Vấn đề chủ quyền là rào cản đầu tiên cần phải vượt qua. Việc không đồng thuận giữa các nước như Campuchia, Lào hay Thái Lan không có lợi ích trực tiếp tại Biển Đông là rào cản lớn.
Đầu tháng 3/2015, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Đô đốc Robert Thomas phát biểu tại triển lãm quốc tế Langkawi rằng các nước Đông Nam Á nên tăng cường phối hợp với nhau liên quan tới các vấn đề an ninh biển mà vẫn đảm bảo tôn trọng chủ quyền biển của nhau. Ông cũng nói rằng “nếu các nước ASEAN dẫn đầu trong một nỗ lực như vậy, Hạm đội 7 sẽ sẵn sàng hỗ trợ”.
Mỹ không phải là cường quốc duy nhất ủng hộ các hoạt động tuần tra đa phương cùng một lực lượng hải quân chung tại Biển Đông. Nhật Bản gần đây cũng đã để ngỏ khả năng tham gia vào các hoạt động tuần tra chung trên không với Mỹ tại Biển Đông.
Khuôn khổ hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật mới cũng đã cho phép Tokyo hỗ trợ Washington tại những điểm nóng toàn cầu dưới danh nghĩa phòng vệ tập thể. Ngoài Nhật Bản, Ấn Độ cũng đang là đối tác chiến lược của Việt Nam và cũng đang thúc đẩy chính sách hướng Đông. Đây chính là yếu tố bên ngoài thuận lợi, giúp tạo dựng một dạng “liên minh bên trong liên minh” vốn là sự tập hợp của các quốc gia có cùng lợi ích.
Tính đa phương của hợp tác biển cũng đã được một số nước ASEAN lưu ý. Ý tưởng về một “lực lượng gìn giữ hoà bình chung” của ASEAN đã được Malaysia đề xuất cách đây 2 tháng. Sáng kiến này được Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia đưa ra trước chuyến thăm tới Việt Nam. Indonesia vào năm 2011 đã đề xuất với Trung Quốc về một khả năng tuần tra chung tại Biển Đông để ngăn chặn đánh bắt cá trái phép.
Đối với Việt Nam và Philippines, bản dự thảo đối tác chiến lược được thông tin gần đây cho thấy hai nước sẽ bắt đầu tiến hành tuần tra chung và tập trận chung ở Biển Đông.
Các yếu tố thúc đẩy hợp tác biển đa phương đã xuất hiện, tuy nhiên vẫn chỉ ở mức độ song phương ban đầu giữa các quốc gia có lợi ích chung. Việt Nam, Philippines, Malaysia hay Indonesia vì thế nên xem xét hợp tác với nhau để thúc đẩy ý tưởng đa phương hoá về mặt hợp tác biển, ví dụ như hiện thực hoá sáng kiến tuần tra chung.
Tuy nhiên, liệu sáng kiến về một lực lượng hải quân chung với hoạt động tuần tra chung ở Biển Đông giữa các quốc gia ASEAN và với các đối tác bên ngoài có khả thi?
Hải quân Việt Nam được đánh giá cao về năng lực ở Đông Nam Á (ảnh minh họa)
Giải pháp nào cho Biển Đông
Biển Đông là vùng biển nhỏ và nông, lại là trung tâm của các tranh chấp biển của khu vực. Chính vì thế sự đồng thuận giữa các quốc gia mong muốn tham gia vào bất cứ một sáng kiến hợp tác biển nào có liên quan tới Biển Đông là quan trọng.
Vấn đề chủ quyền là rào cản đầu tiên cần phải vượt qua trong nội khối ASEAN. Việc không đồng thuận giữa các nước như Campuchia, Lào hay Thái Lan không có lợi ích trực tiếp tại Biển Đông và các nước trực tiếp bị ảnh hưởng từ chính sách Biển Đông ngày càng hung hăng và xác quyết hơn của Trung Quốc chính là rào cản lớn.
Nhưng quan trọng hơn, với các nước tại khu vực Đông Nam Á, xuất hiện một rào cản khác: đặt trọng tâm hợp tác bên trên vấn đề chủ quyền quốc gia đang là một việc nói dễ hơn làm. Các nước sẽ không sẵn sàng từ bỏ quyền chỉ huy và kiểm soát của riêng mình trong quá trình phối hợp, và điều này làm giảm tính hiệu quả của tuần tra chung.
Các hoạt động đóng góp khí tài cũng là một hạn chế khi không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng làm việc này do lợi ích khác nhau. Khả năng đóng góp không đồng đều dẫn tới trọng lượng tiếng nói trong phối hợp chung cũng không đồng đều, dễ dẫn tới rạn nứt.
Vì thế để thực thi sáng kiến này cần những bước đi nhỏ vả dễ làm hơn như thoả thuận cấm đánh bắt cá chung hay khai thác tài nguyên chung. Bên cạnh đó, tuần tra chung cần một sự hợp tác không chỉ giữa các nước ASEAN với nhau, mà còn với các đối tác bên ngoài khu vực.
