Những chiếc tàu ngầm hiện đại của Nga đã khiến Hải quân Mỹ và NATO cảm thấy lo lắng hơn vì độ tinh vi của nó.
Hãng tin Sputnik của Nga hôm 16/4 đưa tin cho hay, những chiếc tàu ngầm hiện đại của Nga đã khiến Hải quân Mỹ và NATO cảm thấy lo lắng hơn vì độ tinh vi của nó.
Theo báo Nga, Đô đốc Mỹ cũng thừa nhận rằng Nga đang phát triển những mẫu tàu ngầm khiến cho Hải quân Mỹ ngày càng khó và tốn kém hơn trong việc phát hiện và theo dõi vì chúng chạy êm hơn, vũ trang tốt hơn, và có phạm vi hoạt động rộng lớn hơn.
Đô đốc Mark Ferguson. |
“Những chiếc tàu ngầm mà chúng tôi theo dõi ngày càng khó phát hiện. Chúng tôi thấy (người Nga) có hệ thống trang bị tiên tiến hơn, các tổ hợp tên lửa có thể đánh trúng mục tiêu trên mặt đất từ khoảng cách xa.
Trình độ đào tạo cũng tăng lên qua thực tế có thể triển khai tàu ngầm ở những khu vực ngày càng xa lãnh hải của họ hơn”, Tư lệnh chỉ huy hải quân NATO và Mỹ khu vực châu Âu-châu Phi, Đô đốc Mark Ferguson, thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN.
Đô đốc Ferguson thừa nhận khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Nga đã được nâng cao, thể hiện rõ qua các trường hợp triển khai lực lượng ở các vùng biển xa như Bắc Cực.
Ngoài ra, theo ông, Nga đã triển khai các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và tàu ngầm tấn công với số lượng và phạm vi lớn nhất trong hai thập kỷ qua.
Giới quân sự Mỹ lo ngại rằng những mẫu tàu ngầm mới của Nga với đặc tính chiến đấu được cải thiện và trang bị vũ khí tối tân có thể “gây phức tạp cho nhiệm vụ của hải quân Mỹ và NATO” ở biển Baltic và Biển Đen.
Hải quân Mỹ hiện đang hoạt động 53 trong tổng số tàu ngầm nước này có. Tuy nhiên, con số này có thể giảm xuống còn 41 chiếc vào năm 2020 do nhu cầu cắt giảm ngân sách.
Tàu ngầm Nga đang khiến Mỹ và NATO cảm thấy bất an. |
“Chúng tôi không thể theo dõi 100% tàu ngầm Nga hiện nay. Tàu ngầm tấn công của chúng tôi tốt hơn, nhưng số lượng lại rất ít. Tàu ngầm Nga đặt ra mối đe dọa hiện hữu với các tàu sân bay của chúng tôi”, James Stavridis, một cựu tư lệnh tối cao của NATO, nói với CNN.
Nga có kế hoạch mở rộng và nâng cấp lên 12 căn cứ Hải quân trên vòng Bắc Cực. Điều này cho phép Moscow có thể tăng mức triển khai các tàu ngầm tới khu vực này và đi vào Đại Tây Dương gần hơn so với lực lượng của Mỹ và NATO.
Ngoài ra, Nga cũng có 6 tày ngầm ở Biển Đen cho phép họ có thể bao quát toàn bộ Địa Trung Hải.
Đáp ứng trước sự gia tăng hoạt động của lực lượng tàu ngầm Nga, Mỹ và NATO đã tăng các cuộc diễn tập chống ngầm và triển khai các hệ thống mới, bao gồm máy bay trinh sát P8 Poseidon.
Ngoài ra, Đô đốc Mỹ cũng thừa nhận rằng các hoạt động trên bề mặt của Nga cũng ngày càng được cải thiện. Khả năng quân sự của Nga đã được chứng minh qua sự kiện máy bay chiến đấu bay sát tàu khu trục USS Donald Cook của Hải quân Mỹ tại Baltic hồi tuần trước.
“Chúng tôi đã cảnh báo bằng tiếng Anh và tiếng Nga nhưng máy bay không đáp lại và tiếp tục áp sát tàu. Sự cố tương tự đã xảy ra trước đó, nhưng lần này nó khác hơn vì khoảng cách, độ cao và đường bay đáng lo ngại hơn”, Đô đốc Ferguson nói.
Lầu Năm Góc đề nghị Tiểu ban Quân vụ Thượng viện về việc tăng ngân sách cho Cơ quan Phòng thủ Tên lửa nhằm “đối phó với khả năng tấn công từ dưới biển cỉa Nga”. |
Tuần này, Lầu Năm Góc đề nghị Tiểu ban Quân vụ Thượng viện về việc tăng ngân sách cho Cơ quan Phòng thủ Tên lửa nhằm “đối phó với khả năng tấn công từ dưới biển của Nga”, RT cho biết thêm.
Trong suốt 20 năm qua, quan hệ giữa Nga và NATO luôn luôn hiện hữu những bất đồng. Nga đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về sự mở rộng biên giới của NATO qua vùng đệm, tiến tới sát biên giới của nước này. Nga xem đây là một mối đe dọa trực tiếp tới an ninh của mình.
Tuy nhiên, Mỹ và NATO đã kiên quyết phủ nhận điều này và biện minh rằng đó là một phần của chính sách được thiết kế để đảm bảo an ninh của các quốc gia Đông Âu và gạt bỏ những lo ngại của Nga là vô căn cứ.
Mỹ tuyên bố hệ thống tên lửa đạn đạo nước này triển khai ở châu Âu là nhằm bảo vệ các đồng minh NATO từ một cuộc tấn công tiềm năng từ “các quốc gia thù địch” như Iran và Bắc Triều Tiên. Moscow đáp lại “mối đe dọa an ninh” này băng cách tăng cường triển khai tên lửa đối phó.
Hoàng Hải