Cảnh sát trưởng Dallas từng mất một người cộng sự, em trai và con trai do bạo lực và súng đạn ở Mỹ gây ra.
Đêm 7/7, tay súng bắn tỉa Micah Johnson đã bắn chết 5 cảnh sát và khiến 7 người khác bị thương trong một cuộc biểu tình ôn hòa.
Theo CNN, Cảnh sát trưởng Dallas David Brown là người hiểu rõ nhất nỗi đau do bạo lực và súng đạn gây ra vì chính ông đã từng trải qua cảm giác ấy sau 30 năm hoạt động trong ngành cảnh sát cùng 6 năm làm cảnh sát trưởng.
Cảnh sát trưởng Dallas David Brown. |
David Brown lớn lên tại một thị xã nhỏ đầy phức tạp ở thành phố Dallas, vì thế cậu bé Brown ngày ấy hiểu rõ những ác cảm của người dân đối với cảnh sát.
Năm 1983, Brown lần đầu đeo lên ngực tấm huy hiệu của Sở Cảnh sát Dallas. Năm năm sau, khi Brown làm việc tại phòng tang chứng, ông đã tiếp nhận vụ một sĩ quan bị bắn khi đang làm nhiệm vụ. Đó là lần đầu tiên ông chịu nỗi đau mất mát khi bước chân vào ngành cảnh sát. Brown không thể ngờ rằng người thiệt mạng là Walter Williams, 47 tuổi, bạn học cũ của ông tại Học viện Cảnh sát.
Tới năm 1991, em trai của Brown, Kelvin, đã bị những kẻ buôn ma túy giết chết ở gần thành phố Phoenix, bang Arizona.
Brown vượt qua tất cả những nỗi đau này, trở thành Cảnh sát trưởng Dallas vào năm 2010, chỉ huy lực lượng gồm 3.600 sĩ quan. Vào đúng Ngày của Cha năm 2010, chỉ vài tuần sau lễ tuyên thệ nhậm chức của Brown, một tay súng đã bắn chết một sĩ quan cảnh sát ở gần Sở Cảnh sát Lancaster và một ông bố trẻ. Tay súng đó chính là con trai của Brown, David Brown Jr.
Cảnh sát tại hiện trường đã bắn chết con trai của Brown bằng hơn 10 phát đạn. Khám nghiệm tử thi cho thấy David Brown Jr. lúc đó đang phê ma túy PCP. Sau khi biết tin, vị cảnh sát trưởng chỉ biết câm nín.
“Gia đình tôi không chỉ mất một đứa con trai, mà cả một đồng nghiệp và một công dân đã bỏ mạng dưới tay nó. Điều đó thật sự rất đau đớn, tôi không biết làm thế nào để bày tỏ nỗi buồn từ sâu thẳm trái tim mình”.
Bất chấp những lời suy đoán rằng có thể ông sẽ từ chức, Brown vẫn tiếp tục và vạch ra hướng đi mới cho Sở Cảnh sát Dallas. Ông quyết tâm kéo cảnh sát lại gần dân hơn bằng cách giúp họ gia tăng tiếp xúc, tương tác với nhau thông qua các hoạt động. Trong khi một số người chỉ trích rằng đây là biện pháp tốn thời gian thì ông Brown khẳng định nó sẽ giúp giảm tỷ lệ tội phạm và những cải thiện quan hệ giữa người dân với cảnh sát.
Nói về biện pháp này, Thị trưởng Dallas Mike Rawlings từng khẳng định: “Chúng tôi là một trong những thành phố giúp tạo mối liên kết giữa công an và cộng đồng dân cư tốt nhất. Và năm nay, Dallas có ít số vụ nổ súng liên quan tới cảnh sát nhất so với các thành phố lớn khác ở Mỹ. Vì thế, chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc để đạt được tiến bộ”.
Biện pháp này được thể hiện rõ nhất trong khoảng thời gian chỉ vài giờ trước khi xảy ra vụ nổ súng kinh hoàng đêm ngày 7/7. Trong khi những người biểu tình đang hô to khẩu hiệu yêu cầu trách nhiệm từ phía cảnh sát thì một số sĩ quan cảnh sát vẫn trò chuyện cùng vài người trong số họ, thậm chí chụp ảnh chung.
“Chúng tôi thấy các sĩ quan cảnh sát bắt tay và ôm những người dân. Họ thực sự đang ở đây cùng với chúng tôi”, Sharay Santora, một người biểu tình chia sẻ.
Nhưng chỉ vài phút sau, các tay súng nã đạn vào lực lượng cảnh sát đang bảo vệ đám đông biểu tình. 5 sĩ quan cảnh sát đã hi sinh. Đây là sự việc đẫm máu nhất đối với lực lượng cảnh sát Mỹ kể từ vụ tấn công khủng bố lịch sử ngày 11/9/2001.
Một ngày sau vụ nổ súng, đám đông người dân tập trung ở Quảng trường Tạ Ơn để tưởng nhớ những người đã khuất.
“Trong nghề cảnh sát, chúng tôi quen với việc không nhận được câu ‘cảm ơn’ từ người dân, những người cần chúng tôi nhất. Bởi vậy, ngày hôm nay dường như là một ngày rất khác so với những ngày trước khi bi kịch này xảy ra, bởi mọi người đang đứng ở đây. Bởi Dallas là một thành phố nơi người ta yêu thương nhau”.
Xem thêm: Tranh cãi việc dùng robot tiêu diệt nghi phạm bắn tỉa Dallas
Danh Tuyên