Quá trình này đòi hỏi các quốc gia phải đặt yêu sách chủ quyền qua một bên, vốn là một điều kiện khó có thể đạt được trong hiện tại do chủ quyền là vấn đề nhạy cảm. Thậm chí ngay cả khai thác chung hay cấm đánh cá chung cũng là vấn đề gây chia rẽ cùng vì lý do trên.
Hải quân Mỹ
Cần nước mạnh có vai trò điều phối
Như vậy, nếu không đạt được đồng thuận từ các nước ASEAN trong một phạm vi ngắn hạn thì vai trò của điều phối chính là rất quan trọng. Một sáng kiến hợp tác chung cần một điều phối mạnh, có kinh nghiệm và có năng lực.
Việc Mỹ chủ động đưa lực lượng của mình vào Biển Đông, bỏ qua sự phản đối của Trung Quốc, tạo ra tiềm năng lớn cho sáng kiến hải quân chung. Hải quân Mỹ hoàn toàn có khả năng đóng vai trò như một “chất xúc tác” giúp kết nối hải quân các nước ASEAN lại với nhau, hình thành nên một lực lượng hỗn hợp.
Khả năng lãnh đạo và kinh nghiệm của Mỹ tạo ra lợi thế giúp ASEAN tránh được các bất lợi về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ gây ra thêm một số rào cản. Trung Quốc sẽ phản ứng một cách mạnh mẽ và quyết liệt, ngay cả trong trường hợp được mời vào một sáng kiến hải quân chung.
Tuy nhiên, để có thể tạo ra được một cơ chế tuần tra chung hiệu quả và đạt được lợi ích thông qua cơ chế đó, Việt Nam phải là người đi tiên phong. Tiên phong trong việc thuyết phục các nước ASEAN khác tham gia vào sáng kiến, cũng như là người tiên phong trong việc thiết lập cơ chế và lộ trình cụ thể nhằm tiến tới hiện thực hoá sáng kiến tuần tra chung.
Tàu hậu cần của Hải quân Việt Nam (ảnh minh họa)
Phải làm cho các nước thấy rõ được lợi ích của họ nằm trong chính hoạt động này: trước hết là đảm bảo an ninh an toàn hàng hải, nguồn lợi tài nguyên; sau đó là nâng cao năng lực biển và tăng cường hợp tác nội khối.
Còn với Trung Quốc? Xét tới việc mới nước này tham gia một lực lượng tuần tra chung, đối với ASEAN vừa có những điểm bất lợi lẫn có lợi. Thuyết phục được Bắc Kinh tham gia sẽ phần nào ràng buôc được nước này vào một cơ chế đa phương.
Nhưng đó là trong trường hợp các nước ASEAN phải là người đề ra luật chơi. Trong điều kiện Trung Quốc có thể áp đặt ý chí của mình lên quá trình hình thành lực lượng tuần tra chung (như đối với DOC), thì sáng kiến này coi như thất bại về mặt ý nghĩa.
Cùng với sức mạnh của mình, Trung Quốc sẽ giành quyền điều phối chính. Nếu Mỹ được chấp nhận như là một bên tham gia, thì việc liệu Trung Quốc đồng ý tham gia sáng kiến tuần tra chung hay không còn tuỳ thuộc vào quan điểm hiện tại của nước này đối với chính sách của Mỹ: hải quân Mỹ là mối đe doạ hay là một đối tượng để hợp tác tại biển Đông.
Hải quân Nhật Bản
Với Mỹ, một lực lượng hải quân hỗn hợp cũng sẽ góp phần gia tăng sự tín nhiệm của các nước nhỏ trong khu vực tới chính sách xoay trục, đồng thời qua đó tạo sự răn đe nhất định đối với các động thái đe dọa đến an ninh hàng hải.
Như đã đề cập, câu hỏi quan trọng nhất đặt ra là Bắc Kinh sẽ xem xét một hợp tác đó như thế nào: Một liên minh trên biển để “bao vây” Trung Quốc hay là một cách thức để thúc đẩy hợp tác “cùng thắng” trong tình thế tình hình Biển Đông đang căng thẳng?
Lẽ đó, đề xuất chỉ có thể khả thi nếu như cả Mỹ, Trung Quốc và ASEAN làm việc một cách nghiêm túc về mục tiêu, phạm vi, cách thức và vai trò của từng chủ thể trong tuần tra chung, tạo cân bằng giữa các lợi ích. Đó chắc chắn chưa phải là cách tiếp cận hoàn hảo nhất, nhưng ít nhất sẽ không gây ra những hiểu lầm đáng có mà mục tiêu ban đầu của hợp tác không mong muốn.
Theo Nghiên cứu Biển Đông
2015-06-06 18:24:27