Biết Lão Tử sắp rời đi, viên quan đã yêu cầu ông để lại kinh thư cho trần giới. Lão Tử chấp thuận, và đã để lại 5000 chữ, trong kinh điển “Đạo Đức Kinh” nổi tiếng hoàn cầu.
Lão Tử (571-470 TCN) tên thật là Lý Nhĩ, còn gọi Bá Dương, được coi là vị Thánh nhân ở Trung Quốc đã sáng lập ra Đạo gia. Đạo có nghĩa là “con đường” theo tiếng Trung Quốc.
Tương truyền ông sinh ra ở nước Sở, hiện nay là Lộc Ấp thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc trong những năm cuối thời Xuân Thu.
Người ta nói rằng ông có mái tóc và hàng lông mày màu trắng khi vừa mới sinh ra. Kể từ đó ông được gọi là Lão Tử, nó có nghĩa là “ông già khôn ngoan” theo tiếng Trung Quốc. Từ lúc còn trẻ, Lão Tử đã rất thông minh và siêng năng học hỏi.
Lão Tử làm quan giữ sách trong thư viện của nhà Chu thời Xuân Thu (770-481 TCN). Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Lão Tử là người cùng thời nhưng lớn tuổi hơn Khổng Tử. Chuyện kể rằng Khổng Tử đã gặp ông ở nước Chu, gần nơi hiện nay là Lạc Dương, khi Khổng Tử tới tìm đọc các cuốn sách cổ trong thư viện. Sau đó, Khổng Tử và Lão Tử đã tranh luận về lễ nghi và phép tắc, vốn là những nền tảng của Khổng giáo. Lão Tử cho rằng việc khôi phục lễ giáo thời nhà Chu của Khổng Tử hòng giúp thiên hạ thái bình không phải là thượng sách. Truyền thuyết Đạo giáo kể rằng những cuộc tranh luận đó có ích cho Khổng Tử nhiều hơn so với những gì có trong thư viện.
Lão Tử nói: “Có một vật sinh ra từ lúc hỗn nguyên, có từ trước khi Trời và Đất được sinh ra, yên lặng vô hình, độc lập mà không thay đổi, vận hành tuần hoàn mà không ngừng nghỉ, có thể là mẹ của vạn vật trong vũ trụ. Ta không biết tên là gì, bèn gọi là Đạo”. Ngài hiểu rằng Đạo là gốc rễ của tất cả mọi thứ, và con người cần hiểu rằng “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự nhiên”, bởi vì đó chính là Thiên luật.
Sau này, Lão Tử nhận thấy rằng thế sự đã đến lúc tàn, đã cần phải ra đi. Ông đi về phía Tây trên lưng một con trâu qua nước Tần và từ đó biến mất vào sa mạc rộng lớn. Truyền thuyết kể rằng viên quan canh giữ biên giới tên là Doãn Hỷ đã quan sát thấy một vầng hào quang màu tím xuất hiện ở phía Đông, là điềm hiển linh khi Thánh nhân xuất hiện. Dõi về phía Đông, ông ta nhìn thấy Lão Tử xuất hiện trên một con trâu nước đang đủng đỉnh tiến bước, bèn lập tức ra nghênh đón.
Biết Lão Tử sắp rời đi, viên quan đã yêu cầu ông để lại kinh thư cho trần giới. Lão Tử chấp thuận, và đã để lại 5000 chữ, trong kinh điển “Đạo Đức Kinh” nổi tiếng hoàn cầu.
Lão Tử chỉ rõ rằng sự phát triển của nền “văn minh” đã làm cho con người chỉ theo đuổi danh và lợi, quên đi bản tính lương thiện của mình. Sự biến mất của lòng tốt, sự ngay chính, đạo hiếu và trung thành cho thấy sự suy đồi của đạo đức xã hội. Lão Tử tin rằng nếu đạo đức là một phần của cuộc sống hàng ngày, thì xã hội sẽ thăng hoa một cách tự nhiên.
Để giúp con người trở về bản tính tiên thiên lương thiện của mình, Lão Tử đã truyền giảng Đạo trong một thời kỳ hỗn loạn. Với chỉ 5000 từ Lão Tử đã cho con người hiểu được ý nghĩa của Đạo, mối quan hệ giữa Đạo và sự hình thành vũ trụ, và nguồn gốc của vạn vật. Ông cũng giảng cách làm người, và làm thế nào để nhân loại cuối cùng có thể quay trở về được bản nguyên của sinh mệnh bản thân.
theo tientri.net