Một vụ núi lửa phun trào được cho là sáng nhất trong Thái Dương được đài thiên văn Gemini ở Mỹ phát hiện.
Ngọn núi lửa khổng lồ trên bán cầu nam thuộc mặt trăng Io của sao Mộc phun trào dữ dội nhiều lần vào tháng 8/2013. Đài thiên văn đã phát hiện vụ phun trào và chụp hàng loạt ảnh bằng camera có khả năng thu ánh sáng cận hồng ngoại. Gần đây, giới truyền thông mới có cơ hội tiếp cận những ảnh ngoạn mục đó, Science Daily đưa tin.
Một đợt phun trào khiến dung nham phủ kín một khu vực có diện tích chừng 130km2 và với độ dày chừng 10m. Trong một đợt phun trào khác, dung nham phủ kín khu vực có diện tích tới 310km2.
Hoạt động phun trào magma với nhiệt độ lớn hơn mọi núi lửa trên trái đất, có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về thời kỳ ban đầu của những hành tinh giống như địa cầu.
Các chuyên gia nhận định những đợt phun trào trên vệ tinh Io mạnh gấp ít nhất 10.000 lần so với hoạt động của núi lửa Eyjafjallajokull tại Iceland vào năm 2010. Năng lượng mà chúng tạo ra lên tới 20 Terawatt và thể tích dung nham mà chúng đẩy ra lên tới vài km3.
Theo zing, universetoday, sciencedaily, dailymail