Tin tức tình hình Biển Đông mới nhất ngày 25/7: Trung Quốc rút HQ-9 để bảo trì hay đã biết ‘nhún nhường’?; Chuyên gia Ấn Độ: ‘Giấc mộng Trung Hoa’ tan vỡ trên Biển Đông.
Chuyên gia Ấn Độ: ‘Giấc mộng Trung Hoa’ tan vỡ trên Biển Đông
Sự phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài đã khiến Trung Quốc tự khóa mình vào một vị trí mà ở đó việc rút lui khỏi Biển Đông có thể dẫn đến một sự mất mặt không thể tưởng tượng…
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi “giấc mộng Trung Hoa” là nhiệm vụ quan trọng của mình trong nhiệm kỳ. |
Trung Quốc rút HQ-9 để bảo trì hay đã biết ‘nhún nhường’?
Ngoài lý do bảo trì, một số bình luận cho rằng động thái rút HQ-9 triển khai trái phép ra khỏi đảo Phú Lâm (Việt Nam) có thể là đáp lại việc Mỹ kéo tàu sân bay khỏi Biển Đông hôm 5/7…
AMM 49 ra Tuyên bố bày tỏ hết sức quan ngại về vấn đề Biển Đông
TTXVN đưa tin, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM 49) diễn ra tại Lào, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 24/7 đã ra Tuyên bố chung AMM 49.
Tuyên bố chung được công bố ngày 25/7, trong đó đề cập một loạt vấn đề từ kinh tế – xã hội, chính trị và an ninh…
Đặc biệt nội dung tuyên bố có một phần riêng về Biển Đông, trong đó bày tỏ hết sức quan ngại về những diễn tiến gần đây cũng như hiện nay tại Biển Đông và ghi nhận những quan ngại của một số bộ trưởng về các hành động cải tạo và leo thang các hoạt động tại khu vực, điều đang gây xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.
Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không qua khu vực bên trên Biển Đông.
Tuyên bố cũng tái khẳng định sự cần thiết tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, kiềm chế các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi các giải pháp hòa bình cho những tranh chấp theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và kiềm chế tiến hành tất cả các hoạt động, bao gồm việc thay đổi hiện trạng mà có thể gây phức tạp tình hình và làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông.
Đồng thời, Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong khi nhấn mạnh việc thúc giục các bên làm việc hiệu quả và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), bao gồm cả việc tăng cường các cuộc gặp thường xuyên của các quan chức ASEAN và Trung Quốc và cuộc gặp của Nhóm làm việc chung về việc thực hiện DOC.
Trung Quốc sẽ đánh mất hình ảnh nếu không tuân thủ phán quyết của PCA
TTXVN đưa tin, trả lời về phán quyết của PCA bác bỏ “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông, tiến sỹ Seo In Won, nghiên cứu viên thuộc Viện nghiên cứu Khoa học xã hội châu Á và là chuyên gia trong lĩnh vực luật biển quốc tế của Hàn Quốc nói: “Chúng ta có thể thấy Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) là một ví dụ tốt để đưa ra một giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp lãnh thổ trên biển trong cộng đồng quốc tế, đồng thời để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp nguồn tài nguyên và tranh chấp lãnh thổ trên biển trong tương lai của cộng đồng quốc tế, cần phải tuân thủ và thực hiện theo phán quyết này.
Đặc biệt, Trung Quốc, một quốc gia thành viên đã tham gia phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, có nghĩa vụ tuân thủ phán quyết và dĩ nhiên phải chấp nhận kết quả này với tư cách một thành viên của cộng đồng quốc tế.
Trong tương lai, với phán quyết này, chủ trương của Trung Quốc về quyền quản lý trên Biển Đông đã bị mất đi tính chính đáng về mặt luật pháp quốc tế và chủ trương thiết lập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) dựa trên việc xây dựng đảo nhân tạo tại khu vực biển Đông của Trung Quốc sẽ bị giảm đi tính thuyết phục trên phương diện pháp lý.
