Pham Luan – Anh sinh thời là một người học giỏi trong một gia đình nghèo ở đất Sài Gòn trước giải phóng. Bố mẹ tần tảo nuôi bảy người con, và anh là niềm tự hào cho gia đình và dòng họ.
Ngày xưa vào những năm 1970 đậu y khoa là rất khó, vậy mà anh tôi thi đỗ 3 trường : Y khoa , Nha khoa, Dược khoa. Anh rất gioỉ và mát tay trong điều trị bệnh nhân, đặc biệt rất nhiều lần và vô số lần anh cứu người không lấy tiền vì hai từ y đức.
Anh theo phật giáo nguyên thủy ( tây tạng) anh truyền đạt cho tôi hiểu rất nhiều như thế nào là phat giáo nguyên thủy….anh từng nói với tôi khi mày chết mày phải bình tĩnh đón nhận mày hãy cố gắng ĐỊNH và NIỆM từ ” Oom “. Và hôm nay anh đã cho tôi thấy thế nào là Thiền Định.
11h 30 anh được đưa ra khỏi phòng hồi sức . Anh giật phăng ống thở gọi tôi và con gái của anh … Anh kêu lên ” hôn ba đi con ” ” hôn anh đi” thật sự tôi ko tin vào đó là sự thật . Tôi hôn anh và khóc như một đứa trẻ.
Xe ambulance hú còi inh ỏi … Tôi ngoi phía trước dẫn đường mà khóc như mưa, vì tôi biết thời khắc của anh đang tính bằng giây.
12h Xe dừng tôi bay vào nhà hét thật lớn ” mọi nguời hôn anh Luyện đi” anh sắp đi rồi.
Bản lĩnh cuả thiền định bắt đầu xuất hiện : anh ngồi dậy trợn mắt quát thật lớn người ngoài đi ra ngoài.́ anh em lại đây. Anh nhìn bảy anh em đọc tên từng người.
* Anh nói : Cái phòng hồi sức là một đám quỷ , vào là nó ko cho ra. Anh vuốt tóc vợ mình , hôn con gái, hôn anh em.
* Anh nói : xong roi bây giờ anh đi
và anh tự niệm từ ” Oom” anh niệm bằng bản lĩnh của một thiền sư chánh nghĩa , anh niệm bằng bản lĩnh của phật giáo nguyên thủy lúc cận cái chết. Anh niệm đến trào máu miệng và anh ra đi trong thanh thản. 12h 20 ngày 30/11/2014
Tôi đã ngừng khóc và cùng anh niệm chú mật tông đến hơi thơ cuối cùng.
Oom a moga vairocana mahamuttra manibatme zavbra bravata daHum ̉
|
BS Phạm Doạn Luyện |
Minh Triết – Thiền sinh khóa học Vipassana tại thiền viện Nguyên Thủy, năm 2009
Bác sĩ Phạm Doãn Luyện sinh ngày 11/11/1952 tại Hải Phòng, là con trai trưởng trong gia đình gồm 7 anh chị em. Năm 1954 anh và bố mẹ di cư vào miền Nam và trưởng thành tại Sài Gòn. Anh đã từng theo học trường Trung học Võ Trường Toản và tốt nghiệp Đại học Y khoa Saigon năm 1977.
Trong những năm đầu mới ra trường, BS Phạm Doãn Luyện làm công tác điều trị tại BV Đa khoa Rạch Giá tỉnh Kiên Giang, và cũng chính tại nơi đây anh đã phải trải qua một giai đoạn thăng trầm và thống khổ nhất của cuộc đời. Năm 1985, anh đưa vợ cùng con gái trở về Sài Gòn sinh sống và làm việc tại BV Nhi Đồng II. Nhưng có lẽ BS Luyện vốn có duyên nợ với người dân miền Tây Nam bộ nên sau đó anh đã mở một phòng khám tại Huyện Ba tri tỉnh Bến tre, hoạt động trong suốt gần 10 năm và gắn bó thật nhiều cùng với những bệnh nhân nghèo của vùng quê miền sông nước.
