“Những đứa trẻ bị ám ảnh mỗi đêm khi nhìn thấy cha mình chết ngay bên cạnh mà không thể bò tới chạm vào cha lần cuối vì chính nó cũng đang bị bom cưa cụt một chân”.
Chương trình phóng sự VTV Đặc biệt: Hành trình của sự sống và cái chết, lên sóng ngày 19/12 đã ra đời hoàn toàn không nằm trong dự định của ekip thực hiện chương trình, như cách nói của Nhà báo Lê Bình – Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24.
Trong một ngày Đông lạnh cuối năm, PV báo Người Đưa Tin đã có buổi nói chuyện với chị, nghe chị chia sẻ những cảm xúc về chuyến tác nghiệp có một không hai.
Ra đời hoàn toàn không nằm trong dự định
Chị có thể chia sẻ cho độc giả biết lý do mà chị cùng ekip chương trình lại thực hiện phóng sự này?
Chương trình này hoàn toàn không nằm trong dự định của chúng tôi. Khi bắt đầu xuất phát từ Việt Nam đi Trung Đông, mục đích của đoàn là thực hiện một trường đoạn trong Tạp chí kinh tế năm phát sóng vào ngày mùng 3 tết âm lịch.
Nhưng, khi sang đến bên đó, hòa vào dòng người di cư, chứng kiến sự cơ cực trong cuộc sống của những người dân tị nạn, nghe những câu chuyện họ kể thấy được sự tàn khốc của chiến tranh. Tôi đã quyết định làm, phải làm, không thể không làm.
Chính trong giây phút đó Hàng trình của sự sống và cái chết ra đời. Tới giờ nghĩ lại, tôi vẫn không thể tin được bởi chưa bao giờ, chưa ai làm chương trình VTV đặc biệt mà lại nhanh đến thế.
Từ khi quyết định bấm đến ngày lên sóng chưa đầy 20 ngày trong khi các chương trình khác chúng tôi phải chuẩn bị nhiều tháng, 1 năm, thậm chí nhiều năm.
Nhà báo Lê Bình trong buổi phỏng vấn với bác sĩ Không biên giới ở đảo Lesbos, Hy Lạp |
Ở nơi đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, chị có thể chia sẻ câu chuyện nào gây ám ảnh nhiều nhất đối với chị?
Hành trình của sự sống và cái chết là câu chuyện kể của những con người đặc biệt. Nó chứa đựng sự mong manh khủng khiếp của đời người, sự đầy ải mà con người phải chịu đựng.
Những cảnh sống mà có lẽ khó ai có thể tưởng tượng được, không thể tưởng tượng được, ở thế kỷ này vẫn còn những cảnh cơ cực đến vậy.
Tôi sinh ra trong những ngày đất nước hoàn bình thống nhất, nên tôi chỉ nghe nói về đất nước trong những ngày chiến tranh. Tôi cũng đã từng có những chuyến công tác lên vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Bản thân đã từng bật khóc khi chứng kiến cảnh nghèo khổ, đói rét của đồng bào mình. Những đứa trẻ như chiếc lá non nớt, ăn không đủ nhưng khát khao đi học.
Nhà báo Lê Bình tại hành trình chuyến tác nghiệp ở đảo Lesbos – địa ngục trần gian của người nhập cư |
Nhưng khi có mặt ở Trung đông, tận mắt chứng kiến sự tàn ác của chiến tranh. Những thân người bị hành hạ bởi đói rét, đứa trẻ không chỉ thiếu ăn, rét run trong nhiệt độ trên dưới 0 độ C chúng tôi không thể cầm lòng.
Những đứa trẻ bị ám ảnh mỗi đêm khi nhìn thấy cha mình chết ngay bên cạnh mà không thể bò tới chạm vào cha lần cuối vì chính nó cũng đang bị bom cưa cụt một chân. Và, đau đớn hơn, cái chân còn lại cũng tan nát vì vết đạn.
Những đứa trẻ nhìn thấy IS cắt đầu chú nó, những đứa trẻ lạc cha mất mẹ, trôi dạt trên biển. Hình ảnh những con người đưa cả gia đình vào một hành trình chết chóc, vì khao khát sống hay số phận con người chết tức tưởi vì những cái phao giả của bọn buôn người, những người chết không biết ai đã giết mình, những người chết khi tận mắt thấy lưỡi dao sắc nhọn đang cứa dần vào cổ.
Tôi đã được nghe và tôi đã thấy điều đó. Những câu chuyện đó ám ảnh tôi trong suốt hành trình và cả nhiều ngày sau đó.
“Chúng tôi có sứ mệnh phải kể những câu chuyện này”
Chị có thể thông tin cho độc giả về hành trình chuyến tác nghiệp, những khó khăn đoàn gặp phải khi thực hiện chuyến đi này?
Đây là một hành trình đầy khó khăn với anh chị em phóng viên VTV chúng tôi, nhưng cũng lại vô cùng thuận lợi. Chúng tôi đến một vùng đất mà hầu như chưa người Việt Nam nào đặt chân tới, chúng tôi không có ai gần gũi để chia sẻ kinh nghiệm.
Trước đó, tôi cùng các anh chị em trong ekip đã từng nghe các phóng viên chiến trường của CNN, France 24 chia sẻ kinh nghiệm hậu cần, chuẩn bị cho những chuyến đi như thế này.
