệt độ đo ở nách thường thấp hơn số đo nhiệt độ ở hậu môn khoảng 0,5 độ C. Để có được số đo chính xác nhất của phương pháp cặp nách, bác sĩ Thuỷ khuyên, trước khi cặp nhiệt độ, chú ý lau khô hố nách trẻ để đầu nhiệt kế tiếp xúc hoàn toàn với da.
Đo nhiệt độ ở tai.
Gần đây, tại các nước phát triển đã xuất hiện loại nhiệt kế điện tử đặc biệt để đo ở tai trẻ. Ưu điểm của thiết bị này là ít gây khó chịu cho trẻ, cho kết quả nhanh hơn và không gây nguy hiểm (không làm thủng màng nhĩ). Tuy nhiên, số đo có thể dao động nếu cha mẹ đặt nhiệt kế không đúng vị trí hoặc trẻ quá bé (dưới 3 tháng tuổi).
Để đo nhiệt độ được chính xác ta làm như sau:
Đặt trẻ ở tư thế ngồi thẳng đứng. Trẻ em dưới 1 tuổi ống tai xu thế hướng ra trước, do đó khi đo phải kéo vành tai ra hướng sau so với lỗ tai. Trẻ trên 1 tuổi thì ống tai có xu hướng chúc xuống nên khi đo phải kéo vành tai lên trên. Nhiệt độ hai bên tai trái và phải không giống nhau, do đó phải đo một bên nhất định.
Không nên sử dụng dải băng đo nhiệt độ (loại dùng để dán lên trán hoặc tay) vì chúng không hề chính xác