Cơ quan thuộc chính phủ Anh cảnh báo nếu như một vụ nổ xảy ra trên bề mặt Mặt trời, nhân loại chỉ có 12 giờ trước khi phải đối mặt với siêu bão Mặt trời.
Theo Fox News, thông tin này mới được công bố bởi một cơ quan của chính phủ Anh (Bộ Doanh nghiệp, Đổi mới sáng tạo và Kỹ năng Vương quốc Anh).
Cảnh tượng nếu xảy ra sẽ trông giống như trong một bộ phim về ngày tận thế với những hiện tượng mất điện trên diện rộng, máy bay rơi, vệ tinh gián đoạn và tàu hỏa trật đường ray.
Tài liệu có tiêu đề “Thời tiết Vũ trụ và Chiến lược Chuẩn bị sẵn sàng” đã nhấn mạnh những khủng hoảng có thể xảy ra bởi kiểu thời tiết khó đoán định trong vũ trụ. Đáng chú ý nhất trong tài liệu là cảnh báo rằng, thế giới chỉ có 12 giờ đồng hồ trước khi siêu bão Mặt trời có thể đổ bộ lên Trái đất.
Kịch bản tồi tệ nhất trong vụ nổ siêu bão Mặt trời là việc giải phóng các bức xạ (CME). Những vụ nổ này dẫn đến hiện tượng phun trào nhật hoa (corona), đồng thời làm bùng phát các đám mây điện tích khổng lồ cực nóng vào không gian.
Những đám mây này cùng tia X-quang với cường độ cao xuyên qua lớp từ trường, tác động trực tiếp vào Trái đất.
Tài liệu viện dẫn sự kiện “Carrington 1859”, thời điểm xảy ra vụ nổ siêu bão Mặt trời. Trong khi chỉ có khoảng 1% khả năng sự kiện này lặp lại trong tương lai, nhân loại hiện chưa có khả năng chống đỡ trước những hiện tượng như vậy.
Cơ quan thuộc chính phủ Anh cũng cảnh báo rằng, rất khó để có thể dự báo trước những sự kiện này một cách chính xác.
12 giờ đồng hồ cảnh báo là không đủ thời gian để chuẩn bị sơ tán trong các khu vực đô thị lớn. Ngay cả khi sự kiện xảy ra, công nghệ hiện tại “cũng không thể giám sát những hệ quả sẽ xảy ra”.
Để chuẩn bị cho siêu bão Mặt trời, các quốc gia trên thế giới cần lên kế hoạch phản ứng nhanh, thiết kế các biện pháp bảo vệ, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ thông tin liên lạc và đưa ra cảnh báo rõ ràng đối với công chúng.
“Thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt lại nhân loại chưa cảnh giác với mối đe dọa này”, tài liệu cho biết. “Cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể giảm thiểu các hiệu ứng tiêu cực tại những khu vực dễ bị tác động nhất”.
Đăng Nguyễn
2015-07-31 07:56:23