Kho tàng Văn Hóa Việt Nam có ghi lại nhiều bài học hiếu thảo đáng làm gương sáng cho hậu thế.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép chuyện vua Lê Thánh Tông như sau:
“Khi Hoàng thái hậu chưa băng, mùa đông, vua cùng Hoàng thái tử ngày đêm chăm sóc, không lúc nào rời bên cạnh. Khi dâng thuốc thang hay thức ăn uống, vua nhất định tự mình nếm trước; trong thì kêu với tổ tiên, ngoài thì dốc lòng cầu khẩn, không thần nào là không khấn. Đến khi hấp hối cũng tự kêu gào, Thái hậu còn nhếch mép một chút, muốn nói để từ giã. Mọi việc mặc áo, khâm liệm, bỏ gạo vào miệng người chết, vua đều tự làm lấy cả để tỏ lòng đau xót.”[1]
Việt Nam Sử Lược có ghi chép chuyện về vua Tự Đức: Suốt 36 năm, cứ ngày lẻ thì ngự triều, ngày chẵn thì đến thăm mẹ là Phạm Thị Hằng (Từ Dũ), những điều mẹ dậy vua đều ghi chép cẩn thận vào “Từ Huấn Lục”. Có lần do mải mê đi săn bị mưa lụt về trễ vào ngày kỵ của vua cha là Thiệu Trị, thấy mình phạm lỗi nên ông nằm ra, đặt chiếc roi lên mâm son để chờ Hoàng thái hậu Từ Dũ trừng phạt.[2]
Trong kho tàng Văn chương Bình dân Việt Nam, Ca Dao về đạo hiếu rất phong phú.
Người con trai chấp nhận rời bỏ tình riêng để chiều ý cha mẹ vì anh tin chắc đó là hành động đúng theo những gì anh được dạy bảo và những chuẩn mức đạo đức do xã hội lập ra:
“Làm trai nết đủ trăm đường
“Trước tiên điều Hiếu đạo thường xưa nay…”
Còn nữ giới thì luôn tự nhắc nhở mình:
“Công sinh dục bằng công tạo hóa
Có cha mẹ, sau mới có chồng
Em nhớ khi dìu dắt ẵm bồng
Nay em lao khổ não nùng, không than.
Hình ảnh song thân luôn luôn ghi khắc trong lòng:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Sau đây là loạt bài “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trăm điều Thiện, chữ Hiếu đứng đầu), do BBT Việt Đại Kỷ Nguyên sưu tầm những câu chuyện về guơng hiếu thảo. Vì văn chương đạo lý không có ranh giới quốc gia, chủng tộc, các câu chuyện sẽ không giới hạn chỉ trong Văn hoá Viêt nam mà thôi.
Con hiếu thảo chân trần gánh cha mẹ đi dằng dặng 216 cây số.
Lòng Hiếu Thảo của Sanjay làm cho chúng ta chạnh lòng hướng về đấng sinh thành.
Trong cuộc sống hiện đại, khi nỗi lo vật chất trở nên bộn bề, những câu chuyện gia đình về tình mẫu – phụ tử mà người ta kể cho nhau dường như thưa dần so với thông tin về sự gia tăng của tội phạm trong gia đình. Bài đăng này đã được truyền thông Ấn độ phổ biến, kể lại một câu chuyện đã và đang xảy ra tại Ấn Độ khiến cả thế giới phải cảm động, chuyện về một người con hiếu thảo đã gánh cha mẹ trên đôi vai gầy của mình để mong đấng sinh thành được toại nguyện tắm nước thánh trên sông Hằng.
Hành trình gánh cha mẹ đi bộ trên con đường 216 cây số đầy sỏi đá từ Ghaziabad đến thủ đô Deli của đứa con ngoan mang tên Sanjay Kumar đã khiến những người dân nơi mà 3 con người trong một gia đình đi qua rơi nước mắt, khiến cảnh sát của một huyện đã phải tập hợp lực lượng để làm nghi thức chào đón họ.
Sanjay Kumar năm nay đã 42 tuổi, là con trai duy nhất của ông bà Lala Ram và Savitri Devi. Họ sống với nhau trong một khu phố nhỏ trong khu vực Quốc lộ 58 tại thành phố Ghaziabad, Ấn Độ cho đến khi Sanjay kết hôn và tách ra ở riêng tại khu Seelampur, thành phố Deli. Ngay từ khi còn nhỏ, Sanjay vốn nổi tiếng là một đứa bé ngoan, vâng lời cha mẹ và chăm chỉ học hành. Những bậc cha mẹ sống trong khu vực Quốc lộ 58 luôn lấy Sanjay làm tấm gương cho con cái họ noi theo. Người ta đồn thổi rằng, năm Sanjay 14 tuổi, khi mẹ anh phải nằm liệt giường sau một vụ tai nạn nặng, còn cha anh phải đi làm xa thì đứa con trai đang tuổi ăn tuổi chơi lúc nào cũng ở bên cạnh đọc truyện và hát để mẹ được ngủ ngon. Sanjay còn làm tất cả các công việc lau rửa cho mẹ, giúp mẹ đi vệ sinh khi bà không thể cử động được, một công việc mà không phải đứa trẻ mới lớn nào cũng ý thức và làm được. Tình thương cha mẹ của Sanjay đã khiến cả dân làng thực sự ngưỡng mộ ông bà Lala Ram vì đã sinh được một đứa con trai vừa ngoan ngoãn, khỏe mạnh như thế.
