Tại sao cảnh sát Mỹ giết nhiều người hơn so với cảnh sát châu Âu?
Saturday, June 11, 2016 17:56
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Tỷ lệ các vụ nổ súng gây tử vong của cảnh sát ở châu Âu cho thấy trong năm 2014, tỷ lệ này từ cảnh sát Mỹ cao gấp 18 lần so với cảnh sát Đan Mạch và 100 lần so với cảnh sát Phần Lan, chưa kể việc cảnh sát Mỹ nổ súng gây tử vong thường xuyên hơn so với cảnh sát tại Pháp, Thụy Điển và các nước châu Âu khác.
Sĩ quan cảnh sát Chicago Jason Van Dyke đã bị buộc tội giết người cấp độ một vào ngày 24/11/2015 và nạn nhân là Laquan McDonald. Một đoạn video được cảnh sát công bố cho thấy Van Dyke đã bắn thiếu niên này 16 phát.
Van Dyke là một minh chứng cực đoan về việc dùng vũ lực gây chết người của cảnh sát Mỹ. Cảnh sát Mỹ giết vài người mỗi ngày, và giết người nhiều hơn so với cảnh sát châu Âu.
Là một học giả về xã hội học và tư pháp hình sự, phó giáo sư Paul Hirschfield gần đây đã tìm hiểu lý do tại sao tỷ lệ nổ sung gây chết người của cảnh sát Mỹ lại cao hơn nhiều so với cảnh sát các nước châu Âu.
Sử dụng súng nhiều hơn và hung hăng hơn
Sự chênh lệch lớn như vậy không thể đưa ra bằng một lời giải thích đơn giản, nhưng văn hóa được phép sử dụng súng ở Mỹ rõ ràng là một yếu tố quan trọng. Không giống như các quốc gia châu Âu, hầu hết các bang ở Mỹ cho phép người ta dễ dàng mua súng để tự vệ và giữ súng kè kè bên mình.
Có được khẩu súng bất hợp pháp ở Mỹ không phải là việc khó khăn. Khoảng 57% nạn nhân bị giết chết trong năm 2015 được cho là có trang bị súng mô hình và súng thật.
Cảnh sát Mỹ đều được trang bị súng. Bóng ma của nạn bạo lực súng ống có thể khiến họ dễ xác định sai hoặc phóng đại những mối nguy hiểm như điện thoại và tuốc nơ vít. Điều này có thể khiến cảnh sát Mỹ nguy hiểm hơn và luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Hơn nữa, nó cũng cổ súy sự dũng cảm và hung hăng trong tư tưởng cảnh sát Mỹ.
Những người Mỹ mà chỉ trang bị vũ khí ít gây chết người như dao – và thậm chí là tay không – cũng là những người dễ bị cảnh sát giết.
Số người sở hữu vũ khí ít có khả năng gây chết người chỉ chiếm khoảng 20% tổng số nạn nhân bị giết ở Mỹ. Nhưng tỷ lệ này đã vượt quá tổng số người bị giết ở bất kỳ quốc gia châu Âu nào.
Bạo lực bằng dao là một vấn đề lớn ở Anh, nhưng cảnh sát Anh mới chỉ bắn chết một người lăm le cầm dao từ năm 2008 – một kẻ bắt giữ con tin. Bằng việc so sánh, tính toán của phó giáo sư Paul Hirschfield dựa trên dữ liệu được công bố bởi fatalencounters.org và Washington Post cho thấy cảnh sát Mỹ đã bắn chết hơn 575 người được cho là cầm dao và các vũ khí khác kể từ năm 2013.
Phân biệt chủng tộc cũng là một nguyên nhân giải thích tại sao người Mỹ gốc Phi và người bản địa Mỹ dễ bị cảnh sát bạo hành. Phân biệt chủng tộc, cùng với tư tưởng người Mỹ – xem trọng chủ nghĩa cá nhân và quản lý hạn chế của chính phủ, đã giải thích lý do tại sao người dân da trắng và các nhà lập pháp lại thường hay ủng hộ hành vi bạo lực và hung hăng của cảnh sát và rất ít hỗ trợ cho tội phạm và người nghèo.
Không chỉ là phân biệt chủng tộc
(Ảnh: Joe Raedle/Getty) |
Nhưng chỉ phân biệt chủng tộc thì không thể giải thích tại sao người Mỹ da trắng không nói tiếng Tây Ban Nha lại bị chết bởi họng súng của cảnh sát nhiều hơn người Đức 26 lần. Và chỉ phân biệt chủng tộc cũng không giải thích được tại sao các tiểu bang như Montana, Tây Virginia và Wyoming – nơi mà cả thủ phạm và nạn nhân bị cảnh sát bắn hầu như là người da trắng – tỷ lệ này cũng khá cao.
Một lời giải thích có thể được tìm thấy trong đặc tính của cảnh sát Mỹ – đó là tính cục bộ.
Mỗi quận, hạt trong 15.500 quận, hạt của Mỹ đều có trách nhiệm lựa chọn ứng viên, áp đặt kỷ luật và đào tạo cán bộ khi được trang bị một loại vũ khí mới như súng bắn điện Taser. Một số địa hạt có thể thực hiện những việc này hết sức yếu kém.
Việc thiếu hụt ngân sách ở một số chính quyền địa phương cũng làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn, chẳng hạn như có thể thấy tình trạng thu phí, phạt, tịch thu tài sản ở Ferguson, Missouri và điều này thúc đẩy các cuộc xung đột tự phát với cảnh sát.
Nguy hiểm hơn ở những thị trấn nhỏ
Hơn một phần tư số nạn nhân bị giết thường xảy ra ở các thị trấn có dân số ít hơn 25.000 người, mặc dù thực tế chỉ có 17% dân số Mỹ sống ở các thị trấn này.
