Kính gửi các đàn anh và các bạn cùng lứa,
Đàn em đọc hồi đáp của sư huynh Việt trên bản tin rồi, vui và cảm ơn anh đã có lòng. Nhiều lúc ngẫm ngợi, có chút ghen với hạnh phúc của lớp đàn anh. Em nghĩ Tổ sư Giám mục HNC trên thiên đàng, chắc hiểu nỗi lòng đám sư đồ dưới thế. Ngoài Ngài ra, coi bộ ít đồng môn nào có thời gian quởn để bâng khuâng. Chư huynh biết bọn sư đệ mình nghĩ gì không ?
Tụi em nghĩ rằng, trong các thế hệ môn đồ HNC, thì lứa vừa sắp trưởng thành khi kết thúc chiến tranh VN, như tụi em chẳng hạn, là lứa bất hạnh nhất. Chắc các anh chấm hỏi ? Này nhé…
Thời các anh, có ai cụ non như thằng bạn vẽ tranh tượng trưng tam giác và vòng tròn mà bài trước em kể không ? Em đoán tuổi học trò của các anh hồn nhiên hơn tụi em, nghĩa là hạnh phúc hơn. Và, khi ra đời, cơ hội cũng nhiều hơn, thành đạt hơn. Nghe anh bảo, tới giờ còn liên lạc được với nhau mấy trăm anh trên khắp địa cầu, thiệt vui quá. Tất nhiên, trước hết do công sức và tấm lòng của thế hệ anh hơn hẳn tụi em. Nhưng tụi em, cũng có lý do khách quan khi không làm được điều tương tự. Các anh may mắn được học trong những năm đất nước còn chưa đến nỗi điêu linh, dân số SG – GĐ còn thưa, lòng người còn lạc quan…, tương lai còn tươi hồng hy vọng.
Nhưng lứa tụi em, vào trung học sau biến cố Mậu Thân, một biến cố không chỉ trên mặt quân sự, chính trị của cuộc chiến mà còn trong lòng người khi nghĩ tới ngày mai.
Những ưu tư của người lớn, mà gần gũi nhất là cha mẹ và thầy học, đã sớm thấm qua tâm hồn bọn thiếu niên nhạy cảm. Bọn em, đứa nào học trễ một năm thôi, thì ngay khi còn mới lớp 8, lớp 9 đã đánh mất tuổi xanh. Tụi em đã lờ mờ thấy cái gì đang chờ mình phía trước, chỉ trong ít năm nữa thôi ! Thế là, có một hiện tượng rất giàdặn xuất hiện trong các cuộc trò chuyện của tuổi hoa niên : Làm cách nào để tránh khỏi sớm bị vùi vào cái ”vòng tròn trong hình tam giác” !
Mấy thằng học trễ tuổi, giờ ra chơi, không túa xuống sân xúm vào mấy xe giải khát mà tụm năm tụm ba bàn thời sự. Tụi nó chia sẻ ”kế” thoát hiểm. Đứa tính thi qua các trường kỹ thuật Cao Thắng hoặc Nguyễn Trường Tộ, vì hồi đó chính phủ quy định triển hạn quân dịch thêm một năm cho Kỹ thuật và Nông Lâm Súc, so với Phổ thông. Đứa tính bỏ Công Lập nhảy ra Tư Thục, học nhảy lớp cho kịp hạn tuổi. Đứa tính vào lực lượng bán quân sự để làm công nhân quốc phòng, như Lục quân công xưởng Gò Vấp hoặc Hải quân công xưởng Bason.
Cũng có đứa hoặc thích đời trai hùng, hoặc thụ động phó mặc đời trai, chấp nhận ngày mai ruổi giong bốn vùng chiến thuật. Và… em đã sớm nghe tin mấy đứa trong nhóm sau cùng nói trên, chết trận rãi rác tận những miền xa xăm, vào thời điểm 74-75. Tin về đến lớp, bọn em ngó nhau im lặng !
