Chiến tranh điện tử và vũ khí công nghệ cao là những đặc trưng của chiến tranh hiện đại. Vì vậy, việc nghiên cứu và tìm ra biện pháp phòng tránh, đánh trả có ý nghĩa rất quan trọng để giành thắng lợi.
Vũ khí công nghệ cao được giáo trình Giáo dục Quốc phòng của Việt Nam định nghĩa là: Vũ khí được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo dựa trên những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, có sự nhảy vọt về chất lượng và tính năng kĩ thuật, chiến thuật.
Trong một cuộc chiến tranh hiện đại, phương thức tiến công hoả lực bằng vũ khí công nghệ cao sẽ là màn mở đầu và bao giờ cũng được sử dụng với một nhịp độ cao, cường độ lớn hòng ‘làm mềm’ chiến trường một cách nhanh chóng.
Tên lửa là một vũ khí công nghệ cao sẽ được sử dụng nhiều trong chiến tranh hiện đại. Ảnh minh họa.
Trên Wikipedia, vũ khí công nghệ cao được phân loại gồm nhiều chủng loại khác nhau như vũ khí huỷ diệt lớn (hạt nhân, hoá học, sinh học), vũ khí được chế tạo dựa trên những nguyên lí kĩ thuật mới (vũ khí chùm tia, vũ khí laze, vũ khí chùm hạt, pháo điện từ).
Điểm mạnh nổi bật của các loại vũ khí công nghệ cao chính là hiệu suất tăng gấp nhiều lần so với vũ khí thường; khả năng tự động hoá cao; tầm bắn (phóng) xa; độ chính xác cao, uy lực sát thương lớn, được nâng cấp liên tục; có thể hoạt động trong những vùng nhiễu, thời tiết phức tạp. Một số loại vũ khí có khả năng nhận biết địa hình và đặc điểm mục tiêu, tự động tìm diệt…
Mặc dù có nhiều ưu điểm, vũ khí công nghệ cao cũng không phải không có những nhược điểm.
Cùng với tên lửa, các đợt không kích với bom thông minh sẽ làm mềm chiến trường trước khi đổ bộ binh giải quyết như Mỹ đã làm ở Iraq, Afghanistan.
Thứ nhất, sử dụng vũ khí công nghệ cao không thể kéo dài vì quá tốn kém. Một quả tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ có giá khoảng 1 triệu USD. Với giá thành rất cao, khi sử dụng các vũ khí này, người ta sẽ phải lựa chọn những mục tiêu thật sự có giá trị tương xứng. Từ đó dẫn đến để hạn chế bớt thiệt hại do vũ khí công nghệ cao, người ta sẽ phân tán các mục tiêu.
Thực tế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân dân ta đã có nhiều kinh nghiệm phân tán các cơ sở quân sự, công nghiệp và cả dân sự để hạn chế hiệu quả các đợt ném bom của Không quân Mỹ.
Thứ hai, vũ khí công nghệ cao dễ bị tác động bởi địa hình, thời tiết, khí hậu dẫn đến hiệu quả thực tế khác với lí thuyết. Hệ thống trinh sát hiện đại khi trinh sát đều thông qua đặc trưng vật lí do mục tiêu bộc lộ để phát hiện. Vì vậy, xoá bỏ sự khác biệt giữa mục tiêu với môi trường xung quanh là sự vận dụng và phát triển của kĩ thuật ngụy trang truyền thống. Hoặc lợi dụng môi trường tự nhiên như địa hình, địa vật, rừng cây, bụi cỏ để che giấu mục tiêu, có thể làm suy giảm thậm chí ngăn chặn được trinh sát của địch.
Do vũ khí công nghệ cao phụ thuộc vào điểu khiển điện tử nên gây nhiễu, tác chiến điện tử cũng là một biện pháp để khắc phục chúng. Ảnh minh họa.
Trinh sát bằng quang học, hồng ngoại và laze là ba kĩ thuật trinh sát chủ yếu của vệ tinh và máy bay trinh sát. Trong cuộc chiến tranh Kosovo, địa hình, địa vật, phức tạp của Nam Tư kết hợp với thời tiết mùa xuân ẩm ướt, âm u, rừng cây rậm rạp đã khiến cho hệ thống vũ khí công nghệ cao của NATO bộc lộ một số nhược điểm như khả năng nhận biết mục tiêu, khả năng định vị, dẫn đến đánh nhầm, đánh không chính xác, đánh vào mục tiêu giả ngày càng tăng, khiến chúng bị tiêu hao ngày càng lớn.
Ngoài ra, bất kỳ hệ thống trinh sát điện tử nào cũng đều có hạn chế của nó. Thời chống Mỹ, lực lượng vũ trang của ta phải đối mặt với hàng rào điện tử McNamara trên rừng Trường Sơn. Mỹ dùng các cây nhiệt đới thả xuống rừng để phát hiện các đoàn quân, xe vận tải của ta. Sau một thời gian bỡ ngỡ, quân ta đã tìm ra cách khắc chế nó. Hoặc cắt các cành (thực chất là ăng ten thu phát) của cây nhiệt đới, hoặc gom cây vào một chỗ rồi cho phát máy nổ để đánh lừa nhằm thu hút hỏa lực địch.
Thứ ba là các loại vũ khí công nghệ cao thường phụ thuộc vào các làn sóng điều khiển. Do đó, khi gây nhiễu được các trang bị trinh sát của địch, hiệu quả của vũ khí công nghệ cao sẽ giảm đi. Vũ khí công nghệ cao luôn phát huy tác dụng khi tồn tại trong môi trường điện tử thuận lợi. Nhưng nếu như nó bị nhiễu loạn thì loại vũ khí này chỉ như kẻ mù lòa. Dù cho có một hệ thống trinh sát điện tử hiện đại thì kết quả tín hiệu, thông tin thu được sẽ vô dụng nếu không có sự phân tích xác đáng.
Đó là lý do vì sao trong trận hải chiến tháng 10/1973, tàu phóng tên lửa Israel dù tầm phóng tên lửa kém tàu tên lửa Ai Cập 2,5 lần nhưng vẫn đánh chìm biên đội 3 tàu tên lửa Ai Cập; hay như trong cuộc xung đột Israel-Hecbolah, sự kiện tên lửa đối hạm C-802 của Hecbola bắn chìm tàu hộ tống Eliat Saaz 5 của Israel đã đặt ra nhiều câu hỏi, tại sao các phương tiện trinh sát hiện đại của Israel không phát hiện vị trí tên lửa C802, cũng như thời điểm phóng tên lửa.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã sử dụng nhiều loại vũ khí công nghệ cao như bom thông minh, công nghệ nhìn đêm, công nghệ gây nhiễu. Chiến dịch Linerbacker II hay Việt Nam gọi là Điện Biên Phủ trên không được xem là một trận chiến với mức độ gây nhiễu điện tử rất cao nhưng rồi nó vẫn có những điểm yếu. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã khai thác được điểm yếu để bắn hạ các máy bay B-52 của Mỹ.
Như vậy, vũ khí công nghệ cao dù rất hiện đại nhưng cũng có những điểm yếu của nó. Do đó, nên hiểu đúng, không quá đề cao, tuyệt đối hoá nó nhưng cũng không nên coi thường dẫn đến chủ quan mất cảnh giác.
Minh Tiến
2014-12-18 16:32:07
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/nhung-diem-yeu-cua-cac-vu-khi-cong-nghe-cao-a167270.html