Đi săn ở khu du lịch săn bắn Di Linh – Ảnh: Tư liệu
|
Mối duyên từ ông Yersin
Tam Thái tâm sự: “Thời học sinh tôi rất mê được đi đây đi đó. Năm 1976, lần đầu tiên tôi đặt chân lên cao nguyên Đà Lạt. Đến cây số 288, dưới chân đèo Prenn, tìm thăm một người bà con đi kinh tế mới từ Đà Nẵng vào. Gia đình ông sống giữa núi rừng xa lạ, suốt năm chưa lần nào gặp người quen biết. Ông Tám Mập – người bà con ấy – ôm chầm lấy tôi, khóc mếu: “Anh là… Yersin thứ hai của tụi tôi”. Lúc về, lòng tôi cứ vương vấn, chẳng rõ Yersin là cái ông nào. Lần mò tìm hiểu về Yersin, tôi đến Suối Dầu (Nha Trang) thăm mộ ông. Tôi không ngờ có quá nhiều người thương yêu ông, đến nỗi sau khi ông mất (1943) người ta còn lập miếu thờ “ông Năm”. Mới 26 tuổi, Yersin đã là bác sĩ nổi tiếng, vậy mà ông đã rũ bỏ công danh địa vị, đến Đông Dương và suốt đời ở lại Việt Nam để nghiên cứu y học, cống hiến đời mình cho xứ nghèo và cho cả nhân loại. Ở tuổi 30, Yersin đã ba lần thám hiểm cao nguyên Langbian và suýt bỏ mạng ở Dran. Có lẽ Đà Lạt sẽ không được như ngày hôm nay, nếu không có sự phát hiện và công sức ban đầu của bác sĩ Yersin…
Trong quá trình tìm hiểu về “ông Tây” Yersin, tôi tình cờ bắt gặp một “kho” tư liệu phim ảnh về Đà Lạt, được chụp vào thập niên 1950. Những bức ảnh này cho đến nay, tôi chưa thực sự được biết ai là tác giả. Nhưng sự ra đời của nó là có mục đích. Theo dự đoán của tôi, đây là những bức ảnh được thực hiện để phục vụ cho yêu cầu củng cố Hoàng Triều Cương thổ của vua Bảo Đại. Sang thời Ngô Đình Diệm, có bổ sung thêm một ít (1955 – 1958). Sau đó, không rõ như thế nào, nó lại lọt vào tay một tư nhân. Nhận thấy những hình ảnh này cần phải được công bố rộng rãi, nên tôi đã phải thương lượng với người chủ này, để mua lại toàn bộ phim gốc khổ lớn (6 x 6, 6 x 9 và 9 x 12 cm) này”.
Tập sách ảnh tâm huyết
Nhiếp ảnh gia Tam Thái |
Giở từng trang sách ảnh, mới thấy hết tâm huyết và công sức của Tam Thái. Mỗi bức ảnh chỉ ghi lại một thời điểm nhất định, nhưng Tam Thái còn làm kỹ hơn. Anh bỏ công tìm hiểu quá trình hình thành, giai đoạn được chụp vào ảnh (thập niên 1950), rồi so sánh thực trạng với hiện nay (2009) với nhiều chi tiết thú vị.
Chẳng hạn ở bức ảnh Đường bộ Phan Thiết – Đà Lạt 1952 (đoạn qua Di Linh), Tam Thái chú thích: “1906, Garnie (Công sứ Phan Thiết) và Cunhac (Công sứ Đà Lạt) đề xuất làm con đường từ Phan Thiết lên Di Linh (dài 80 km) nối vào đoạn Di Linh – Đà Lạt (đã có sẵn, dài 77 km)… hoàn tất năm 1914. Chiếc xe hơi hiệu Lorraine Dietrich của hãng SCAL là chuyến xe khách đầu tiên từ Sài Gòn ra Phan Thiết lên Đà Lạt, đã vượt một chặng đường dài 350 km, tốn hết 12 tiếng đồng hồ – một kỷ lục về tốc độ của nước ta hồi đó”.