Chưa hết, vào quãng thời gian 72-75, trường mình xuất hiện một tổ chức sinh hoạt ngầm trong một số anh em. Tổ chức này do Tổng hội SVHS tranh đấu, giấu mặt chỉ huy. Đầu tiên, là những buổi công tác xã hội kêu gọi tình nguyện,vào những chủ nhật sẽ tập họp tại một nơi nào đó, thường là các ngôi chùa nhỏ trong thành phố, rồi có mấy anh sinh viên dẫn đi giúp đỡ các cô nhi viện… Xen kẽ trong chuyến đi, là sinh hoạt ca hát những bài hát cấm, mà sau 30/4 được phát liên tục trên hệ thống truyền thông. nữa, những buổi dạy kèm miễn phí do các sinh viên đàn anh phụ trách, HS nghèo không tiền học luyện thi tú tài có thể xin học dễ dàng. Các anh SV dạy không hay như các thầy giáo chuyên nghiệp (hồi đó thầy Phạm Thư trường mình rất nổi tiếng dạy luyện thi), nhưng lại hay chêm chính trị vào giờ học.
Thế rồi, với sự bồng bột hoa niên, nhiều anh em mình đã nghe theo và dấn thân vào những cuộc biểu tình chống CP, thường do bà Ngô Bá Thành và nhóm các ông Lê Hoàng, Huỳnh Tấn Mẫm … chủ xướng. Có khi họ bạo động tham gia dùng bom xăng tự chế, ném cháy xe quân sự nữa chứ.
Tất nhiên các bạn ấy bị cảnh sát lùng bắt, lớp em có mấy đứa phải bỏ học để trốn sự truy lùng. Em còn nhớ một số, như Trần Ngọc Lâm, Phạm hồng Hải, Nguyễn Minh Trí, Phạm Hồng Khuyên, Nguyễn Chí Tâm, Lâm Văn Thanh .v.v… Và trong số đó, Lâm cùng Khuyên và Hải được đưa về bưng biền đâu tận Long Xuyên thì phải, để thụ huấn chính trị. Một thời gian sau, tình hình yên ắng, họ trở lại như thể vừa về quê nghỉ hè, tiếp tục tuyên truyền trong trường mình.
Em nhắc chuyện này, có thể là một bất ngờ cho các sư huynh về lũ đàn em. Đâu có yên ổn như thế hệ đi trước nhỉ ?
Chưa hết, vào lớp học, mỗi khi có đứa không thuộc bài, không làm bài vì… lười, cái lười này đôi lúc do tâm lý buông xuôi tuyệt vọng, thì về phía các thầy cách tỏ thái độ cũng có khác trước. Em nhớ, có lần em không trả lời được lúc trả bài, thầy Huấn đã bắt cúi đầu cho thầy cốc một phát rất mạnh tay, nhưng nhìn lên em thấy mắt thầy hoe đỏ. Thầy mắng, giọng có chút gì như thể nghẹn ngào pha tức giận :
- Mầy muốn chết à, mầy muốn đi lính à ? Ngu thế ?
Các anh thấy, thầy sợ tụi em lười học, sau thi rớt, thì coi như đi Đồng Đế để giỡn mặt với thần chiến tranh.Tụi em đã mất hồn nhiên rất sớm, đúng không ? Lại nữa, khi hết chiến tranh, tụi em cũng đâu được hưởng hạnh phúc thanh bình.
Nhiều bạn không thấy trở lại lớp, họ thất tung bởi nhiều lý do, tan tác khắp nơi. Số còn lại tiếp tục học với một giáo trình lạ hoắc, do nhiều thầy cô cũng lạ, giảng dạy. Không còn thấy phần lớn các thầy cô bao năm gần gũi, trường đổi tên, không còn được thầy Ngọ thỉnh thoảng ghé lớp giảng moral, mà lúc còn thầy tụi em rất oải. Không còn…, vâng…, rất nhiều thứ đã rất thân quen…, không còn.