Năm nay ông Lala Ram đã 97 tuổi, còn bà Savitri Devi 92 tuổi. Dường như chính bởi niềm hạnh phúc vì sinh hạ được một đứa con ngoan như Sanjay nên dù tuổi đã cao, ông bà lúc nào cũng cười móm mém, đôi mắt ánh lên niềm vui và sự mãn nguyện về cuộc sống hiện tại. “Lúc tôi nghe con trai nói về mong muốn sẽ gánh chúng tôi từ Ghaziabad đến nhà nó ở thành phố Deli đi về phía Tây Nam, trên đường đi sẽ ghé qua sông Hằng để cho chúng tôi được thỏa ước nguyện, tôi đã bảo nó là đừng làm việc này và thậm chí là mắng nó. Vì đó là cả 1 quãng đường dài những hơn 200 cây số, nó sẽ sụn lưng mất” – bà Savitri Devi chia sẻ một cách thật lòng với tạp chí Hindustan Times của Ấn Độ. Còn ông Lala Ram thì cười hạnh phúc, bộ râu trắng như cước của ông thỉnh thoảng rung lên vì xúc động: “Khi nghe chúng tôi từ chối, thằng con trai bé bỏng của tôi còn quỳ xuống xin phép tôi và bà ấy hãy để nó thực hiện phận làm con của mình. Chúng tôi chẳng còn biết nói gì với thằng bé vào lúc đó cả, bà nhà tôi đã khóc vì quá xúc động, còn mắt thì cay cay, tôi cứ vỗ vỗ vào vai nó…”
Sanjay là một thợ điện bình thường như bao nhiêu người lao động khác ở Ấn Độ, thế nhưng tình yêu của anh đối với cha mẹ thực sự khiến người ta ngưỡng mộ. Sanjay nói rằng: “Nhiều người trẻ không hiểu hết được ý nghĩa của cha mẹ trong cuộc đời chúng, một số trẻ em còn cãi lại và đánh lại cha mẹ khi chúng mắc lỗi và bị cha mẹ mắng. Nhưng đối với tôi, cha mẹ là chúa, con cảm ơn người vì đã mang nặng đẻ đau, sinh thành và dưỡng dục con thành người. Cả cuộc đời này, tôi nguyện sẽ chăm sóc và phụng dưỡng đấng sinh thành.”. Sanjay nói rằng, dù anh có gánh cha mẹ đi hàng ngàn cây số nữa, cũng không thể bằng công lao mà cha mẹ đã chăm sóc anh trong suốt những năm qua. Sanjay thực sự muốn tỏ lòng thành kính với cha mẹ vì đã sinh ra anh trên cõi đời này.
Niềm ao ước được tắm trên sông Hằng là mong muốn cháy bỏng của tất cả những ai là người Ấn Độ, người ta tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng nước sông Hằng có thể giúp họ rửa sạch mọi lỗi lầm, mang lại hạnh phúc, sức mạnh vô song cho con người. Cha mẹ Sanjay cũng có một ước muốn giản dị như thế, cả cuộc đời vất vả, lại thêm đường xá xa xôi, ông bà vẫn chưa có dịp đi và mang nước thánh thiêng liêng về nhà. Hiểu lòng cha mẹ, Sanjay đã xin nghỉ việc một thời gian để gánh cha mẹ đi thực hiện niềm mong mỏi ấy.
Hành trình gánh cha mẹ suốt 216 cây số
Con đường đến với ngọn nguồn sông Hằng xa xôi và cực nhọc lắm. Thế nhưng Sanjay đã chẳng quản trèo đèo lội suối gánh cha mẹ trên vai để đến tận ngọn nguồn sông ở một làng nhỏ thuộc huyện Gác-rơ-van bên sườn phía Nam rặng Hi-ma-lay-a. Anh còn mang theo cả những bình đồng để cha mẹ tận tay múc nước thiêng về thờ cúng. “Khi đến sông Hằng, tôi sẽ rắc hoa tươi xuống dòng nước thần kì để cha mẹ ngâm mình, mọi điều tốt lành nhất thế gian này sẽ đến với người” – Sanjay bày tỏ. Để cha mẹ ngồi được thoải mái, Sanjay còn cẩn thận mua thứ nệm tốt nhất vùng. Bao nhiêu hành trang cần phải mang theo anh đều đã tính kĩ để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cha mẹ: áo mưa, ô che nắng, và thuốc thang… Sanjay thậm chí còn tết những đóa hoa để gắn vào mỗi bên quanh gánh mà cha mẹ anh ngồi. Trên cổ Sanjay luôn vắt 1 chiếc khăn để anh thấm những giọt mồ hôi giữa thời tiết nắng gắt của Ấn Độ.