Ngay từ những năm còn ở bậc Trung học, BS Luyện đã biểu lộ khuynh hướng tư tưởng Triết học và năng khiếu văn chương, cùng tư chất thông minh với thành tích thi đỗ một lần cả 3 trường Đại học Nha Y Dược tại Sài gòn vào năm 1970. Có thể nói, anh đã là niềm tự hào cho cha mẹ, không chỉ ở lĩnh vực học vấn mà còn ở tính cách hiếu thảo, xốc vác, không nề hà những công việc gia đình như gánh nước, rửa bát, lau nhà… Mặc dù vóc dáng thư sinh với cặp kiếng cận gọng vàng luôn đeo trên sống mũi nhưng người con trai trưởng trong gia đình luôn chứng tỏ sự vững vàng, bản lĩnh trong tất cả mọi tình huống, là chỗ dựa vững chắc cho các em và cả cha mẹ. Việc anh theo học ngành Y và trở thành một bác sĩ, thực sự đã gắn vào cuộc đời anh trọng trách đối với cả gia đình, người thân và xã hội, và anh đã hoàn thành trách nhiệm ấy cùng với một tình thương yêu bao la anh giành cho mọi người. Là một bác sĩ giỏi, gắn bó phần lớn cuộc đời với người dân nghèo miền Tây Nam bộ, anh đã thực sự cống hiến cho đời tài năng và trí tuệ của người thầy thuốc với lời thề Hypocrates không một chút vụ danh vụ lợi.
Mặc dù là một Bác sĩ Tây Y, nhưng anh cũng đã bỏ công sức và thời gian để nghiên cứu bộ môn Đông Y với cách điều trị bằng châm cứu, cũng như tác dụng của các loại cây lá, thảo dược.Đồng thời với khuynh hướng sẵn có, anh đã tìm đến với tất cả các dòng Triết học từ Tây sang Đông, tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới , và đặc biệt nghiên cứu sâu sắc Triết học Phật giáo trong suốt gần 40 năm. Những năm cuối cùng của cuộc đời, BS Phạm Doãn Luyện đã tích lũy những nghiên cứu của mình thông qua công cụ internet, để viết thành những đề tài gây tranh cãi khá lớn trong giới tu sĩ và cư sĩ Phật giáo trên các trang mạng xã hội. Cũng từ đó mà anh có được sự ngưỡng mộ cũng như tình cảm trân quý từ rất nhiều các blogger và cộng đồng Facebook. Những công trình nghiên cứu của anh về Phật học phần lớn mang tính chất phản biện, vì thế mặc dù bị công kích khá mạnh nhưng chắc chắn sẽ là một kho tàng tư liệu quý giá đối với những ai có tâm nguyện mở rộng tầm nhìn tôn giáo.
Ngày 30/10/2014 vào lúc 12giờ 22phút, sau một thời gian ngã bệnh khá ngắn ngủi, BS PDL đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay thương yêu của cả gia đình, vợ con và các em khi chỉ còn 12 ngày nữa là đến sinh nhật lần thứ 62. Những tiến bộ của Y học, cộng với tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của các Giáo sư, Bác sĩ là những bạn cùng khóa Trường Y Sài gòn với BS PDL cũng không thể cứu anh thoát khỏi bàn tay số phận. Người ra đi mang theo tình thương yêu ruột thịt, ân nghĩa bạn bè, sự xót thương và lòng ngưỡng mộ của cộng đồng. Sự chia tay với cuộc sống của BS PDL trong lúc năng lực trí tuệ còn rất dồi dào thật sự là một điều đáng tiếc, đồng thời với vai trò người cha, người chồng, người anh đầu đàn, sự ra đi của anh đã để lại trong lòng tất cả người thân trong gia đình sự hụt hẫng và tiếc thương vô bờ.