Còn số thầy cô tiếp tục dạy thêm ít lâu. Em nhớ cô Nguyễn Thoại Ngọc Anh, từng dạy em môn Vạn Vật hồi lớp 10, học toàn đất đá khoáng vật khô khan. Chán quá, em thường không làm được bài kiểm, và đã ”quay phim”. Cô bắt được, ôi dáng cô mảnh mai, khuôn mặt cô đẹp thanh thoát vậy mà sao lúc đó lạnh lùng nghiêm khắc đến lạnh, một cặp trứng cho bài kiểm khỏi phân trần !
Và, em được gặp lại cô ở lớp 12 sau ngày giải phóng. Cô khác hẳn xưa, dáng đã gầy càng tiều tụy. Giọng cô nhỏ yếu hồi giờ, càng như gió thoảng. Cô hay mặc áo dài hoa, khuôn mặt thanh tú có nét gì u ẩn, mắt cô sâu và ánh nhìn xa xăm. Một buổi tan học, học trò đã ra hết mà cô còn ngồi nán lại. Em bước ra sau cùng, khẽ cúi chào cô. Bỗng cô ra dấu cho em dừng lại. Chỉ còn hai thầy trò, cô hỏi thăm em vì sao… và nhiều cái vì sao…? Giọng cô buồn bã, trắc ẩn, và rất ấm chứ không lạnh băng như 2 năm trước lúc phạt em.
Còn thầy Trương Toại, vốn là trưởng ban giáo sư Alpha biên soạn sách giáo khoa trước 75, em cũng còn được học lại. Nhưng sự nghiệp soạn giáo khoa của nhóm thầy
đã hoàn toàn sụp đổ. Thầy giảng bài buồn thiu, có phần gượng gạo. Giữa thầy trò sao có gì như cái khoảng vô hình không cầu nối…
Tiếp những năm sau đó, trong số bạn còn lại, không phải đứa nào cũng được lên đại học, cho dù tài có giỏi – chí có cao. Hàng rào lý lịch đã cản biết bao nẻo tương lai môn sinh HNC. Đứa đi TNXP, đứa làm công nhân, đứa về điền viên bắt chước cái “dại” của cụ Yên Đỗ : ”Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”. Không có nhiều bạn thỏa được chí theo lý tưởng Nguyễn Công Trứ : “Rồng mây khi gặp hội ưa duyên – Đem quách cả sở tồn làm sở dụng”.
Do ”lịch sử” như thế, nên thế hệ HNC tụi em, phân kỳ vạn nẻo.Không được như lớp đàn anh, đến giờ còn hội tụ.Các anh có chia sẻ với đàn em không ? Kính thân,
Lê ngọc Phú (NK69-76)
VỤ ÁN “GIẾT NGƯỜI VÌ DANH DỰ”
GÂY CHẤN ĐỘNG ẤN ĐỘ
Sau vụ cưỡng hiếp tập thể ở New Delhi, dư luận và truyền thông Ấn Độ lại thêm một phen choáng váng vì vụ sát hại dã man một cặp tình nhân ở bang Haryana vì “danh dự gia đình”.
Theo báo Hindustan Times, cảnh sát cho biết anh Dharmender Barak, 23 tuổi, ở làng Gharnavati thuộc quận Rohtak đã bị đánh đập và bị chặt đầu. Cô bạn gái 20 tuổi Nidhi Barak cũng bị tra tấn đến chết. Cả hai đều là sinh viên. Thủ phạm không phải ai khác mà chính là gia đình của cô Nidhi Barak. Người dân làng Gharnavati đã chứng kiến vụ hành quyết nhưng không ai can thiệp. Hiện cảnh sát đã bắt giữ cha mẹ và chú của cô Nidhi Barak và đang truy lùng anh trai nạn nhân.
Trước đó, cặp đôi này đã trốn gia đình đến sống ở New Delhi, nhưng gia đình lừa họ quay trở lại làng Gharnavati với lời hứa rằng cả hai gia đình sẽ chấp nhận cuộc hôn nhân của họ. Thay vào đó, họ đã bị sát hại một cách tàn bạo.
Cảnh sát cho biết anh Dharmender Barak bị đánh gãy hết chân tay trước khi bị chặt đầu. Cơ thể cô Nidhi Barak bị đốt cháy.
