Chính quyền Hồng Kông hôm Thứ Tư (7/1) công bố những cải cách chính trị nhưng khẳng định vẫn tuân theo kế hoạch bầu cử đặc khu trưởng vào năm 2017 mà Bắc Kinh ban hành. Ngay sau đó, 27 nhà lập pháp ủng hộ dân chủ xòe chiếc ô vàng và bước ra khỏi Hội đồng lập pháp.
Các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ xòe ô vàng, biểu tượng cho các phong trào Chiếm Trung Tâm, rời khỏi cuộc họp Hội đồng Lập pháp như một cử chỉ để tẩy chay chính phủ ở Hồng Kông. (Ảnh Bobby Yip / Reuters)
Chiều Thứ Tư (7/1), Tổng Vụ trưởng Hành chính Hồng Kông là Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) công bố kết quả vòng thứ hai về tư vấn cải cách chính trị đặc khu. “Cải cách phải dựa trên Luật Cơ bản và quyết định của Ủy ban Thượng vụ Quốc hội Trung Quốc (NPCSC). Nếu không, cải cách sẽ phi thực tế và ý tưởng bầu đặc khu trưởng theo hình thức phổ thông đầu phiếu sẽ chỉ là xây lâu đài trên cát”, bà nói.
Bà nhấn mạnh cơ hội bầu trưởng đặc khu vào năm 2017 bằng hình thức phổ thông đầu phiếu là “cơ hội không thể bỏ qua” và “đây là cách duy nhất tạo nên nền tảng dân chủ hóa ngày càng vững chắc”.
Tuy nhiên, ngay khi bài phát biểu của bà Lâm vừa bắt đầu, 27 nhà lập pháp ủng hộ dân chủ đã xòe chiếc ô màu vàng của họ, một trong những biểu tượng của phong trào Chiếm Trung Tâm, rời khỏi cuộc họp Hội đồng lập pháp và hô vang khẩu hiệu: “Tôi muốn phổ thông đầu phiếu thực thụ”.
Trước đó, Bắc Kinh đồng ý để mọi cử tri Hồng Kông được bỏ phiếu bầu ra đặc khu trưởng vào năm 2017 song số ứng cử viên bị khống chế chỉ có 2-3 người và phải do một ủy ban thân Bắc Kinh chỉ định. Trong đợt bầu cử năm 2012, chỉ có một ủy ban gồm 1.193 đại cử tri, bao gồm 4 lĩnh vực: kinh doanh, nhà nghề, chính trị và xã hội, tổng cộng 38 phân ngành, được bỏ phiếu bầu đặc khu trưởng và người thắng cử năm đó là ông Lương Chấn Anh.
Việc chính quyền Bắc Kinh chỉ định ứng viên đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình kéo dài hơn 2 tháng ở Hồng Kông. Họ gọi đó là dân chủ giả hiệu và phổ thông đầu phiếu không thực chất.
Chiều cùng ngày, bà Lâm tuyên bố chính quyền Hồng Kông sẽ thực hiện chương trình tư vấn cải cách chính trị công cộng về 4 lĩnh vực: thành lập ủy ban đề cử; chi tiết quá trình đề cử; giai đoạn bầu chọn công khai và các vấn đề liên quan. Bà nhấn mạnh nếu các nhà lập pháp không thông qua phương án của chính quyền, cuộc bầu cử có thể bị hoãn tới năm 2022.
Dựa trên quyết định của Bắc Kinh, bà Lâm cho biết, chính quyền sẽ xem xét điều chỉnh số lượng thành viên và cử tri của mỗi phân ngành nếu gói cải cách được Hội đồng lập pháp phê duyệt. Hồng Kông cũng đang cân nhắc việc áp dụng quy trình đề cử 2 giai đoạn để bầu lãnh đạo mới.
Hôm Thứ Ba (6/1), đặc khu trưởng Lương Chấn Anh phủ nhận báo cáo của phương tiện truyền thông cho rằng ông nói với Bắc Kinh sẽ không tái ứng cử vào năm 2017. Ông cũng cảnh báo biểu tình không được tái diễn.
Bên phía phản đối cuộc bầu cử không minh bạch, nhóm chính trị Hồng Kông 2020 do bà Anson Chan, quan chức quyền lực thứ 2 Hồng Kông khi đặc khu còn là thuộc địa của Anh, dẫn đầu cáo buộc ông Lương và Bắc Kinh bỏ qua nhu cầu chính đáng của người biểu tình cũng như thực hiện “cuộc bầu cử dân chủ giả tạo”.
Theo NLĐ