Một lúc nào đó người ta có thể vô tình làm rơi điện thoại khi ngồi trong taxi, bỏ quên ô ở trên xe bus hoặc tàu điện ngầm hay lơ đãng làm rơi ví khi vội vàng đi đâu đó. Những món đồ này, hẳn nhiên được liệt vào danh sách “một đi không trở lại”. Nhưng ở Tokyo, câu chuyện sẽ có diễn biến hoàn toàn khác.
Trung tâm lạc mất và tìm thấy
Hitomi Sasaki, 24 tuổi, phục vụ bàn tại một nhà hàng ở Tokyo, nhìn thấy một chiếc hộp bên trong có 250 USD phía ngoài nhà hàng cô làm việc. Chờ cả ngày không có ai quay lại hỏi, hết giờ làm, Sasaki đem món đồ đến sở cảnh sát, nơi có trung tâm được đặt một cái tên chắc chỉ có ở Nhật Bản: Trung tâm lạc mất và tìm thấy.
Sasaki nói: “Tôi vẫn thường đem nộp cho cảnh sát những gì nhặt được, ví dụ như ví. Tôi hay tưởng tượng ra người mất đồ sẽ khó khăn thế nào nếu mất tiền và giấy tờ. Khi vào trung tâm để gửi số tiền, tôi nhìn thấy một phụ nữ đến lấy lại chiếc ô của mình. Chỉ là chiếc ô thôi nhưng cảnh sát vẫn giữ để trả lại về đúng với chủ nhân của nó. Tôi biết rằng điều này thật sự khó tin nếu bạn sống ở nước khác”.
Từ nhỏ, trẻ con Nhật Bản đã được dạy đem nộp cảnh sát những gì chúng nhặt được. Thói quen đó lớn dần theo độ tuổi nên ở Nhật, nếu rơi hoặc bỏ quên món đồ gì, họ biết chắc là sẽ tìm lại được. Khi nhặt được ví hay điện thoại di động, người Nhật nghĩ ngay là “phải báo cho cảnh sát”. Và khi bị mất đồ quý giá, họ cũng liên lạc với cảnh sát, báo họ bị mất đồ gì và ngày giờ bị mất. Nếu có người đem nộp, cảnh sát nhận được, sẽ liên lạc với người bị mất. Mỗi ngày có từ 200 đến 300 người đến trung tâm Lạc mất và Tìm thấy để nhận lại đồ như Tatsuya Kozu, 27 tuổi. Anh Kozu đến để nhận lại hộp card visit anh làm rơi gần cơ quan.
Những chiếc ví được xếp ngay ngắn chờ ngày về với chủ nhân.
Vào mỗi buổi sáng, chiếc kệ của trung tâm đầy ắp những túi đồ chứa các đồ vật trong cuộc sống thường ngày như chìa khóa, kính mắt, ví, điện thoại, túi xách… thậm chí còn có xe đạp và những đồ chơi của trẻ em. Nobuo Hasuda, 54 tuổi, nhân viên làm việc trong hệ thống Lạc mất và Tìm thấy cho biết những món đồ được đem đến trung tâm rất phong phú, thậm chí còn hơi khó hiểu.
“Đôi khi chúng tôi còn nhận được cả nhẫn cưới, nó dĩ nhiên không có người đến nhận, điều này có thể nói về một mối quan hệ đã đổ vỡ. Và có người còn mang đến xe lăn, nạng, đây thật sự là những món đồ khó lý giải. Tôi không biết người chủ của nó sẽ xoay xở ra sao”, Hasuda vừa cười vừa nói. ô là vật dụng chiếm nhiều diện tích nhất trong trung tâm. Trung bình mỗi năm, trung tâm nhận được hơn 330.000 chiếc ô, nhưng đây cũng là vật dụng ít người đến nhận về nhất, chỉ 0,3% số ô được trở về với chủ nhân.
Ngược lại, điện thoại là món đồ được tìm kiếm nhiều hơn cả. 75% số điện thoại được trung tâm trao trả. Thường thì người mất điện thoại sẽ gọi vào số của mình, nhân viên trung tâm sẽ lần theo “dấu vết” của người chủ thuê bao và gửi thông báo.
Hệ thống luật 1.300 tuổi
Những trung tâm Lạc mất và Tìm thấy tồn tại trên khắp Nhật Bản, dựa trên một hệ thống luật 1.300 năm tuổi lớn mạnh theo chiều dài phát triển của đất nước. Đạo luật này ra đời từ năm 718, có tên là “Luật về việc Mất tài sản”. Theo đó, người nhặt đồ được khen thưởng bằng một giá trị nhất định của tài sản đó, còn nếu nhặt được đồ mà không đem nộp sẽ bị trừng phạt nặng nề. Theo cuốn sách của ông Fukunaga, người nghiên cứu về nét văn hóa này, năm 1733 hai cán bộ giữ một lô vải của người khác đã bị dẫn đi xung quanh thị trấn và hành hình.