Một quan chức cảnh sát địa phương cho biết gia đình hai bên phản đối họ lấy nhau vì là người cùng làng, theo truyền thống thì không được kết hôn. “Đây là hành vi giết người để bảo vệ danh dự gia đình” – quan chức cảnh sát này cho biết. Lúc bị bắt, cha của cô Nidhi Barak vẫn lạnh lùng tuyên bố là “không hề hối tiếc” khi tự tay giết con gái.
Nhiều tờ báo chí Ấn Độ mô tả cuộc giết chóc này là “tội ác man rợ thời trung cổ”. Các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ đã lên tiếng đòi chính quyền phải xử nghiêm khắc các thủ phạm giết người. (theo Nguyệt Phương)
Nguyễn Văn Danh post
NHỮNG CÔNG TRÌNH
KIẾN TRÚC ẤN TƯỢNG NHẤT
Mỗi khi ngắm nhìn một công trình do nữ kiến trúc sư lừng danh người Anh Zaha Hadid thiết kế, người xem có cảm giác như đó không phải là một không gian tĩnh mà luôn dịch chuyển không ngừng.
Zaha Hadid sinh ngày 31 tháng 10 năm 1950 tại Baghdad là nữ kiến trúc sư đầu tiên trong lịch sử thế giới giành giải thưởng Pritzker cao quý vào năm 2004 (giải thưởng được ví như giải Nobel Kiến trúc). Nữ “phù thủy” kiến trúc này là tác giả của nhiều công trình nổi tiếng trên toàn cầu như Cây cầu Sheikh Zayed Bridge, Nhà hát Opera Quảng Châu hay Viện bảo tàng Quốc gia MAXXI Thế kỷ 21.
Các công trình của bà mang nặng tính ý tưởng với những hình khối động có cấu trúc zic zac đa dạng của trường phái “giải tỏa kết cấu”, tạo nên nét đặc trưng của một tài năng mà khiến người ta xem để rồi nhớ.
Cùng chiêm ngưỡng một số tác phẩm tiêu biểu của nữ kiến trúc sư danh tiếng này:
1/- Sân vận động Quốc gia Nhật Bản : Đây sẽ là một trong những điểm nhấn cho Thế vận hội Tokyo diễn ra vào mùa hè năm 2020. Hội đồng Thể thao Nhật Bản đã lựa chọn thiết kế độc đáo của Zaha Hadid trong số các tác phẩm dự thi từ 45 công ty trên toàn thế giới để triển khai dự án xây dựng sân vận động quốc gia mới. Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2019 với tổng vốn đầu tư khoảng 1.6 tỷ đô la.
Sân vận động sẽ có sức chứa ở mức 80,000 người. Đặc biệt, Zaha còn đưa thiết kế mái vòm có thể thu vào mở ra linh hoạt trong mọi thời tiết vào bản vẽ chi tiết – một đặc điểm kỹ thuật mà chỉ sân vận động Cowboys của Arlington, Texas mới có.
2/- Trung tâm thể thao dưới nước London : Được xây dựng phục vụ Thế vận hội Olympic London 2012, công trình gồm hai bể bơi tiêu chuẩn (dài 50 mét) và một bể lặn (dài 25 mét). Ý tưởng thiết kế của trung tâm thể thao dưới nước Aquatic Centre bắt nguồn từ cảm hứng của khối hình học biến đổi từ nước, và toàn bộ thiết kế hướng tới không gian công cộng chính trong Công viên Thế vận hội. Đặt dọc theo con kênh một mái cong uốn lượn trải rộng mô phỏng hình lượn sóng của những con sóng nhỏ trong không gian bể bơi như một dòng chảy thống nhất và độc nhất vô nhị, đồng thời cũng mô tả thể tích của một không gian bể bơi thi đấu đa năng chất lượng cao.
3/- Bảo tàng Riverside, Glasgow : Được hoàn thành vào tháng 6 năm 2011 tại Glasgow Habour, Scotland, bảo tàng có tổng mức đầu tư khoảng 74 triệu bảng Anh. Công trình là nơi trưng bày các bộ sưu tập công nghệ giao thông vận tải quan trọng của Glasgow như cần cẩu tàu Glasgow docks, đầu máy hơi nước SAR Class 15F 4-8-2.
