Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan có thể sẽ tiêu tan sự nghiệp chính trị nếu nhất quyết triển khai quân đội đến hỗ trợ các nhóm cực đoan ở Aleppo vì tham vọng khôi phục Đế Chế Ottoman.
Theo Sputnik, Aleppo hiện là khu vực nằm trong lệnh ngừng bắn quốc tế do Nga và Mỹ bảo trợ ở Syria. Tuy nhiên, tình hình bên trong thành phố diễn biến phức tạp hơn nhiều. Trong nhiều tuần qua, giao tranh ác liệt đã tập trung diễn ra ở Aleppo.
“Với việc các hoạt động quân sự lớn đang diễn ra ở Aleppo, khu vực này đang nổi lên trở thành tâm điểm trong cuộc nội chiến ở Syria. Đây là trận chiến lớn nhất và quyết định nhất giữa phe nổi dậy và những người trung thành với chính phủ Syria ở thành phố bị chia cắt Aleppo”, hãng phân tích chiến lược Stratfor cho biết.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. |
Trong khi quân đội Syria đang cố gắng củng cố vị thế với chiến thắng ở Aleppo thì phe đối lập lại chiến đấu “vì sự tồn tại của chính họ”.
Phe nổi dậy chiến đấu ở Alepppo không chỉ có Quân đội Syria Tự do (FSA) mà còn có các nhóm Hồi giáo cực đoan như Mặt trận Al Nusra, Ahrar al-Sham.
Tuy nhiên, quân đội Syria và đồng minh dưới sự yểm trợ của các chiến đấu cơ Nga đã chặn đứng mọi bước tiến của phiến quân, theo Startfor.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên tờ Vzglyad, nhà phân tích chính trị Nga Azhdar Kurtov nhận định rằng, cuộc xung đột Syria có sự tham gia của nhiều lực lượng vũ trang, và một vài nhóm trong số này không có ý muốn kết thúc chiến tranh.
“Các nhóm cực đoan có một vị trí vững chắc gần Aleppo. Họ không sẵn sàng thỏa hiệp với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nhiều nhóm nổi dậy được hỗ trợ về mặt tài chính từ Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia”, ông Kurtov nói. “Ngay cả khi Moscow và Washington chia sẻ chung quan điểm, Ankara và Riyadh vẫn tiếp tục hỗ trợ khủng bố”.
Chuyên gia Nga phân tích, các nhóm cực đoan ở Syria sẽ làm mọi cách để phá hoại lệnh ngừng bắn ở Syria.
Hồi đầu tuần này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan công khai tuyên bố quân đội của nước này đang cân nhắc các hoạt động quân sự ở Syria.
Ngày 20/5, trung tâm truyền thông có liên hệ với người Kurd nói rằng các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ được yểm trợ bởi hai xe tăng đã tiến vào lãnh thổ Syria gần thành phố Nusaybin.
Trong những tháng đầu năm 2016, ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy Ankara có kế hoạch triển khai bộ binh đến Syria. Hồi tháng Hai, chính phủ Nga cho biết “Thổ Nhĩ Kỳ đang bí mật chuẩn bị quân đội tiến hành hoạt động ở Syria”.
Tuyến đường bị hư hại nặng nề trong cuộc chiến tại Aleppo. |
Bà Catherine Shakdam, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Trung Đông Shafaqna cho rằng, ông Erdogan đang đắm chìm vào tham vọng khôi phục lại Đế chế Ottoman và do đó sẵn sàng gửi quân đến Syria để hỗ trợ các nhóm khủng bố.
Một hành động hiếu chiến và bất cẩn như vậy có thể khiến cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiêu tan sự nghiệp chính trị. Nếu như Ankara đơn phương xâm lược Syria, các đồng minh của Damascus như Nga hay Iran sẽ có hành động quân sự đáp trả.
Ông Erdogan còn tham vọng đến mức sẵn sàng chống lại đồng minh NATO, bao gồm cả Mỹ.
“Erdogan đang gửi thông điệp với NATO và các đối tác cùa Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu rằng, họ nên để mặc cho Ankara giải quyết vấn đề Syria hoặc sẽ phải đối mặt với làn sóng người di cư nếu như nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ thỏa thuận với Bỉ”, chuyên gia Catherine Shakdam nhận định.
Cuối cùng, bà Shakdam tin rằng ông Erdogan đang tạo ra mối đe dọa với toàn Châu Âu bởi Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã bị cáo buộc là quốc gia hỗ trợ các nhóm cực đoan ở Syria, để theo đuổi tham vọng địa chính trị.
Đăng Nguyễn