Sau khi NHNN mua lại bắt buộc OceanBank với giá 0 đồng, 800 tỷ PVN đầu tư đã chính thức “mất trắng”. Câu hỏi đặt ra, ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự mất mát này?
Ngày 25/4, tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 của Ngân hàng Oceanbank, với lý do bị tổn thất tài chính nặng nề, trong khi không có các giải pháp khả thi để tăng vốn điều lệ đảm bảo mức vốn pháp định theo yêu cầu nên NHNN mua bắt buộc ngân hàng này với giá 0 đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, quyền lợi của tất cả các cổ đông hiện hữu sẽ bị chấm dứt hoàn toàn.
Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc để “mất trắng” hàng ngàn tỷ đồng của các cổ đông?
Theo thống kê, trước thời điểm bị mua lại 0 đồng, OceanBank có vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu 20% vốn, tương đương 800 tỷ đồng; Tập đoàn Đại Dương (OGC) sở và Công ty TNHH VNT là 2 cổ đông lớn tiếp theo cùng sở hữu 20% vốn. Như vậy, sau khi “về tay” NHNN với giá 0 đồng, 2.400 tỷ đồng của 3 cổ đông lớn nhất này sẽ “tan thành cát bụi”.
Ai sẽ chịu trách nhiệm khi 800 tỷ của PVN bị “mất trắng”?
Về phía OGC và VNT, là doanh nghiệp tư nhân lên 2 cổ đông này sẽ phải hạch toán khoản mất vốn ở OceanBank vào báo cáo tài chính gần nhất. Câu chuyện “được ăn, thua chịu” trong đầu tư làm ăn là điều hoàn toàn bình thường.
Còn với PVN, vấn đề lại cần được nhìn nhận ở góc độ khác. Bởi đây là một doanh nghiệp Nhà nước, khi để “mất trắng” vốn trong quá trình đâu tư ngoài ngành đồng nghĩa với việc để thất thoát tài sản Nhà nước. Câu hỏi đầu tiên đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự thua lỗ này.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia khẳng định: “Mặc dù việc góp cổ phần theo hưởng lời ăn lỗ chịu nhưng chắc chắn lãnh đạo của PVN sẽ phải chịu trách nhiệm với Nhà nước. Việc lấy vốn của Nhà nước đầu tư không hiệu quả thì phải chịu trách nhiệm hoặc là hình sự hoặc phải bồi thường. Việc này cơ quan chủ quản sẽ quyết định dựa trên kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán”.
Theo TS. Kiêm, khoản đầu tư này của PVN cần phải được làm rõ hai vấn đề: Đó là PVN dùng tiền nào để đầu tư và việc đầu tư này có được phép không. Nếu không được phép mà PVN vẫn quyết định đầu tư thì cần phải quy trách nhiệm cho những người ký quyết định này.
Một điều dễ nhận thấy rằng, PetroVietnam là một trong những doanh nghiệp quy mô hàng đầu quốc gia, việc mất 800 tỉ đồng có lẽ sẽ không ảnh hưởng nhiều tới với vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận và số nộp ngân sách hàng năm của tập đoàn.
Tuy nhiên, cái quan trọng không phải là con số nhiều hay ít. Một “trụ cột” chi phối trực tiếp tới nền kinh tế quốc gia như PVN lại có thể “đổ” tiền đầu tư vào một lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như ngân hàng, hơn thế lại là một ngân hàng yếu kém với hàng loạt tai tiếng trong hoạt động quản trị (nhiều lãnh đạo cấp cao của Oceanbank dính vòng lao lý). Oceanbank có những “dấu hiệu” đi xuống từ khá lâu, nếu PVN kịp thời thoái vốn từ trước đó, sẽ không có chuyện “tay trắng trở về” như hiện nay. Vậy vấn đề ở đây nằm ở trình độ quản trị của doanh nghiệp.
Nói về trách nhiệm của PVN trong việc để “mất trắng” 800 tỷ, TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ngoài ngành mà bị mất hết vốn thì công việc trước hết cần phải xác định họ lấy vốn từ đầu: vốn ngân sách Nhà nước, vốn vay hay vốn huy động từ các nguồn.
“Nếu PVN nhận vốn Nhà nước mà kinh doanh lỗ thì phải chịu trách nhiệm và xử theo Quyết định 924/QĐ-TTg (ngày 18/6/2010) và Nghị định 143/NĐ-TTg (ngày 31/10/2013)”, ông Kiên nhấn mạnh.
Theo Quyết định 924 này, Tập đoàn PVN là công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Theo Điều 59, Mục 3 của Nghị định 143, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc trong việc điều hành và quản lý PVN. Trong đó, điểm 4, điều 59, Mục 3 quy định “Khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV và tổng giám đốc PVN không được thưởng, không được nâng lương và bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ vị phạm: Để PVN lỗ; Để mất vốn nhà nước; Quyết định dự án đầu tư không hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư, không trả được nợ; Để xảy ra các sai phạm về quản lý vốn, tài sản, về chế độ kế toán, kiểm toán và các chế độ khác do Nhà nước quy định. |
Văn Nguyễn
2015-05-03 15:56:14
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/ai-chiu-trach-nhiem-khi-pvn-mat-von-tai-oceanbank-a186739.html