Ngược lại, như một luật định, các thị trấn và thành phố ở châu Âu không hỗ trợ tài chính cho lực lượng cảnh sát của họ. Các cảnh sát trong thành phố nói chung là không có vũ khí và không có thẩm quyền bắt giữ.
Kết quả là, những cảnh sát có vũ trang duy nhất mà người dân thường xuyên nhìn thấy là cảnh sát cấp tỉnh (tương đương với cảnh sát tiểu bang ở Mỹ), và cấp khu vực (các bang ở Thụy Sĩ), hoặc cấp quốc gia.
Hơn nữa, chính sách tập trung như thế có thể dễ dàng đào tạo và đánh giá tất cả các cảnh sát có vũ trang theo cùng một nguyên tắc sử dụng vũ khí. Điều này cũng giúp nâng cao nhận thức và hiểu biết về việc phòng tránh gây ra chết người trong khi thực hiện nhiệm vụ quốc gia.
Tại Mỹ, Tòa án tối cao đã cho phép hành vi dùng vũ lực gây chết người từ năm 1989, trong điều kiện cảnh sát cảm nhận được mối nguy hiểm sắp xảy ra một cách “hợp lý”. Có 38 tiểu bang quy định việc dùng vũ lực gây chết người, và hầu như cũng lỏng lẻo như quy định của tòa án tối cao, hoặc hơn.
Tiêu chuẩn khác nhau
Ngược lại, các tiêu chuẩn quốc gia ở hầu hết ở các nước châu Âu là phù hợp với Công ước Châu Âu về Nhân quyền, và có 47 nước cam kết chỉ cho phép sử dụng vũ lực gây chết người khi “thực sự cần thiết” và phục vụ mục đích luật pháp. Sử dụng vũ lực gây chết người ở Mỹ dựa trên tiêu chí “lý do chính đáng” đã vi phạm các tiêu chuẩn “thực sự cần thiết” ở châu Âu.
Ví dụ, việc cựu cảnh sát ở Ferguson, Darren Wilson đưa ra lý do sợ hãi vô căn cứ khi cho rằng Michael Brown mang vũ khí để bào chữa cho hành vi bắn chết Brown là không được xá tội ở châu Âu. Cũng như không có chuyện cảnh sát sợ chiếc tuốc nơ vít mà một người đàn ông bị bệnh tâm thần như Dallas Jason Harrison cầm trong tay.
Tại châu Âu, giết chết được coi là không cần thiết nếu có lựa chọn khác. Ví dụ, văn bản hướng dẫn quốc gia ở Tây Ban Nha quy định rằng Wilson cần phải đưa ra các cảnh báo với mức độ tăng dần, cảnh báo sẽ bắn và bắn ở những vị trí không quan trọng của cơ thể trước khi bắn chết người. 6 phát súng của Wilson không phù hợp với mối đe dọa tiềm tàng của Brown, một người không có vũ khí và đang bị thương.
Tại Mỹ, chỉ có 8 tiểu bang yêu cầu cảnh sát cảnh báo bằng lời (khi có thể), trong khi cảnh báo và bắn vào chân là thường bị cấm. Ngược lại, Phần Lan và Na Uy yêu cầu cảnh sát cần phải được sự cho phép từ một sĩ quan cấp trên trong bất kỳ hoàn cảnh nào trước khi bắn bất cứ ai.
Các tiêu chuẩn tập trung ở châu Âu không chỉ dễ dàng hạn chế hành vi của cảnh sát, mà các trung tâm đào tạo tập trung đã đào tạo nhân viên cảnh sát làm thế nào để tránh sử dụng vũ khí gây chết người.
Ví dụ Hà Lan, Na Uy và Phần Lan yêu cầu cảnh sát phải tham dự các khóa học tại học viện quốc gia – trường đại học cho cảnh sát – trong ba năm. Tại Na Uy, hơn 5.000 ứng viên cạnh tranh để có mặt trong 700 suất chính thức.
Ba năm là khoảng thời gian đủ nhiều để học hỏi được các kỹ năng giao tiếp, hiểu và trấn an những cá nhân quẫn trí. Ngược lại, trong năm 2006, học viện cảnh sát Hoa Kỳ chỉ có khóa giảng dạy trung bình 19 tuần.
Dưới điều kiện hạn chế như vậy, cảnh sát Mỹ lại có số giờ đào tạo trung bình về việc sử dụng vũ khí nhiều hơn 20 lần so với đào tạo về hoà hoãn xung đột. Hầu hết các tiểu bang chỉ yêu cầu tối đa 8 giờ huấn luyện về kỹ năng xử lý trong tình huống khủng hoảng.
Tuy nhiên, những lời giải thích về vấn đề gây chết người của cảnh sát ở Mỹ nên tập trung nhiều hơn vào chính sách và hành vi của họ. Những trường hợp chết người này là kết quả của vấn đề kiểm soát súng yếu kém, các vấn đề kinh tế xã hội và bất công, chăm sóc sức khỏe tâm thần không đầy đủ và nỗ lực tránh bị giam trong tù đầy khắc nghiệt.
Nghiên cứu trong tương lai nên tập trung vào không chỉ xem xét liệu cảnh sát Mỹ có hành xử khác hay không, mà còn nghiên cứu các chính sách nới lỏng, mang tính hỗ trợ và khoan hồng ở Châu Âu để đảm bảo ngày càng ít người dân trở nên tuyệt vọng đến mức càn quấy hay chống đối đội ngũ cảnh sát vốn ít khi làm hại họ.
Tác giả: Paul Hirschfield
Bài viết được đăng tải lần đầu trên The conversation
Ánh Sao, daikynguyenvn.com biên dịch
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo