Mỗi ngày đón gần 200 lượt khách, với giá vé 15.000 đồng/khách, bà Hà Thị Sáu (50 tuổi, Hòa Bình – Kiến Xương – Thái Bình), chủ nhân “vườn táo các cụ”, thu xấp xỉ 3 triệu mỗi ngày.
Những ngày cao điểm vườn táo của bà Hà Thị Sáu thu hút khoảng 200 lượt khách mỗi ngày. Ảnh H.H |
Gần 10 năm trước, vợ chồng bà Hà Thị Sáu – ông Phùng Văn Dũng (52 tuổi, Hòa Bình – Kiến Xương – Thái Bình), chủ nhân “vườn táo các cụ” có một quyết định mang tính “lịch sử”: thay vì hái, mang từng bì táo ra chợ mặc cả thì bán vé cho khách vào thăm, ăn quả.
Gọi là “lịch sử” vì theo bà Sáu, quyết định này mang lại thu nhập cao hơn và đỡ vất vả hơn.
Thấy việc bán vé cho khách có thu nhập cao, dễ làm, bà Sáu bàn với chồng từng bước quy hoạch lại khu vườn. Nay, vườn cây đã phát triển ổn định. Mỗi ngày đón trên dưới 200 lượt khách đến tham quan, cắm trại tại vườn, giá vé 15.000 đồng/người, doanh thu đạt gần 100 triệu/tháng.
Mỗi vé 15.000 đồng, mỗi ngày bà Sáu thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Ảnh H.H |
Bà Sáu kể, toàn bộ khu vườn rộng hơn 3ha này trước là đất của hợp tác xã nông nghiệp, hai ông bà thuê lại từ năm 1996. Thời hạn thuê 50 năm, mỗi năm trả thuế gần chục tấn thóc. “Hợp tác xã giao cho các cụ về hưu trông nom nên có tên “vườn táo các cụ”, bà Hà Thị Sáu cắt nghĩa.
Ông Phùng Văn Dũng cho biết, khu vườn hiện có hơn 300 gốc táo, chủ yếu là táo chua, tuổi gần 40 năm.
Ngoài trồng táo, theo ông Dũng, khu vườn còn có nhiều loại cây khác nhau: quýt, bưởi… thậm chí cả hoa. Tuy nhiên, khách đến vườn chỉ được hái táo. Chủ vườn cũng yêu cầu khách ăn tại chỗ, nếu muốn hái mang về thì phải trả theo giá thị trường.
Ông Phùng Văn Dũng cho biết vườn táo chỉ mở cửa khoảng 3 tháng/năm. Ảnh H.H |
Ngày 2/1, theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, có khoảng 30-40 khách đang tham quan vườn táo. Bà Sáu cho biết, khách đến vườn chủ yếu là học sinh, thanh niên và gia đình.
Nhóm bạn trẻ trong đồng phục học sinh cấp 3 đang có mặt tại vườn cho biết họ đến từ sáng sớm, tranh thủ ngày nghỉ rủ nhau đến vui chơi, ăn táo và chụp ảnh. “15.000 mua được hơn 1kg táo nhưng đến đây vui hơn” – bạn Nguyễn Tiến Khánh nói. Theo bạn Lê Huyền Trang (THPT Tây Tiền Hải, Thái Bình), khoảng 4–5 năm nay, mùa táo nào Trang cũng đến vườn, có năm đi mấy lần.
Thương lái đến mua táo chín. Ảnh H.H |
Mặc dù vào chính vụ, có thể kiếm được vài ba triệu một ngày nhờ bán vé, song bà Sáu cho biết “tính cả năm, trừ thuế, công chăm sóc, phân bón… lãi lời cũng chẳng được là bao”. Theo ông Phùng Văn Dũng, táo từ khi ra hoa đến khi thu hoạch khoảng 4 tháng, nhưng khi táo bắt đầu chín mới có khách thăm vườn. “Từ khi táo bắt đầu chín đến chín rộ khoảng hai tháng”, ông Dũng nói.
Chia sẻ về định hướng lâu dài, ông Dũng cho biết đang thí điểm trồng đan xen các loại cây ăn quả khác, mùa nào quả nấy tránh lãng phí đất. Ngoài ra, phương án trồng hoa và xây dựng vườn treo để hút giới trẻ đến chụp ảnh, tham quan cũng được ông Dũng tính đến.
Việc chuyển đổi những ruộng lúa năng suất thấp thành vườn cây ăn trái kết hợp bán vé cho khách tham quan có thể giúp nông dân thu nhập cao hơn song chủ yếu là tự phát nên hiện vẫn chưa được xem là sản phẩm nông nghiệp chính của địa phương. Một cán bộ khuyến nông Kiến Xương cho biết. |
Hoàng Hưng