Trong khi quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ đang ngày càng được tăng cường thì quan hệ với Trung Quốc đang mắc kẹt giữa những căng thẳng và ngờ vực.
The Diplomat nhận định, quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc trong những tháng tới sẽ thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ tới Hàng Châu, Trung Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 4-5/9 tới.
Tại đây, ông Modi và “chủ nhà”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ có cơ hội bàn thảo về quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước. Ông Tập sau đó sẽ tới Ấn Độ tham gia Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại tiểu bang Goa, Ấn Độ vào ngày 15-16/10. Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Vientiane, Lào vào ngày 6-7/9.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Uzbekistan hồi tháng 6/2016. (Ảnh: PTI) |
Tuy nhiên, trong khi quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ đang ngày càng được tăng cường thì quan hệ với Trung Quốc đang mắc kẹt giữa những căng thẳng và ngờ vực, dù cả hai bên thường xuyên gặp gỡ.
Người ta từng hi vọng rằng sau khi ông Modi giữ chức thủ tướng Ấn Độ, quan hệ với Trung Quốc sẽ được cải thiện. Nhưng thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Ông Modi đã cố gắng để đưa Bắc Kinh trở thành đối tác tích cực trong phát triển kinh tế Ấn Độ, dẫu vậy, sự khởi đầu này không mấy thuận lợi. Trung Quốc không làm được điều mà Ấn Độ đã kỳ vọng.
Từ góc nhìn của Ấn Độ có thể thấy một số vấn đề làm xấu đi quan hệ song phương với Trung Quốc như sau: Trung Quốc không hỗ trợ Ấn Độ trở thành thành viên của Nhóm Cung ứng Hạt nhân (NSG); Bắc Kinh không đồng tình về các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với thủ lĩnh nhóm phiến quân Jaish-e-Mohammed, tên Masood Azhar và Trung Quốc đang tích cực ủng hộ Pakistan với Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), có vắt qua vùng Kashmir mà Pakistan đang kiểm soát, nơi mà Ấn Độ cũng tuyên bố chủ quyền.
Về phía Trung Quốc, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA về vụ kiện Biển Đông với Philippines là vấn đề nghiêm trọng mà Bắc Kinh đang quan tâm hàng đầu. Phán quyết khẳng định Trung Quốc không có “quyền lịch sử” với yêu sách phi lý “đường chín đoạn” bao trọn gần như toàn bộ Biển Đông.
Về vấn đề này, Ấn Độ duy trì quan điểm cân bằng sau phán quyết của PCA khi đưa ra tuyên bố dứt khoát rằng: “Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không trên biển, cũng như các hoạt động thương mại không bị cản trở, dựa trên những nguyên tắc của luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)”.
Tuyên bố cũng nêu thêm rằng “các tuyến đường biển qua Biển Đông là yếu tố then chốt ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển. Là một quốc gia thành viên của UNCLOS, Ấn Độ kêu gọi tất cả các bên liên quan thể hiện sự tôn trọng tối đa với UNCLOS”. Rõ ràng, Ấn Độ đang nhấn mạnh tới tính trung tâm của UNCLOS trong việc giải quyết tranh chấp.
Tháng 4 vừa qua tại Moscow, ngoại trưởng Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã có cuộc họp ba bên thường xuyên RIC, chỉ vài tháng trước khi PCA đưa ra phán quyết chính thức về Biển Đông. Trong thông cáo chung sau cuộc họp có nhắc tới vấn đề Biển Đông: “Nga, Ấn Độ và Trung Quốc cam kết sẽ duy trì trật tự pháp lý trên biển và đại dương, dựa vào những quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tất cả những tranh chấp nên được giải quyết thông qua đàm phán và các hiệp định giữa các bên liên quan. Về vấn đề này, các ngoại trưởng kêu gọi các bên tôn trọng đầy đủ tất cả các điều khoản của UNCLOS”.
Trung Quốc tập trung vào ý “tranh chấp nên được giải quyết thông qua đàm phán và giữa các bên liên quan” để khẳng định rằng Ấn Độ ủng hộ lập trường, quan điểm của Bắc Kinh trong việc giải quyết tranh chấp. Nhưng rõ ràng, đó chỉ là một phần trong thông cáo chung, không thể hiện quan điểm riêng của Ấn Độ về vấn đề này. Toàn bộ thông cáo chung cho thấy việc tôn trọng đầy đủ tất cả các điều khoản của UNCLOS là điều kiện thiết yếu để giải quyết các tranh chấp.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới tới thăm Ấn Độ từ ngày 12-14/8. Mục đích của chuyến đi này của ông Vương được cho là bàn thảo về các vấn đề liên quan tới G20 và BRICS, đồng thời “lôi kéo” Ấn Độ về phía Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, đặc biệt khi vấn đề này được đề cập tại G20 và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á bởi Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia khác.
Tuy nhiên, Trung Quốc nên hiểu rằng Đông Nam Á và Biển Đông có vai trò quan trọng đối với những lợi ích của Ấn Độ. Thương mại của Ấn Độ và các mối liên kết kinh tế tại Thái Bình Dương đang trở nên mạnh mẽ và sâu sắc hơn. ASEAN và vùng viễn đông của Thái Bình Dương đều là những khu vực trọng yếu của chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ. Mối quan hệ với những khu vực phía đông của châu Á đang là nhân tố hỗ trợ sống còn của sự phát triển kinh tế Ấn Độ. Với việc phụ thuộc ngày càng tăng vào eo biển Malacca với dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, kinh tế đang ngày càng trở thành yếu tố trụ cột trong chính sách Thái Bình Dương của Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Ấn Độ tin rằng những tranh chấp ở vùng Biển Đông là phép thử với luật biển quốc tế. Sau phán quyết của PCA, New Delhi cảm thấy bắt buộc phải có lập trường mang tính nguyên tăc về tự do hàng hải và tiếp cận thương mại.
Ngoài ra, Bắc Kinh cần biết New Delhi nhận thấy những hành động gây hấn của Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa với lợi ích chung của châu Á. Để góp phần vào trật tự hàng hải công bằng, Ấn Độ sẽ có lập trường nhằm khôi phục cân bằng chiến lược trên biển tại châu Á.
Tóm lại, những cuộc gặp trong hai tháng tới tạo cơ hội cho cả Ấn Độ và Trung Quốc siết chặt quan hệ. Nhưng điều đó chỉ xảy ra khi Trung Quốc nghiêm túc lưu tâm tới những vấn đề sống còn của Ấn Độ. Dù vậy, theo xu thế hiện tại, điều đó khó có khả năng xảy ra. Cả hai bên cần có những cuộc họp ở các cấp độ và tìm ra giả pháp có thể chấp nhận được cho cả đôi bên. Nếu không, một mô hình mới quản lý các mối quan hệ song phương phải được xây dựng giữa mối quan hệ hàng xóm vốn không dễ dàng từ trước tới nay.
Danh Tuyên
2016-08-25 15:16:05
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/an-do-trung-quoc-moi-quan-he-lang-gieng-khong-de-dang-a255740.html