Bảo tàng được đặt ở một khu đất không đối xứng, ôm lấy các cạnh của khu cảng. Toàn bộ phần thể tích đánh lừa cảm giác thấp trên khu đất và dần dần chiều cao được kéo lên khi tới gần mặt nước.
4/- Cây cầu Sheikh Zayed Bridge, Abu Dhabi : Cầu Sheikh Zayed tại Abu Dhabi, Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất dài 842 mét có tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu đô la. Cầu có 3 cặp vòm thép thiết kế trông giống như những cồn cát nhấp nhô trên sa mạc.
Ngoài những nét kiến trúc độc đáo, cây cầu còn được được lắp đặt một hệ thống ánh sáng động với các sắc màu huyền ảo chạy dọc thân cầu như một biểu tượng của sự kết hợp giữa vẻ đẹp tự nhiên của cây cầu và sức sống của thành phố Abu Dhabi. Cây cầu được đặt theo tên của vị Tổng thống đầu tiên của Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan.
5/- Nhà hát Opera Quảng Châu : Nhà hát Opera Quảng Châu được coi là một tổ hợp công trình tiêu biểu ứng dụng các thiết kế ánh sáng kỹ thuật cao. Công trình không chỉ sử dụng hệ đèn chiếu sáng LED tân tiến mà còn tạo ra hình ảnh của một viên ngọc trai sáng rực được thiết kế tích hợp rất nhiều thiết bị tiết kiệm năng lượng công nghệ cao. Đây cũng là một trong những công trình có hệ thống điều khiển ánh sáng và hỗ trợ âm thanh hiện đại trên thế giới, giúp tiết kiệm tối đa năng lượng sử dụng cho công trình.
Các nếp gấp uốn lượng trong nội thất tạo ra những góc nhìn đầy kịch tính tiếp nối nhau từ hành lang, cầu thang đến các không gian phụ trợ, cũng như giải pháp hoàn hảo cho ánh sáng tự nhiên có thể đi vào sâu bên trong công trình. Nhà hát được làm bằng các vật liệu chính với những thiết kế sử dụng đá Granite, thủy tinh và kết cấu thép có sức chứa hơn 1,800 người. Sau quá trình 5 năm xây dựng, tác phẩm của Zaha Hadid và cộng sự đã được hoàn thành vào năm 2011.
6/- Viện bảo tàng Quốc gia MAXXI Thế kỷ 21, Rome : Đây là công trình bảo tàng công cộng đầu tiên của Ý dành cho sự sáng tạo đương đại, nghệ thuật và kiến trúc bằng các vật liệu thông thường như kính, bêtông và thép. Công trình mở cửa đón khách vào cuối tháng 5 năm 2010 sau quá trình xây dựng mất tới 10 năm.
Zaha Hadid đã nhấn mạnh ý tưởng với một cách tiếp cận mới, liên tục bằng cách kết nối các nút giao thông nội bộ giữa các phòng triển lãm, các không gian cực kỳ linh hoạt và tuyến tính. Các không gian này như lan tỏa trên diện tích 10.000m2 bằng các đường quanh co liên tục, hướng du khách dọc các “dòng suối” để vào các không gian triển lãm lớn, nơi không gian được tăng cường bởi ánh sáng tự nhiên từ hệ thống mái kính tráng kim loại.
7/- Tháp CMA CGM, Marseille : Tọa lạc tại khu vực trung tâm của thành phố cảng Marseille, Pháp, tòa tháp 33 tầng này đại bản doanh của hãng vận tải CMA CGM với chiều cao 147 mét. Công trình này là nơi làm việc của 2,200 nhân viên trong công ty. Tòa tháp là một trong những điểm nhấn của thành phố bên cạnh nhà thờ Notre-Dame de la Garde và pháo đài Château d’If. Zaha Hadid được lựa chọn để thiết kế công trình này vào tháng 11 năm 2004.