Ở bức ảnh chụp Đường xe lửa Tháp Chàm – Đà Lạt 1952 (ảnh chụp đoàn tàu lửa chạy bằng hơi nước băng qua cây cầu sắt Dran cổ kính bắc ngang dòng sông Đa Nhim hùng vĩ) có ghi chú: “Khởi công 1903, hoàn thành 1933. Riêng đoạn qua đèo Krông Pha dài 10 km phải làm suốt 10 năm mới xong. Hàng ngàn phu làm đường bị đưa lên đây lao động. Cứ 100 người đi thì 50 người mãi mãi không về, vì khổ cực và sốt rét rừng. Toàn tuyến dài 85 km, vượt qua 5 hầm (hầm dài nhất 600m). Có 16 km đèo dốc quá cao (có đoạn cao 980m), phải thuê kỹ sư từ Thụy Điển sang thiết kế đường ray răng cưa. Năm 1938 khánh thành Ga Đà Lạt, là ga xe lửa đẹp nhất Đông Dương và có lẽ cả đến hiện nay! Năm 1964, xe lửa tạm ngừng lưu thông vì chiến tranh. Sau năm 1975, tiếp tục bỏ bê rồi ngành đường sắt tháo ray và phá cầu để bán sắt thép”. “Trên 30 năm, với kỳ công thiết kế, tiền của sưu thuế, tài nguyên khai thác và bao sinh mạng đã hy sinh cho con đường sắt này. Tiếc thay cũng chỉ sử dụng được trên 30 năm… Có dịp đến Băng-cốc, ghé thăm cầu sông Kwai, mới thấy người Thái đã biết lợi dụng quá khứ chiến tranh, biến cây cầu lịch sử thành cây cầu du lịch, thu hút biết bao trăm ngàn khách du lịch quốc tế mỗi năm… Ta giật mình nhìn lại: cây cầu sắt Dran tuyệt đẹp, từng oai hùng chứng tích 2 cuộc kháng chiến, đã nổi tiếng là một trong ba đường sắt răng cưa hiếm hoi trên thế giới, vừa bị tháo bỏ để lấy phế liệu cách đây không lâu”. (Lời bàn – trích từ bản thảo cuốn sách).
Xe lửa chạy qua cầu Dran – Ảnh: Tư liệu |
Ngoài đường sá giao thông, tập ảnh còn nhiều bức chụp thắng cảnh của núi rừng Langbian: các thác nước (Đăm B’ri, Bobla, Pongour, Liên Khương, thác Voi, Prenn, Datanla, Cam Ly, Ankroet…), rừng thông, đồi chè, bến xe, khách sạn, chợ cũ Đà Lạt, khu du lịch săn bắn Di Linh… Tất cả đều có những ghi chú hết sức chi tiết và thú vị.
Tình yêu Đà Lạt
Tam Thái bộc bạch: “Tôi không phải là cư dân Langbian, nhưng tôi yêu Đà Lạt, bởi Đà Lạt là nàng tiên của đất nước. Tình yêu đó là động lực thôi thúc tôi thực hiện tập sách này. Là nhà nhiếp ảnh, việc may mắn có được và chọn những bức ảnh cao nguyên cho tập sách, là việc thuận lợi. Riêng phần viết lời cho tập sách, tuy ngắn gọn, nhưng cũng mất nhiều thời gian, vì phải dựa trên từng bức ảnh để tìm về lịch sử liên hệ, bằng nhiều cách, nhiều nguồn khác nhau. Vốn từng là phóng viên, có ít vốn kiến thức nhất định, nên việc “hạ bút” cũng khá trôi chảy”.
* Anh tâm đắc nhất ảnh nào trong bộ sưu tập?
- Trên 150 bức ảnh chụp vào thập niên 1950, về chừng đó ngôi biệt thự cao nguyên, là một tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu và chiêm nghiệm về kiến trúc, xây dựng Đà Lạt. Ngoài ra, tôi vẫn thích những bức ảnh chụp về con người, bởi qua đó, ta được sống gần với quá khứ. Đặc biệt, các tấm ảnh chụp toàn cảnh Đà Lạt và Di Linh 1952 thật là giá trị, bởi những bản phim gốc này vẫn còn rất tốt để phóng lớn đến vài mét.
Còn bức ảnh tôi ưu ái nhất mỗi lần xem sách lại là bức ảnh chụp quốc lộ 20, đoạn gần Định Quán, với ngút ngàn rừng nguyên sinh, mà cây nào cây nấy đều to tròn như cái thúng.
* Phần II của tập sách anh muốn lưu ý với bạn đọc và nhà quản lý điều gì?
- Ngoài chương I là ảnh sưu tập và bài biên khảo, nhận định, chương II gồm một số bài đã đăng báo và ảnh của tôi chụp về vùng Lâm Đồng trên 25 năm qua. Trong một phần tư thế kỷ ấy, tôi chỉ khao khát và loay hoay với nỗi bất lực của mình về thiên nhiên vô giá, mà đất trời đã ban tặng cho cao nguyên này, đang ngày một vơi đi…
* Anh dự định gì với tập sách Langbian?
- Tập sách Ngày xưa, Langbian… là một câu chuyện dài 230 trang, kể bằng 300 bức ảnh và một số tư liệu trải dài qua thế kỷ. Sách đã làm ma-két xong, dĩ nhiên cần phải được đến tay bạn đọc. Nhưng gắng đến đây tôi thấy mình đã “quắc cần câu” (cười). Mặt khác, tôi còn đang lo tái bản tập sách Ký ức miền quê và đang thực hiện một tập sách khác về Sài Gòn. Vì vậy, tôi đã nghĩ đến vấn đề cần chuyển nhượng việc xuất bản, phát hành lại cho một vị nào đó có lòng quan tâm, cùng tiếp sức. Nếu được, sách sẽ phát hành vào dịp Festival Hoa Đà Lạt đầu tháng 1.2010, kết hợp với việc trưng bày một số ảnh lớn về Langbian cho mọi người cùng thưởng ngoạn. Vị nào quan tâm xin vui lòng liên hệ số điện thoại 0913158257.
Hà Đình Nguyên (thanhnien.com.vn)