Quân đội Đức đang phát triển dự án dù lượn với tên gọi là Gryphon nhằm trang bị cho lực lượng nhảy dù.
Loại dù đầu tiên có thể chở theo 50kg quân bị
Lực lượng nhảy dù (hay còn gọi là lính dù) là lực lượng đặc biệt dùng phương tiện là dù để nhảy vào các chiến tuyến, thuộc lực lượng lục quân. Lính dù có khả năng tác chiến đặc biệt, gây bất ngờ cho đối phương vì họ có thể triển khai nhanh, hoặc tiến vào và tác chiến ở những khu vực không thể vào bằng đường bộ hay đường biển. Lính dù đã được quân đội các nước sử dụng rất nhiều trong các cuộc chiến tranh.
Ngay từ thời chiến tranh thế giới thứ hai, lực lượng quân đồng minh và phát xít Đức đã nhiều lần sử dụng lực lượng nhảy dù để tấn công lẫn nhau. Kết quả là lực lượng này đã gây tổn thất không hề nhỏ cho lực lượng mặt đất của đối phương.
Mặc dù vào thời điểm đó, người lính không mang được nhiều loại vũ khí khi nhảy dù, thông thường chỉ mang được các trang bị tối thiểu cho lực lượng bộ binh như súng trường, súng ngắn, đạn, lựu đạn và một số nhu yếu phẩm khác… nên lực lượng nhảy dù thường không tác chiến được lâu nếu không có sự hỗ trợ của các lực lượng khác.
Hình ảnh dù lượn Gryphon của quân đội Đức.
Ngoài ra, các máy bay chở lực lượng này phải hạ độ cao, cơ động và tiếp cận gần đến địa điểm cần phải đáp xuống của lính dù nên sẽ là rất nguy hiểm nếu bị đối phương phát hiện và mật phục trước thì thiệt hại cho lực lượng dù sẽ là rất lớn.
Dù lượn có gắn động cơ Trên nền tảng kỹ thuật và thiết kế của dù lượn Gryphon, nhà sản xuất còn có những ý tưởng mang tính đột phá nhằm tạo ra phiên bản nâng cấp hiện đại hơn cả Gryphon. Cụ thể là các chuyên gia của công ty SPELCO đang nghiên cứu và thử nghiệm động cơ trang bị cho dù lượn Gryphon. Yếu tố này sẽ giúp binh lính tiếp cận được những mục tiêu xa hơn, từ đó có thể cho đội quân nhảy dù tấn công những khu vực trong vùng địch chiếm đóng, mà nếu dùng máy bay chở quân thì rất dễ bị bắn hạ bởi những đơn vị phòng không luôn được bố trí dày đặc trong những khu vực này. Theo một số nguồn tin tiết lộ thì Gryphon có gắn động cơ sẽ lượn xa được một khoảng cách lên đến 200km, gấp tới năm lần khi không được trang bị động cơ. |
Sau khi chiến tranh kết thúc, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, quân đội các nước đã rất chú tâm đến lực lượng nhảy dù. Lực lượng này được trang bị những phương tiện hiện đại hơn nhiều, để đáp ứng được yêu cầu của quân đội trong tình hình mới. Tất nhiên quân đội Đức cũng vậy, hiện nay Đức đang nghiên cứu và phát triển loại dù lượn Gryphon vô cùng tinh vi để trang bị cho lực lượng nhảy dù.
Đức là một trong những cường quốc quân sự và cũng là một cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới nên quân đội Đức hoàn toàn có thể biến dự án chế tạo dù lượn Gryphon thành hiện thực và được sản xuất hàng loạt.