Vào thế kỷ XIX, đạo luật này được sửa đổi cho phù hợp với cuộc sống thời đại. Cho đến ngày nay, người nhặt được đồ không còn được thưởng nữa nhưng vẫn phải mang nộp đồ vật mình nhặt được trong vòng 7 ngày. Trong trường hợp nhặt được tiền, người nhặt được sẽ có quyền được hưởng từ 5 đến 20% tổng số tiền.
Rõ ràng là suy thoái kinh tế chẳng ảnh hưởng gì đến sự trung thực của người Nhật. Số liệu thống kê cho thấy khoảng thời gian khủng hoảng kinh tế, mỗi năm người Nhật mang đến trung tâm Lạc mất và Tìm thấy 23 triệu USD tiền mặt, 72% trong số đó đã được trả lại cho chủ sở hữu, nếu họ thuyết phục được cảnh sát số tiền đó là của mình. Khoảng 19% quay lại với người nhặt được sau nửa năm không có ai đến nhận.
Trận động đất và sóng thần kinh hoàng ở Nhật vào năm 2011 đã để lại cả vùng duyên hải đổ nát tan hoang, duy chỉ có một thứ còn nguyên vẹn, đó là lòng lương thiện, qua tổng số 78 triệu USD tiền mặt đã được hoàn trả cho khổ chủ. Trong năm tháng kể từ ngày có thảm họa, dân chúng Nhật đem nộp lại hàng ngàn chiếc ví tìm thấy trong các đống đổ nát, trong đó chứa tiền mặt tương đương 48 triệu USD.
Hơn 5.700 két sắt theo sóng, quét trở lại vào bờ, được các tình nguyện viên và nhân viên cấp cứu kéo về nộp cho cảnh sát. Bên trong những két này người ta tìm thấy tổng cộng tiền mặt tương đương 30 triệu USD, riêng có một két chứa đến 1 triệu USD. Cảnh sát Quốc gia cho hay, hầu hết đồ quý giá tìm thấy ở ba tỉnh bị thiệt hại nặng nhất đã được hoàn giao cho chủ nhân.
Sẽ có nhiều người giải thích đó là tính trọng danh dự của người Nhật nhưng sự thật đó chỉ là một phần. Nhìn theo một khía cạnh hợp lý hơn, đó là khía cạnh kinh tế và pháp luật.
Nhật Bản là xã hội giàu có, nên tràn ngập hàng hóa. Giá cả hàng hóa so với thu nhập rẻ hơn rất nhiều. Một món đồ điện, điện tử, điện thoại, máy tính giá khá rẻ so với khu vực nhưng thu nhập của người dân lại ở mức cao. Do đó, giá trị hàng hóa rất nhỏ. Dù có lấy hàng hóa thì cũng không đáng và không ai có thể sống dựa vào việc trộm đồ, vì chẳng ai mua những món đồ không có nguồn gốc rõ ràng.
Ở các xã hội giàu có như Nhật, nhân công có giá cao. Các dịch vụ tại Nhật sẽ có giá cao, chứ không phải hàng hóa. Vì thế, thay vì lấy đồ của người khác thì người Nhật thà lao động chân tay ở nhà máy theo ngày. Vì tôn trọng lao động nên người Nhật cũng không thoải mái khi nhặt được tiền của người khác. Điều này được cho là xuất phát từ ý thức cộng đồng rất cao, đã có từ lâu đời ở Nhật Bản.
An ninh tại Nhật được đánh giá là an toàn, có thể nói là an toàn và lịch sự nhất thế giới. ở Nhật hầu như không có trộm cắp, cướp giật. Người dân khi ra ngoài thường không khóa cửa và thậm chí cửa còn không có khóa. Người ta có thể đi dạo vào giữa đêm khuya trên một con đường vắng. Người Nhật có thói quen lịch sự là đi cách xa người xung quanh (hoặc lùi sau hẳn, hoặc tiến lên hẳn) để không làm người khác lo lắng về sự an toàn cá nhân. Khi vượt ngang nhau họ cũng đánh vòng rất xa để tránh gây phiền về tâm lý.
Thanh Xuân (Theo NYTimes, Telegraph, ABC News)
Video xem thêm: Báo chí Pháp và sự kiện Điện Biên Phủ
2014-05-06 20:24:18
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tokyo-thanh-pho-khong-so-mat-do-a131790.html