Cuộc chiến giành thị phần trong nước đang đến hồi gay cấn khi hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài đổ xô vào Việt Nam và đẩy hàng nội địa ra… bên lề.
Chưa bao giờ thị trường bán lẻ tại Việt Nam lại nhộn nhịp như hiện nay. Không chỉ có các doanh nghiệp Việt trong cuộc đua tranh giành thị phần trong mảng dịch vụ bán lẻ mà ngay đến các doanh nghiệp nước ngoài như: Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng “nhảy” vào để tìm kiếm cho mình một cơ hội mới.
Trong thời gian vài ba năm trở lại đây, liên tiếp rất nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) giữa các đại gia nước ngoài và doanh nghiệp Việt được diễn ra nhanh chóng và khiến báo giới tổn hao nhiều giấy mực. Trong những cuộc M&A đó, vui có nhưng buồn cũng có.
Một số ít ông chủ Việt thì vui mừng vì mình có thể bán được giá hời cho đối tác ngoại, khẳng định giá trị định giá của doanh nghiệp mình trên thị trường. Nhưng ở một khía cạnh khác, những người Việt Nam, những doanh nghiệp Việt Nam khác thì lại đang cảm thấy buồn khi thương vụ có kết quả cũng chính là lúc những người Việt đang “thua” ngay chính trên sân nhà của mình khi nhiều doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường bán lẻ tại Việt Nam từng bước rơi vào tay các doanh nghiệp ngoại, đặc biệt là Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thương vụ mua lại Big C của đại gia Thái Lan khiến báo giới tổn hao không ít giấy mực. |
Không kể đâu xa, khi nhắc đến thương vụ M&A, chúng ta có thể liên tưởng ngay đến cái tên của đại gia Charoen Sirivadhanabhakdi. Ông được mệnh danh là người giàu thứ ba Thái Lan với tổng tài sản 11,3 tỷ USD. Tại Việt Nam, vị tỷ phú này gây bão dư luận khi tiến hành thương vụ mua lại chuỗi bán sỉ Metro Cash & Carry Việt Nam với giá gần 880 triệu USD thông qua Công ty Berli Jucker (BJC) – đơn vị mà ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 2001.
Một đại gia Thái khác là ông Dhani Chearavanont sở hữu khối tài sản 11,5 tỷ USD cũng từng có thời gian tham gia thương vụ mua lại Metro với giá 500 triệu USD nhưng bị từ chối.
Mới đây nhất, thương vụ mua lại Big C Việt Nam đã khiến dư luận xôn xao khi hãng bán lẻ của Pháp Casino chính thức thông báo đã bán siêu thị cho tập đoàn gia đình Thái Lan Central Group với giá 1,14 tỷ USD. Giới đầu tư cũng như người tiêu dùng Việt Nam đang lo ngại, cùng với thương vụ mua lại Big C của Central Group thì tới đây, hàng Việt Nam khó mà “chen chân” được trong các siêu thị có tên tuổi nói trên hoặc có vào được cũng phải chịu một mức giá cao hơn, qua đó đẩy phần thiệt thòi về phía người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất trong nước.
Nhìn vào những thế mạnh của Big C Việt Nam, việc Casino bán chuỗi siêu thị Big C không phải là một động thái thoái vốn theo nghĩa tiêu cực mà là cách họ cơ cấu lại tài sản của mình. Hơn thế, thị trường Đông Nam Á cũng được Casino đánh giá rất cao, với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh và đang có rất nhiều tiềm năng.
Được đánh giá là có tiềm năng và là miếng “bánh ngọt” lớn của châu Á, không riêng gì đại gia Thái Lan ngay cả Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có nhiều hứng thú đối với thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Mặc dù không “phô diễn” rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng như đại gia Thái Lan, các “ông lớn” Hàn Quốc và Nhật Bản tỏ ra rất thận trọng trong từng bước đi của mình. “Chúng ta chỉ thấy được kết quả chứ ít khi thấy được diễn biến của họ”, một chuyên gia kinh tế cho biết.
The Japan Times đăng tải thông tin tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước này là Aeon đã quyết định mua lại 49% cổ phần chuỗi siêu thị Citimart tại Việt Nam. Bước đi này cho thấy Nhật Bản cũng đang rất chú trọng đến thị trường tiềm năng tại Đông Nam Á này.
Trước đó, vào những năm 2011 thì Aeon từng có bước thăm dò thị trường Việt Nam thông qua hợp tác với Tập đoàn Trung Nguyên mở chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop. Mặc dù tính tới thời điểm hiện tại chỉ xấp xỉ 20 cửa hàng được mở đến nay nhưng có thể xem chuỗi Ministop là cuộc “hôn nhân chưa trọn vẹn” giữa Aeon và Trung Nguyên.
Sau khi đã soi thật kỹ thị trường bán lẻ trong nước Việt Nam, đầu năm 2014, Tập đoàn Aeon mới chính thức đặt chân vào với sự ra đời của Trung tâm thương mại (TTTM) Aeon có vốn đầu tư hơn 100 triệu USD tại Khu Đô thị Celadon Tân Phú, TP.HCM.
Câu hỏi được đặt ra, vậy thì vì sao nhà bán lẻ này quyết định “đi tắt” tại thị trường Việt Nam bằng cách thâu tóm 49% chuỗi Citimart?
Thực tế cho thấy, sau quyết định mua 49% chuỗi Citimart thì đại gia đến từ Nhật Bản này phần nào tăng cường sức mạnh ở cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Việt Nam trở thành một thị trường tiêu thụ khổng lồ cho Aeon.
Cùng với Aeon, từ đầu năm đến nay, Lotte Mart đến từ Hàn Quốc cũng đã “âm thầm” khởi công xây dựng và mở rộng mạng lưới các đại siêu thị tại Bình Dương, Bình Thuận, Hà Nội, TP.HCM. Các đại siêu thị của Lotte Mart có diện tích không dưới 10.000m2, được xây dựng theo mô hình mua sắm tiện ích với đầy đủ dịch vụ dành cho người tiêu dùng như thực phẩm, thời trang, mỹ phẩm, vui chơi, giải trí…
Đầu năm 2016, sự ra mắt của đại siêu thị Lotte Mart tại quận Gò Vấp (TP.HCM) đã tạo ra sự ngạc nhiên thích thú về một môi trường mua sắm mới mà ở đó, khách hàng được phục vụ như “thượng đế” khi có khu gửi trẻ, có những lớp học về làm đẹp, nữ công gia chánh…
Việc “âm thầm” mở rộng hoạt động thay vì thâu tóm ầm ĩ như các ông lớn khác khiến Lotte trở thành “sát thủ giấu mặt” trong việc giành thị phần bán lẻ tại Việt Nam. |
Lý giải nguyên nhân không tham gia tiếp vào “cuộc đua” thâu tóm chuỗi siêu thị Big C, đại diện Lotte cho biết, tập đoàn không còn hứng thú đối với thương vụ này nữa, thay vào đó sẽ dồn sức vào việc mở rộng mạng lưới và thị phần Lotte tại Việt Nam.
Có thể nói, cuộc “đổ bộ” của các nhà bán lẻ châu Á đã được dự báo từ năm 2009, khi Việt Nam cho phép doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được phân phối hàng hóa tại thị trường trong nước. Đến nay, làn sóng này đang tăng mạnh và các nhà kinh doanh muốn lấy Việt Nam làm bàn đạp để phát triển và vươn ra những thị trường lân cận. Đó là lý do các nhà bán lẻ lớn của châu Á đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.
Bảo Bảo