Niềm đau đã thật sự òa vỡ, những giọt nước mắt đã tuôn rơi, khi tiếng khóc vụt cất lên như xé toang căn nhà nhỏ là khi ấy anh đã thật sự rời bỏ chúng tôi. Mặc dù luôn ý thức rằng chồng, cha và anh chúng ta đang trên con đường về cõi Niết bàn nhưng chúng ta vẫn không thể ngăn được niềm đau của sự mất mát quá lớn này. Những gì anh đã để lại cho cuộc đời sau 62 năm làm người là một chữ TÌNH thật trọn vẹn, và là một chữ THỨC luôn tồn tại vĩnh viễn. Đúng vậy, BS PDL đã tỉnh thức cho đến giây phút cuối cùng, anh đã ngồi lên, nói những lời cuối cùng, vĩnh biệt người thân, đưa bàn tay vuốt tóc người vợ và đứa con gái duy nhất đầy thương yêu trìu mến. Sau đó anh dùng những hơi thở yếu ớt còn lại đọc chữ “AUM”, cả gia đình đã niệm theo anh, ngôi nhà nhỏ như vang lên tiếng chuông chùa… Và như thế người anh, anh cha, người thầy vĩ đại của chúng tôi đã trút hơi thở cuối cùng sau 7 phút niệm Phật. Có nghĩa là chỉ sau 20 phút về đến nhà bằng xe Cấp cứu.
Anh Luyện kính yêu của chúng em, Ba thương yêu vô vàn của Thiên Lương,khi sống anh đã giành cho Cậu Mợ, cho các em, cho chị Bích và Thiên Lương biết bao sự chăm sóc và tình thương yêu vô bờ bến, những điều thiêng liêng ấy còn nguyên vẹn trong trái tim của mỗi người. Anh đi rồi chúng em thấy thật bơ vơ… Rồi mai đây khi một người nào đó trong gia đình ngã bệnh, biết dựa vào ai để có thêm sức mạnh tinh thần? Anh đã là trụ cột cho gia đình ta trong suốt mấy mươi năm. Cũng may mà gia đình mình không có cảnh lá xanh rụng trước lá vàng, dù sao thì anh cũng đã làm tròn trách nhiệm đối với mẹ cha. Con gái Thiên Lương dù đã trưởng thành nhưng rồi đây trên bước đường đời sẽ thiếu vắng tình cảm và sự nương tựa về tinh thần, bởi anh là người cha quá tuyệt vời trong lòng con. Niềm tiếc thương và nỗi đau vì mất anh là quá lớn, cho dù tất cả đều hiểu rằng đấy là phúc phần cho riêng anh, được trả nghiệp, thoát nghiệp sớm. Cầu chúc cho anh sau khi đã cởi bỏ thân xác hư hao tạm bợ này sẽ được về với cõi Niết bàn, nơi mà anh khi sống đã tìm hiểu cặn kẽ, và nếu có tái sinh thì anh cũng được đến nơi xứng đáng với những gì anh đã tạo dựng được trong kiếp này. Những nguyện ước của anh, chúng em sẽ thực hiện đầy đủ, thân xác này sẽ được trả về với cát bụi, đại dương sẽ đón hài cốt anh vào lòng – như mẹ đã hoài thai anh 62 năm về trước . Cuộc đời sinh tử, hợp tan là lẽ vô thường, nhưng trong lòng mọi người mãi mãi còn lưu lại hình bóng và tình cảm của anh – BS Phạm Doãn Luyện.