8/- Cầu không gian Bridge Pavilion, Tây Ban Nha : Đây là công trình được xây dựng để phục vụ sự kiện Triển lãm Expo 2008 ở Thành phố Zaragoza, Tây Ban Nha. Cây cầu cao 280 mét có hình dáng như một bông hoa lay ơn nở trên dòng sông Ebro, kết nối khu vực La Almozara lân cận với địa điểm diễn ra triển lãm cũng là cửa ngõ để du khách vào thăm các gian hàng của triển lãm.
Hadid đã chọn loại bê tông cốt thép sợi thủy tinh để gia cố cho cây cầu có lõi được đúc bằng bêtông cốt thép, bên ngoài cấu trúc được bao phủ bởi 29.000 tấm kính hình tam giác có màu xám sẫm.
9/- Phaeno Science Centre, Wolfsburg, Đức : Công trình được hoàn tất một năm sau khi Hadid trở thành người phụ nữ đầu tiên đoạt giải kiến trúc Pritzker. Tờ New York Times gọi đây là “một loại tòa nhà thay đổi hoàn toàn tầm nhìn về tương lai của chúng ta”.
Tòa nhà được xây trên những cột bê tông cho phép khách thăm quan đi thông sang Khu liên hợp ô tô Autostadt của Volkswagen. Trung tâm được nối với khu liên hợp bằng một cây cầu kim loại mà du khách có thể lên đó bằng thang máy hoặc cầu thang bộ.
10/- Trung tâm Nghệ thuật đương đại Rosenthal, Cincinnati, Mỹ : Đây là công trình đầu tiên của Hadid tại Mỹ được xây lên từ những khối vật liệu cắt lớp đen trắng làm bằng kính trong, tọa lạc trên một khu có diện tích nhỏ, trông giống như một khối Rubic hình vuông và chữ nhật với một cầu thang xoắn ốc ở giữa. Nhà phê bình kiến trúc của tờ Dallas Morning David Dillon cũng phải thốt lên: “Thật tuyệt vời khi khai thác được khả năng sáng tạo trong một không gian chật hẹp như vậy”. (theo Nam Hằng tổng hợp)
Yên Huỳnh post
ĐẶC SẢN XỨ BẾN TRE
Món đầu tiên là món gì ta ??. Ừm, đúng rồi, phải là một món đặc trưng mùa nước nổi cái đã :
1/- Canh chua !
- Canh chua cá linh với bông điên điển. Có thể có nhiều cô cậu miền khác không biết bông điên điển thế nào, giờ thì coi hình cho biết nghen :
- Canh chua cá linh với bông so đũa. Còn đây là bông so đũa (có 2 màu trắng và đỏ nhưng thường nấu canh chua với bông màu trắng hơn):
- Canh chua lươn với bắp chuối hay với rau muống
2/. Bông súng bóp xỏi với bông điên điển + tôm đất. Cái này mà ăn với cá rô kho me thì còn gì bằng. hay với cá bống kho nồi đất là số dzách.
3/. Cá lóc nướng. Cái này mà cuốn bánh tráng với bún, rau sống và … mắm nêm thì “hết xẩy còn lác” luôn! (Tức ngon ve kêu luôn !).
4/. Bánh xèo : có nhưn (nhân) là bông điên điển, giá sống, tép bạc, … và phải ăn với lá bằng lăng hay lá xoài non cộng với xà lách, rau diếp cá, … thì mới đúng điệu miền “xa mút tí tè”.
Giờ là món không cần nấu mà có thể ăn ngay với cơm nguội, nhất là khi trộn với xoài sống hay rang me. Ôi chu choa, Qua chảy nước miếng rồi nghen :
5/- Ba khía : Ba khía sống ở môi trường nước lợ, nơi các cửa sông, cửa rạch chảy ra biển. Mới nhìn ba khía rất giống cua đồng nhưng thiệt ra thì vóc dáng nó nhỏ hơn, càng và ngoe dẹp lại có thêm ba vạch ở trên chiếc mai màu sẫm. Nếu bữa nào làm biếng nấu cơm, hãy lục cơm nguội rồi ngồi thưởng thức với ba khía trộn xoài sống sẽ thấy nó thiệt là ngon.