Nhưng chúng tôi khác họ quá xa, điều kiện vật chất, con người, tài chính. Bản thân Đài Truyền hình Việt Nam không ngại chi tiền cho những chuyến tác nghiệp dài ngày, nhưng cơ chế tài chính bó buộc khiến chúng tôi cũng khá làm vất vả.
Chúng tôi tiếp xúc, tìm kiếm nhân vật phải tìm đúng người, có những chứng từ tài chính phù hợp với các quy định của Việt Nam.
Cái khó hơn “tiền” là khâu liên hệ và thuyết phục họ cho quay. Ở Li Băng, để vào quay 1 khu phố vừa bị đánh bom, chúng tôi phải có 4 giấy phép của chính phủ và chính quyền.
Nhưng rồi khi có mặt tại hiện trường, 4 cái giấy phép đó là vô hiệu bởi lẽ đó là khu tự trị của một nhóm người Hồi giáo. Chúng tôi đã phải thuyết phục hàng giờ với người đứng đầu của khu tự trị để họ cho phép tác nghiệp.
Ở những nơi không được phép quay, chúng tôi chỉ đi lướt qua như những người dân bình thường. Vậy mà Hữu Quảng, bạn quay phim vẫn ghi lại được những hình ảnh sinh động và chân thực nhất.
Và cái khó nhiều hơn của chúng tôi là thời gian, chỉ 12 ngày từ xây dựng ý tưởng, lên mạch kịch bản, đi quay, dựng hậu kỳ thô tại chỗ, bàn ý tưởng trường quay với các bạn đồ hoạ ở nhà.
12 ngày ở đó và 8 ngày sau đó, chúng tôi đã vắt kiệt sức mình để tác phẩm lên sóng đúng hẹn. Nhớ lại quãng thời gian đó, một ngày chúng tôi chỉ ngủ 3,4 tiếng, có những hôm chỉ 1 – 2 tiếng là phải di chuyển để bắt kịp chuyến bay hoặc bắt kịp đoàn người di cư.
Nói về vất vả này, những bạn đồ hoạ của chúng tôi thậm chí gần 3 ngày thức trắng, mỗi ngày chỉ ngủ chưa đầy 1 tiếng đồng hồ.
Tại sao chương trình này phải làm gấp rút như vậy, thưa chị?
Thực ra không ai gây áp lực cho tôi phải phát sóng ngày đó, thậm chí lãnh đạo Đài đã lùi thời gian phát sóng. Nhưng tôi muốn những câu chuyện thời sự ở điểm nóng của thế giới này phải được kể ngay, tôi không muốn chậm hơn những Đài lớn trên thế giới đang cùng tác nghiệp về tiến độ đưa tin, dù chỉ là vài bước. Và chúng tôi đã vắt sức để hoàn thành nó đúng hẹn với khán giả.
Cuộc trò chuyện với những đứa trẻ trong trại tị nạn Shatila, Libăng |
Chúng tôi đã vào những chỗ vừa bị đánh bom, những chỗ có băng đảng buôn bán ma tuý, bắt cóc tống tiền và giết người, những chỗ mà người dân địa phương nói là nguy hiểm nhất.
Chúng tôi sẽ còn kể những câu chuyện hậu trường tác nghiệp trong phần 2 của chương trình sẽ phát sóng đầu năm 2016. Tôi muốn chuyển tải tới khán giả nhưng thông điệp mà phần 1 chưa truyền tải hết.
Nghe những khó khăn chị vừa chị sẻ, càng thấy được sự vất vả của cả ekip khi cho ra đời một phóng sự đặc biệt, lấy đi nhiều nước mắt của người xem. Chị có thể chia sẻ ngoài những khó khăn đó thì thuận lợi chuyến đi này là gì?
Về thuận lợi, có lẽ thuận lợi nhất là tôi đang “sở hữu” những con người rất giỏi, đầy nhiệt huyết và lăn xả. Các PV đã chuẩn bị cho chuyến đi này rất kỹ lưỡng, liên hệ cụ thể, sắp xếp lộ trình khoa học và đặc biệt là rất giỏi thuyết phục.
Quỳnh Anh và Vân Anh và hai bạn làm ở mảng quốc tế của VTV24, các bạn ấy đã gõ những cánh cửa khó mở nhất. Tất cả những mong muốn của chúng tôi gần như đã được thực hiện ngoài mong đợi, chỉ duy nhất cuộc phỏng vấn với Tổng Thống Syria là chưa thực hiện được, dù đã được cho phép đặt lịch hẹn.
Mọi việc diễn ra như đã được định sẵn, như có một vị thần may mắn luôn theo cùng sắp đặt và trao cho chúng tôi sứ mệnh phải kể những câu chuyện này.
Chị có thể chia sẻ cảm nhận của mình sau chuyến đi đặc biệt này?
Tôi chỉ muốn nói với mọi người suy nghĩ của mình sau chuyến đi này đó là: “Chiến tranh là sản phẩm tệ hại nhất của loài người”. Ai đó từng nói về chiến tranh đại ý là nó được điều khiển bởi những người biết nhau và không ra chiến trận.
Và nó khiến những người không biết nhau tàn sát nhau trên chiến trận. Sau chuyến đi này, tham sân si trong con người tôi ít đi một chút nữa. Tôi sẽ cố buông bỏ nhiều hơn.
Phương Anh