Có con chim nhỏ về thưa
Anh quay gót lại ngõ xưa Mẹ chờ
Ngõ xưa Mẹ vẫn ngồi chờ
Dang tay Mẹ đón con thơ trở về
13g40 ngày 31-10-2014: Thư của Võ Thanh Sơn:
Suốt 7 năm học chung trường từ ĐHKH đến ĐHYK tôi chưa bao có cơ hội nói chuyện với PDL kể cả họp tổ, học chính trị hay đi công tác thực tế. Tôi chỉ nhớ PDL lờ mờ qua hình ảnh cao ốm, có nụ cười hiền lành mỗi lần gặp trên hành lang. Sau 1978, mỗi đứa trôi giạt mỗi phương. Qua web site của Võ Khôi Bửu tôi biết có lần PDL vào chùa tu gieo duyên mấy tháng theo kiểu Phật giáo mguyên thủy. Có lúc thấy hình PDL chụp chung với Ngô Phước Long ở California? Rất khó biết vì Ngô Phước Long tuy ở Cali nhưng không tiếp xúc bạn bè trong lớp. Mãi tới 2011, tôi vào Facebook PDL mới ngỡ ngàng nhận ra tôi ở đó. Tôi và PDL hay trao đổi những clip hay. Có lúc PDL soạn nhạc, chơi đàn, hát cho Facebook nghe. Có những bài hát trình bày rất chuyên nghiệp có quay ngoại cảnh. Giọng PDL hay nhưng rất tiếc chỉ nổi lên ở tuổi xế chiều! PDL có 1198 followers trên Facebook vào lúc PDL từ giã FB. Tôi khuyên PDL: FB giống như con sông đang chảy cuồn cuộn mình chỉ cần đứng trên bờ ngắm, cần gì phải từ giã, PDL viết rất hăng say, về Phật giáo nguyên thủy , về Dĩa Bay (UFO) với tất cả chứng cớ, về thần học…Qua giao tiếp chúng tôi không đá động tới việc làm, gia đình, chính trị, khi tôi biết được gia đình PDL có tổ chức làm từ thiện tôi xúi PDL làm tích cực hơn nữa, qua hình ảnh , PDL đã tiếp tay cho các bà phước bên Công giáo. (PDL và con gái PDL vẫn còn liên lạc với các bà Phước lúc trước 1975 làm trong Cafeteria của Đại học Y khoa Saigon). Có lúc vợ chồng PDL và các em Luyện khám bịnh phát thuốc ở Định Quán cùng với nhóm thiện nguyện khác. Có lúc họ đi xuống sâu miệt vườn , sông nước mênh mang giữa xóm nghèo xơ xác, có lúc PDL tươi cười với đám người thiểu số mặc xà rông tới khám bịnh, nhận trợ phẩm ở cao nguyên. Trong lớp mình có Nguyễn Thị Ngọc Trâm góp tài chánh. Thình lình PDL email tôi “công tác thiện nguyện dừng ở đây, đừng gởi tiền nữa”. Tới bây giờ tôi mới biết PDL lúc đó đã kiệt sức và cạn tiền. Tôi đã lỗi lầm không nhận ra rằng người cần được giúp nhiều nhất chính là PDL. Cách đây vài tuần PDL viết lời từ giã với các “bạn ảo”trên Facebook, tôi đang bận rộn đi CME (continue medical education) ở Palm Spring nên không đọc chi tiết. Một con người hiền lành, đạo lực cao như PDL, một khi đã từ giã có ý ra đi thì bạn bè vợ con cũng không níu lại được. Bây giờ tiếng hát đã tắt, cung đàn gãy nhịp, những bài viết của PDL chỉ còn lại trong kỹ niệm. Chết là thường tình nhưng chết làm sao để lại cho ngừoi sống những thương tiếc mới khó. Tôi thực sự khóc khi nghe PDL chết. Có lần gặp mặt trong lớp ở Santa Ana, khi nhắc đến những bạn đã chết, Hồ Xuân Sơn trân trong tuyên hứa HXS từ nay tình nguyện tuần tự sẽ xin tiễn đưa từng bạn đến nơi an nghỉ cuối cùng và HXS sẽ đi cuối. HXS ơi, tôi cũng mong bạn sẽ đạt được ý nguyện đó. Nhưng cuối cùng rồi ai cũng phải…chết thôi.