- Ba khía rang me cũng không kém cạnh, ngon “bá cháy bò chét” luôn ! Haha !
- Ờ, mà cua đồng rang me cũng ngon nữa chớ, xém nữa quên món này rồi.
6/. Mắm sống, món không thể bỏ qua một khi ghé thăm miệt “xa mút tí tè” của Qua. Nếu nói tới mắm chắc Qua phải ngồi nói chuyện tới sáng vì có nhiều loại mắm như : mắm cá lóc, cá sặc, cá linh, … và món ăn chế biến từ mắm thì nhiều vô kể: bún mắm, gỏi mắm, lẩu mắm, mắm chưng… mà nổi tiếng nhất có lẽ là món mắm thái (tức mắm cá lóc trộn với đu đủ) cuốn bánh tráng với thịt ba rọi luộc và rau sống.
- Còn đây là món bún mắm hay lẩu mắm trứ danh vùng “xa mút tí tè”, thường được nấu với cá bông lau, thịt heo quay và cà tím. Nhưng ăn mà thiếu rau sống thì còn gì mà ngon phải không nè ? Lại đặc trưng của miền sông nước đây !
- Mắm chưng với trứng, ngon đáo để.
- Mắm lóc chưng thịt ăn với rau sống hay rau lang luộc
- Mắm thái trứ danh miệt Châu Đốc, ăn bằng cách cuốn với bánh tránh + bún + thịt ba rọi + rau sống, hay cũng với mấy thứ trên nhưng ăn như một món bún bình thường.
7/. Chuột đồng và chuột dừa : Nghe nói tới chuột chắc mấy cô mấy cậu sợ rồi phải không nè ? Đây là chuột đồng chứ không phải chuột chợ, tức nó chỉ ăn lúa ở đồng thôi chứ không ăn tạp đâu.
8/. Cá xà bần kho tiêu. Qua nghĩ có lẽ chỉ có người dân miệt “xa mút tí tè” như Qua mới có cái thứ cá lạ đời này. Thiệt ra thì đó là cái mớ cá vụn vặt: lòng tong choai, bảy chàu (trầu), lìm kìm, tép mòng, cá rô non… nói chung là những gì vụn vặt còn sót lại nơi đáy lưới. Muốn kho ngon phải xài nồi đất và để lửa riu riu.
Mặc dù là kho tiêu, nhưng muốn ngon phải ăn với ớt hiểm xanh nữa mới là vô đối. Mấy ngày mưa mà ngồi ăn món này với cơm nóng hổi kèm rau sống, ôi chu choa, mới thấy ngon thiệt là ngon. Một chút cay, một chút ngọt, một chút mặn kèm một chút đắng khi ăn vào sẽ khiến mấy cô, mấy cậu nhớ hoài cái món nhà nghèo nhưng hương vị đậm đà, ấm lòng ấm dạ này trong một ngày mưa giông.
9/. Tính dừng nơi đây nhưng chợt nhớ trên đường tới xứ “xa mút tí tè” của Qua cũng tranh thủ giới thiệu luônđặc sản của vùng sông nước này : Bún cá và bún riêu !.
- Bún riêu Long Xuyên ngon “nghiêng trời đất” với chả cá thác lác mà mấy miền khác không có bán kèm.
Mỹ Nhàn post
Mời các YAMAHAM đọc tin vừa nhặt được trên Net.
Đúng là dân Việt Nam vừa hèn vừa ngu.doc
Trần Văn Tư post
- Liên Khúc Tháng Sáu Trời Mưa
http://www.youtube.com/watch?v=Ev_O9L_Z3AU&feature=em-share_video_user
- Những ca khúc hay nhất của nhạc sĩ Đức Huy
http://www.youtube.com/playlist?list=PLfe9JTtbGcgXosdvQ5j4UDiFUVDjdn8_N
Yên Nhàn post
Filed under: Bản tin phụ Tagged: TIN CHS.HNC, Tin tức
2015-01-31 11:00:10
Nguồn: https://clbhongoccan2013.wordpress.com/2013/09/27/ban-tin-phu-so-39-27027913/