Ông chủ hãng phế liệu Bonnie’s Car Crushers đã kiếm được một mối kinh doanh lớn sau khi nhận lời thu gom ‘dàn’ xe ô tô bị phá hủy trong quá trình quay bộ phim tốc độ Fast and Furious 7.
Trong quá trình quay series phim Fast and Furious, bộ phận sản xuất phim đã phá hàng trăm chiếc xe hơi cho mỗi phần và riêng ‘Fast and Furious 7′ số lượng xe lên đến hơn 230 chiếc trong đó có vài chiếc Mercedes màu đen, một chiếc Ford Crown Victoria và một Mitsubishi Montero.
Sau khi nhận được lời đề nghị “xử lý” số xe đã thành phế thải từ bộ phim, Jansen – người sở hữu công ty Bonnie’s Car Crushers đã nhận lời không chút ngập ngừng.
Bonnie’s Car Crushers là một hãng chuyên thu mua xe phế thải
Theo thông tin trên website chính thức của Bonnie’s Car Crushers (bonniescarcrushers.com), công ty này ở phía Nam của Colorado, chuyên thu gom, xử lý phế liệu kim loại. Trong 25 năm qua, công ty luôn hoạt động theo tiêu chí tái chế thân thiện với môi trường trong khi vẫn đưa ra khung giá mua hấp dẫn nhất.
Jansen cùng đội trợ lý đã mất vài ngày để kéo những chiếc xe hỏng lên xe tải và đưa đi. Các nhà làm phim dặn đi dặn lại Jansen rằng phải nghiền nát toàn bộ những chiếc xe, để ngăn không cho bất kỳ ai mua chúng về phục chế.
“Thật bất thường khi thấy một số mẫu xe Mercedes-Benzes đời mới bị hư hỏng nặng, gần như chẳng thể phục hồi được nữa” – Jansen kể.
Nhân viên của hãng bên cạnh những chiếc xe bị phá hủy trong bộ phim Fast and Furious 7
Theo WSJ, trong phần 6 (sản xuất vào năm 2013) có cảnh một chiếc xe tăng lao ra từ chiếc xe tải quân sự và đè bẹp một loạt ôtô trên đường cao tốc ở đảo Tenerife, Tây Ban Nha. Các nhà làm phim cũng đã hợp tác với những người thu mua phế liệu địa phương và các đại lý bán xe đã qua sử dụng. “Chúng tôi phá 25 chiếc mỗi ngày, họ đến vào ban đêm, lấy chúng đi và đưa đến 25 chiếc khác. Đó là một quá trình khép kín, với rất nhiều xe tải và xe kéo”, một thành viên đoàn làm phim kể lại.
Video tham khảo:
Furious 7 – Official Trailer
Trước đây giới sản xuất phim thường thu xếp để những chiếc xe từng tham gia đóng phim được kéo về bãi rác, sau đó họ sẽ chẳng quan tâm tới chiếc xe đó nữa. Thế nhưng nhiều xe đã “không cánh mà bay” khỏi bãi rác.
Đây là điều đã xảy ra với những chiếc Mustang mà Steve McQueen cầm lái trong phim Bullitt (1968), một trong những chiếc Mustang này được sử dụng chủ yếu trong các cảnh quay tốc độ cao và không hề bị lật, đã rơi vào tay giới sưu tầm.
Khi các bộ phim có cảnh đuổi xe chuyển dần từ quy mô nhỏ lẻ sang “bom tấn” trị giá nhiều triệu đô la, các nhà sản xuất xe cho Hollywood đã siết chặt chính sách hủy bỏ xe hư hỏng vì chẳng ai muốn bị kiện, chỉ bởi một fan phục hồi chiếc xe đã hư hại và gặp tai nạn với nó.
Kiều Hương
2015-04-03 19:32:24