Đa số doanh nghiệp Hàn Quốc tin rằng các FTA sẽ mang đến nhiều cơ hội để mở rộng và phát triển tại thị trường Việt Nam.
Dự án nhà máy sản xuất điện tử Haengsung Việt Nam với tổng mức đầu tư 100 triệu USD
Theo kết quả khảo sát từ Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), gần 300 doanh nghiệp (chiếm 49%) trong tổng số 540 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại 32 quốc gia có tốc độ tăng trường hàng năm hơn 3% trong 3 năm qua đều khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong năm 2015.
Lý do được các doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam là nhờ những cơ hội đang mở ra từ các thỏa thuận tự do hóa thương mại mà Việt Nam tham gia.
Ngay từ đầu năm 2015 đến nay nhiều dự án có quy mô và tầm cỡ đã được phía Hàn Quốc ký kết và đầu tư tại Việt Nam. Gần đây nhất là ba dự án, với tổng vốn tài trợ hơn 166 triệu USD : Dự án cải tạo nâng cấp QL18, cầu Vĩnh Thịnh và Dự án hệ thống giao thông thông minh cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương. Ngoài ra, những lĩnh vực khác như hàng không, hàng hải hợp tác giữa hai bên ngày càng phát triển.
Nổi bật nhất là Dự án xây nhà máy linh kiện điện tử tại Hải Phòng với tổng mức đầu tư 100 triệu USD. Dự án được phụ trách bởi Công ty trách nhiệm hữu hạn Haengsung Electronics Việt Nam 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc, dự kiến tháng 1/2017 nhà máy sẽ đi vào hoạt động ổn định.
Hiện phía Hàn Quốc đã thống nhất tài trợ vốn cho hai dự án, với số vốn khoảng 200 triệu USD (Dự án cải tạo cầu yếu trên các tuyến quốc lộ và Dự án cải tạo đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Bắc Nam).
Việt Nam mong muốn được phía Hàn Quốc đầu tư, tài trợ vốn cho các dự án như: Tân Vạn – Nhơn Trạch, khoảng 200 triệu USD; Dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, đoạn Tân Phú – Liên Khương 442 triệu USD.
Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây doanh nghiệp Hàn Quốc ồ ạt đầu tư vào Việt Nam. Bởi những điều khoản từ các FTA mở ra cánh cửa đầu tư hấp dẫn từ chính sách thuế quan cho đến mở rộng mặt hàng kích thích DN Hàn Quốc.
Đối với Hiệp định AKFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đổi với khoảng 86% tổng số dòng thuế vào năm 2018, 14 % tổng số dòng thuế còn lại sẽ giảm thuế về 5 % vào thời điểm cuối lộ trình ( 2021), và cắt giảm một phần thuế suất vào 2021 hoặc giữ nguyên thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN).
Từ năm 2015, Việt Nam xóa bỏ thuế quan đối với 7366 dòng thuế ( chiếm 77,6% tổng dòng thuế) tập trung vào một số sản phẩm thuộc các nhóm: sản phẩm nông nghiệp, máy móc thiết bị phụ tùng, dệt may, thủy sản, giấy, hóa chất, sản phẩm từ sắt thép và kim loại cơ bản…
Đến năm 2018, tổng số dòng thuế phải xóa bỏ thuế quan là 8184.
Lộ trình cắt giảm cuối cùng của Hiệp định AKFTA là năm 2021. Ngoài các dòng thuế đã được xóa bỏ thuế quan vào năm 2018, dự kiến khoảng 620 dòng thuế sẽ được giảm thuế về 5 %, tập trung vào các một số nhóm như điện tử , cơ khí, sắt thép và kim loại cơ bản, sản phẩm hóa dầu, phụ tùng máy móc…
Trên nền cam kết AKFTA thì Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam- Hàn Quốc (VKFTA) bổ sung thêm 265 mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc là 917 USD.
Danh mục này bao gồm các nhóm hàng như nguyên phụ liệu dệt, may; nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô…
Từ trước đến nay Việt Nam luôn là một thị trường tiềm năng được nhiều doanh nghiệp nước ngoài để ý tới, bên cạnh an ninh ổn định, thị trường tiêu thụ rộng lớn, giá thành nhân công rẻ thì việc các FTA được ký kết đã thổi thêm luồng gió mới hấp dẫn các nhà đầu tư, vấn đề thuế quan luôn là rào cản trong việc giao thương hợp tác giữa các quốc gia, một khi vấn đề này được tháo gỡ và tạo điều kiện tối đa thì việc các DN nước ngoài và đặc biệt là DN Hàn Quốc ồ ạt đầu tư vào nước ta cũng là điều dễ hiểu.
Hoàng Hà
2015-06-06 15:56:12
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-dn-han-lai-xem-viet-nam-la-thi-truong-dau-tu-hap-dan-a192727.html