Hạnh Trương
Bác sỹ Phạm Doãn là người đã có nhiều chứng đắc trong phát triển tâm linh (thực hành Mật Tông), trước khi quay sang Theravada. Cũng nhờ nghiên cứu Theravada, cộng thêm kiến thức triết học và tôn giáo, bác sỹ Phạm Doãn đã nhìn ra nhiều điểm mà một số trường phái Theravada phổ biến đang cản trở quá trình tu tập. (*)
Thỉnh thoảng bác sỹ cũng trao đổi với tôi một số quan điểm của mình, qua chat, qua email hay qua những buổi gặp tại nhà hoặc ở quán cafe cạnh nhà. Tôi biết có nhiều chuyện mà bác sỹ chưa muốn nói, hoặc chỉ nói gián tiếp, tế nhị. Thực tình thì tôi cũng mong khi nào đó bác sỹ sẽ nói ra những điều này, vì chính bác sỹ trước đó đã viết và nói rất tốt về nó, nếu được nói ra thì sẽ giúp được nhiều người cân bằng được tín và tuệ.
Trong những bài viết cuối của mình trên FB, bác sỹ cũng đã nói một số điểm quan trọng. Cho dù có nhiều người không ưa và nói ra, nhiều người không ưa, và im lặng thì sự thật vẫn là sự thật. Cái tính tôn giáo không nằm ở tôn giáo, nó nằm ở những con người như bác sỹ Luyện, nằm ở những vị chân tu đang thực hành theo cốt tủy của giáo pháp đâu đó nơi một ngôi chùa, trong một thiền viện hay trong rừng sâu…
Với năng lực thực hành tâm linh vốn có, cộng với những hiểu biết của có được trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu đạo Phật và các tôn giáo khác, đặc biệt là Theravada, bác sỹ đã ra đi trong sự tỉnh táo. Không những thế, nhìn tấm ảnh anh cười trong phòng tang lễ, tôi biết bác sỹ đã thành công trong việc ảnh hưởng tốt tới người thân trong gia đình.
Tôi cảm nhận bác sỹ Phạm Doãn còn chơi đâu đó trước khi dừng chân tại một cõi an lành, nơi mà anh tiếp tục sự tiến hóa tâm linh của mình.
Cảm ơn anh vì đã ghé chốn này, đã chia sẻ, đã dẫn đường, đã tạo nhiều cảm hứng cho những người đang trên con đường phát triển tâm linh như anh.
Lên đường may mắn, anh Luyện!
–
(*) Trong một phạm vi hẹp, tôi có thể nói rằng bác sỹ đã từ bỏ con đường Theravada.
Lần đầu gặp nhau, ai ngờ đâu lại là lần cuối!
Chú đã sống một đời phước thiện, trên phương diện bác sĩ đã cứu giúp được bao người không một chút vụ lợi. Trên con đường đạo Pháp với cá tính một tri thức, chú đã tìm hiểu và có những bài viết làm sáng rõ nhiều điểm quanh Pháp học và Pháp hành của đạo Phật. Lâm bệnh trong thời gian ngắn ngủi và ra đi trong tỉnh thức bên những người thân yêu nhất của mình. Vô thường tìm đến bất ngờ quá, nhưng “sống hạnh phúc – chết bình an” như vậy thì triệu triệu người trên thế gian này cũng chưa dám chắc có được.
Con và chú quen nhau trên mạng, giờ chúng ta lại chia tay nhau trên mạng. Post lại bức ảnh này, là kỷ niệm lần đầu hẹn nhau cafe giữa phố Sài Gòn sau hơn 6 năm quen biết trên mạng như một lời tạm biệt, khi hôm nay gia đình đưa linh cữu chú đi hỏa táng. Nhớ hôm đó, hai chú cháu nói chuyện không dứt trong hơn hai tiếng, nhưng đã gần trưa nên chú phải về nghỉ để chiều có lịch hẹn khám chữa bệnh cho mọi người. Chú lấy xe đi trước, con lấy xe đi sau, đã hẹn là sẽ gặp lại nhau, nhưng ai ngờ lần đầu gặp nhau ở ngoài đời lại cũng là lần cuối. Còn bao điều con muốn chia sẻ với chú về đạo Pháp trong thời điểm này thì duyên của chúng ta lại chỉ trùng phùng quá ngắn. Thôi ta hẹn gặp lại nhau ở một kiếp tái sinh vị lai chú nhé!
Cảm ơn chú rất nhiều, một người bạn lớn trên con đường tâm linh của con!
Goodbye my friend [ Phạm Doãn ].