Dự án Gryphon được quân đội Đức giao cho công ty SPELCO đảm nhiệm hoàn toàn việc nghiên cứu và phát triển. Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu và thử nghiệm, các chuyên gia và kỹ sư của SPELCO đã thu được nhiều kết quả khả quan. Đầu tiên là phải kể đến thiết kế của dù lượn Gryphon đã được nhà sản xuất tối ưu hóa để có khả năng mang theo 50kg quân bị bên trong, ngoài các vũ khí cá nhân tối thiểu của lực lượng bộ binh. Điều này giúp cho mỗi lính dù có thể mang theo lương thực, thực phẩm và thuốc men, điều này cực kỳ quan trọng khi phải tác chiến độc lập ở những địa điểm khắc nghiệt, ví dụ như sa mạc hay rừng núi hiểm trở.
Hình ảnh dù lượn Gryphon được lính nhảy dù thử nghiệm.
Vô hình trước radar của đối phương
Việc đảm bảo bí mật về địa điểm đổ quân có ý nghĩa gần như quyết định kết quả của cuộc tấn công đổ bộ của lực lượng nhảy dù. Cách tiếp cận trận địa làm sao mà đối phương không thể phát hiện, điều này không những đảm bảo an toàn cho lính dù mà còn làm cho đối phương bị bất ngờ, không kịp phòng thủ. Biết được tầm quan trọng đó, nhà sản xuất SPELCO đã trang bị cho dù lượn Gryphon những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay để đảm bảo được các yêu cầu trên.
Theo đó, dù lượn Gryphon sẽ có hai cánh bên dài 1,8m mỗi chiếc, cánh của chúng có thể điều khiển hướng bay để có thể đáp xuống đất một cách gần như chuẩn xác đối với vị trí dự kiến của người lính dù.
Đặc biệt cơ động Dù lượn Gryphon giúp lính dù có thể nhảy từ độ cao 9km cách mặt đất và dễ dàng di chuyển một quãng đường 48km chỉ trong 15 phút trước khi tiếp đất, tức là vận tốc của chúng có thể lên đến 200km/ giờ. ở một độ cao 9km so với mặt đất, nhiệt độ rất lạnh và không khí rất loãng, cùng với vận tốc rất cao như vậy nên lính dù được trang bị thêm một loại mũ đặc chủng có ống dẫn oxy hỗ trợ hô hấp và mũ bảo hiểm điện tử hiển thị thông tin định vị và hướng dẫn trên mặt kính. |
Ngoài ra, nhà sản xuất còn áp dụng công nghệ vật liệu mới là những sợi các bon tổng hợp có độ bền rất cao, chịu được áp lực lớn, không bị ăn mòn trong các điều kiện môi trường. Đặc biệt, vật liệu này gần như là vô hình trước các hệ thống radar trinh sát phòng không của đối phương. Với nhiều khả năng ưu việt như vậy, những người lính được trang bị dù lượn Gryphon có thể đảm bảo được các nhiệm vụ tác chiến trong tình hình hiện nay, hơn rất nhiều so với các dù được trang bị trước đây.
Cụ thể là từ trước đến nay, lực lượng nhảy dù vẫn được trang bị bằng các dù bung nên lực lượng này không đảm bảo được yêu cầu là phải nhảy từ khoảng cách xa trận địa hay khả năng tàng hình trước radar của đối phương (dù bung là loại dù hình tròn, có bốn dây kéo để điều khiển gắn vào dây nịt trên bụng – ngực của người nhảy, còn dù lượn Gryphon trông giống như người có thêm hai đôi cánh).
Hiện nay các cuộc thử nghiệm đối với các nguyên mẫu của dù lượn Gryphon đã hoàn tất. Dự kiến trong tương lai gần chúng sẽ được trang bị hàng loạt cho lực lượng nhảy dù của quân đội Đức. Lúc đó, Đức sẽ sở hữu một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, sẵn sàng triển khai nhanh chóng bằng đường không và tấn công bất ngờ vào các mục tiêu trọng yếu của đối phương.
Tiến Phương (Theo Newweapon, Topwar)
Video xem thêm: Xe thiết giáp BMP-2 Việt Nam trang bị tác chiến
2014-05-06 20:24:21
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/linh-duc-sap-co-du-luon-xuat-quy-nhap-than-a131791.html