Ngoài ra, phán quyết này sẽ trở thành thước đo cơ bản được sử dụng để giải quyết các tranh chấp giữa các bên tại Biển Đông”.
Tiến sỹ Seo In Won trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Seoul. (Ảnh: Vũ Toàn-Phạm Duy/Vietnam+) |
Cũng theo tiến sỹ Seo In Won, nếu Trung Quốc coi thường phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực, chủ trương chiếm hữu Biển Đông và tạo ra những tranh chấp trong khu vực Đông Nam Á thì Trung Quốc sẽ đánh mất đi hình ảnh quốc gia của mình trong cộng đồng Quốc tế và vị thế ngoại giao của Trung Quốc, với tư cách một nước lớn đang trong quá trình trở thành quốc gia phát triển, sẽ giảm xuống.
Gần đây, việc Trung Quốc phái tàu chiến và ngăn cản đánh bắt hải sản của Philippines là hành vi phá hoại quan hệ hòa bình với các nước xung quanh, tạo ra một tranh chấp trong khu vực Đông Nam Á bằng chủ nghĩa bá quyền.
Trong tương lai, có thể thấy sự bất mãn của Trung Quốc đối với phán quyết này sẽ được thể hiện trực tiếp thông qua việc gia tăng các căng thẳng trong quân sự và trong vấn đề đánh bắt cá tại khu vực Đông Nam Á.
Trung Quốc sẽ tăng cường huấn luyện quân sự trên thực địa và nâng cao năng lực phản ứng quân sự trên Biển Đông.
Trung Quốc chủ yếu sẽ xây dựng đảo nhân tạo, tăng cường giám sát, canh gác để bảo vệ sự an toàn của vùng hải phận, không phận và bổ sung các thiết bị quân sự.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ né phán quyết PCA khi thăm Trung Quốc
Hãng thông tấn AP ngày 25/7 cho biết, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice đang ở thăm Bắc Kinh để hội đàm với các quan chức Trung Quốc trong khuôn khổ chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Nhà Trắng kể từ khi PCA ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông, một động thái được dự báo sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu bắt đầu cuộc gặp cùng ngày giữa bà Rice với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và có sự tham dự của báo chí, hai bên đã không đề cập đến phán quyết hôm 12/7 của PCA, vốn khiến Bắc Kinh tức giận.
Cựu tổng thống Philippines sẽ tới Bắc Kinh đàm phán về Biển Đông
Theo Japan Times, cựu tổng thống Philippines Fidel Ramos nhận lời dẫn đoàn đàm phán của Philippines tới Trung Quốc tham gia cuộc đàm phán song phương giữa hai nước sau khi ông có cuộc gặp với tổng thống Rodrigo Duterte tại thành phố Davo tối 23-7.
Là người được biết tới rộng rãi trong khu vực, ông Ramos cũng được xem là người có kinh nghiệm dày dặn trong việc xử trí các vấn đề ở Biển Đông.
Trong thời gian tại nhiệm từ 1992-1998, ông Ramos chính là người đã giải quyết mâu thuẫn giữa Manila và Bắc Kinh khi năm 1995 Trung Quốc chiếm đóng Đá Vành Khăn.
Tổng thống đương nhiệm của Philippines, Duterte, có vẻ như đang cố gắng tìm ra thế ứng xử cân bằng với Trung Quốc sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế.
Một mặt ông Duterte phải đáp ứng nguyện vọng của người dân trong nước về một hành xử cứng rắn hơn với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải. Nhưng mặt khác, ông cũng muốn vun đắp quan hệ với Trung Quốc trong tư cách một đối tác thương mại lớn nhất của Manila và là nhà đầu tư quan trọng của nước này.
Cựu tổng thống Philippines Ramos cũng là người đã đề nghị tạm gạt sang một bên phán quyết của tòa trọng tài quốc tế để theo đuổi một thỏa hiệp với Trung Quốc.
H.Y (Tổng hợp)
2016-07-25 06:56:05
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-tinh-hinh-bien-dong-moi-nhat-ngay-257-a251765.html