Tin đồn Sanjay gánh cha mẹ đi đến sông Hằng nhanh chóng lan rộng ra khắp làng này đến làng khác trong vùng Ghaziabad và đất nước Ấn Độ. Người ta gọi hành trình của anh bằng một cái tên trìu mến ‘Kanwar’ với nghĩa trong tiếng Anh là “sự chào đón những điều mới mẻ”. Trong hành trình của lòng hiếu thảo ấy, mỗi ngày Sanjay gánh cha mẹ đi 25 đến 30 cây số trên vai. “Tổng số cân nặng của tôi và ông nhà tôi là 115 ki – lô – gam. Đôi vai trần và cổ Sanjay đã chi chít những vết chầy xước và bắt đầu chai sạn rồi. Ôi con trai tôi!” – bà Savitri Devi cứ xót xa nói với những người dân mỗi khi họ dừng chân xuống vệ đường nghỉ. Con đường Sanjay đi qua biết bao sỏi đá, biết bao nắng mưa, nhưng người con tôn thờ cha mẹ như chúa, người con coi cha mẹ như mạng sống của mình chẳng bao giờ chùn bước.
Mỗi ngày của cuộc hành trình ‘Kanwar’, Sanjay dừng lại bên vệ đường để cha mẹ ăn uống và sau đó là rửa ráy, tắm giặt. Mỗi lúc ấy, anh đều quỳ xuống bóp chân cho cha mẹ rồi sau đó đọc kinh ban phước lành cho cha mẹ, và ngược lại, anh cũng nhận được những lời chúc phúc từ đấng sinh thành.
Gia đình Sanjay đi đến đâu cũng nhận được những lời chúc từ những người dân sống xung quanh. Bất kể những người giàu hay người nghèo, vì cảm kích tấm lòng của Sanjay, ai cũng mang tiền biếu ông bà Savitri Devi và quyên góp cho Sanjay để anh hoàn thành được ước nguyện báo đáp chữ hiếu. Những người dân Ấn Độ cũng tin rằng, nhận được lời ban phước từ gia đình Sanjay là một điều may mắn. Đó là đức tin cho hạnh phúc gia đình, cho tình yêu thương viên mãn tròn đầy.
Khi họ đi đến trung tâm thành phố Ghaziabad, các quan chức cảnh sát cấp cao đã tập hợp toàn bộ lực lượng của họ để làm nghi thức chào đón gia đình Sanjay. Ông bà Savitri Devi chỉ biết chắp tay cầu nguyện trong hạnh phúc trước hàng trăm chiến sỹ cảnh sát Ghaziabad.
Sanjay đã kết hôn, thế nhưng vợ anh lại không muốn sống chung với cha mẹ chồng tại ngôi nhà ở Ghaziabad vì cô sợ mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu quá phức tạp. Và để chiều lòng vợ, anh đã chuyển đến sống tại ngôi nhà ở thành phố Deli cùng với cô. Trong suốt quãng thời gian ấy, anh đã thuyết phục vợ để cha mẹ sống cùng hai vợ chồng, để anh được phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. Tấm lòng hiếu thảo của Sanjay đã thuyết phục được vợ anh. Và cô đã ủng hộ anh kế hoạch đón cha mẹ từ quê hương đến nhà mình.
“Hành trình Sanjay gánh cha mẹ đi suốt 216 cây số để tắm nước sông Hằng ở Ấn Độ gợi cho người ta nhớ đến tích anh hùng Lương Sơn Bạc mang tên Lý Quỳ trong tiểu thuyết “Thủy Hử” của Thi Nại Am (Trung Quốc) thương mẫu thân, giết bốn hổ, cõng mẹ qua núi. Những câu chuyện ấy làm rung chuyển núi Thái ấy sẽ mãi mãi khắc sâu vào trong tâm trí con người mọi thời đại”.
Hà Giang
Chú thích:
[1] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ thực lục, quyển XIII, kỷ nhà Lê, Viện Khoa Học Xã Hội, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998, tr. 514
[2]Việt Nam sử lược, Chương V, trang 194, Trung tâm học liệu Bộ giáo dục VNCH in lần thứ nhất vào năm 1971