Ở nơi cách vị trí máy bay Airbus A320 của Đức gặp nạn ngày 24/3/2015 chỉ vài km, 62 năm trước đây đã từng xảy ra một vụ tai nạn máy bay có nhiều chi tiết tương đồng với vụ rơi máy bay vừa xảy ra.
Máy bay rơi khi chưa đến trạm tiếp nhiên liệu
Vào khoảng 23h30 ngày 1/9/1953, chiếc máy bay Lockheed L-749A Constellation (số đăng ký F-BAZZ) và mang số hiệu 178 của hãng hàng không Air France chở 33 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn đang trên hành trình từ Paris (Pháp) tới Sài Gòn (Việt Nam) đã bị rơi ở giữa đỉnh Le Cimet với độ cao 3.020m trên dãy Alps tại tỉnh Thượng Alps. Và như vậy, vị trí rơi của chiếc máy bay Constellation của Pháp năm xưa chỉ cách địa điểm rơi của máy bay Airbus A320 của Đức chừng vài km.
Người thân các nạn nhân trong vụ máy bay Airbus A320 đau khổ, vật vã.
Điểm tương đồng dễ nhận thấy khác là cả hai máy bay đều rơi không lâu sau khi xuất phát và chưa đến được trạm tiếp nhiên liệu đầu tiên. Máy bay Constellation cất cánh tại sân bay Orly (Pháp) vào lúc 22h và dự định sẽ tới thành phố Nice để tiếp nhiên liệu vào lúc 23h55. Nhưng vào lúc 23h25, máy bay được yêu cầu hạ độ cao từ 4145m xuống còn 3505m để tránh bão. Và vào khoảng 23h30, người dân ở làng Four-St Laurent nhìn thấy máy bay đâm vào vách núi Mont Le Climet, bốc cháy. Máy bay chưa đến được chặng tiếp nhiên liệu đầu tiên. Tương tự, máy bay Airbus A320 của Đức mới rơi ngày 24/3 cũng rơi sau khi xuất phát khoảng 50 phút. Chiếc máy bay này cũng chưa tới được trạm tiếp nhiên liệu ở thành phố Nice.
Trước khi xảy ra tai nạn, cả hai máy bay đều bay ở độ cao không đảm bảo. Trước khi rơi máy bay Constellation bay ở độ cao chỉ khoảng 3.000m. Còn với máy bay Airbus A320 thì độ cao khi chuẩn bị gặp nạn còn thấp hơn. “Một cuộc gọi cầu cứu đã được ghi nhận lúc 10h47 (giờ địa phương, tức khoảng 52 phút sau khi cất cánh). Tín hiệu cầu cứu nhận được cho thấy máy bay khi đó đang ở độ cao khoảng 1.524m và ở trong một trường hợp bất thường”, ông Vidalies, Bộ trưởng Giao thông Pháp cho biết. Khi bay ở độ cao thấp như vậy qua vùng đồi núi, phi công của cả hai máy bay đều phải dùng đến hình thức lái thủ công chứ không để ở chế độ lái tự động được nữa. Theo lời kể của Sebastien Giroud, chủ một xưởng gỗ ở Prads – Haute – Bleones, anh đã thoáng nhìn thấy máy bay trong khoảng 2 tới 3 giây khi nó đang chao đảo lúc bay qua ngôi làng. Anh cho hay: “Máy bay ở tầm rất thấp, chỉ từ khoảng 1.500m đến 2.000m và có vẻ như nó đang rơi. Tôi tự nhủ với bản thân mình rằng “Máy bay chắc sẽ không bay qua nổi đỉnh núi”.
Nhiều nghệ sỹ thiệt mạng
Ở cả hai vụ tai nạn máy bay, không có hành khách hay thành viên phi hành đoàn nào còn sống sót. Chuyến bay mang số hiệu 178 của hãng hàng không Pháp gặp nạn ngày 1/9/1953 đã khiến cả 42 người bao gồm 9 thành viên phi hành đoàn và 33 hành khách thiệt mạng. Còn với vụ tai nạn của Airbus A320, toàn bộ 150 người có mặt trên chuyến bay đã thiệt mạng.
Và trong số các hành khách có mặt trên chuyến bay 62 năm trước, có nhạc sỹ Violin nổi tiếng người Pháp, Jacques Thibaud, lúc đó đã 73 tuổi. Có mặt trên chuyến bay định mệnh năm đó cùng ông còn có cô con dâu và một người đồng nghiệp của ông. Ngoài ra, nhà soạn nhạc René Herbin cũng có mặt trên chuyến bay này. Còn trong số những hành khách có mặt trên chuyến bay xấu số 4U9525 vừa xảy ra có nghệ sỹ nổi tiếng đến từ nhà hát Dusseldory của Đức, ông Oleg Bryjak (54 tuổi). Nam ca sỹ này đã quay trở về quê hương sau khi biểu diễn rất thành công ở Barcelona. Bà Maria Radner, vợ nghệ sỹ Oleg Bryjak cũng có mặt trên chuyến bay cùng chồng. Và một trong hai người con của cặp vợ chồng này cũng có mặt trên chuyến bay định mệnh.
Đào Vũ-Văn Thiệu (Theo CNN, Dailymail, Telegraph)
2015-03-27 05:08:07
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/chuyen-bay-dinh-menh-va-su-trung-hop-ky-la-a180328.html