ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Lặng lẽ Thái Tuấn
Tuesday, October 27, 2009 10:09
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Mới đây, nhân hai năm ngày mất của họa sĩ Thái Tuấn, một số anh em văn nghệ đã về lại căn nhà cũ của ông trên đường Lý Chính Thắng (quận 3, TP.HCM). Những ai lần đầu tiên đến căn nhà này sẽ khó tìm thấy vì nhà nằm khuất sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo của một xóm lao động mà ngày trước là bến tắm ngựa. Tại đây, Thái Tuấn đã sống những ngày cuối đời. Hiếm họa sĩ nào tài năng, có nhiều đóng góp vào lĩnh vực phê bình mỹ thuật dồi dào như ông. Vậy mà cũng thật khó tìm thấy một họa sĩ nào khiêm tốn, lặng lẽ hơn…

thaitua02
Tác phẩm của cố họa sĩ Thái Tuấn

Lại nói về căn nhà của ông ở. Theo anh Thái Kỳ, con trai ông, khi từ Bắc chuyển vào Nam, Thái Tuấn và gia đình chỉ chọn nơi này và ở đây. Anh nói: “Bố tôi là một người chung thủy. Ông rất ngại sự thay đổi. Với hội họa, nghệ thuật thì hết mình nhưng trong cuộc sống càng đơn giản bao nhiêu càng tốt…”. Căn nhà vì thế đã thành nơi lui tới của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng cả nước như Nguyễn Tuân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Hoàng Lập Ngôn (Hà Nội) hay Trịnh Công Sơn, Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Lưu Công Nhân, Dương Thụ, Nguyễn Đạt, Bùi Xuân Hiến (Sài Gòn)…

Tôi có tìm được một bài viết của Mai Thảo viết những năm 1960, tỏ ra khá ngạc nhiên khi đến chơi, và viết đại ý, căn nhà không có gì khác so với các nhà ở xóm nghèo lao động nếu không có hàng loạt tranh tưng bừng màu sắc cùng một chữ ký treo dày đặc trên tường, thậm chí tìm một chỗ thư thoáng để đặt giá vẽ cũng không có. “Tôi không cần giá vẽ – họa sĩ thổ lộ – Khi cảm hứng đến, để làm việc, tôi chỉ cần dựa bức tranh vào tủ sách là đủ…”. Nhưng như một nhà phê bình mỹ thuật nhận định: “Trong số họa sĩ Sài Gòn thì Thái Tuấn có một căn bản về hội họa vững vàng nhất”. Với ông, nghệ thuật quan trọng phải phát triển cái cá tính tiềm ẩn bên trong, chứ không phải sao chép sự hào nhoáng bên ngoài. Và mới hơn, hiện đại hơn, nhiều bài viết trong tập Câu chuyện hội họa (Nxb Văn Nghệ, 2007, tái bản lần thứ ba), Thái Tuấn đưa ra quan điểm tất cả các bộ môn văn nghệ đều bổ khuyết cho nhau, nương tựa và tìm hiểu lẫn nhau. “Hội họa không có âm nhạc là hội họa điếc. Âm nhạc không có hội họa là âm nhạc mù…”. Với cách nhìn khoa học tưởng thông thoáng nhưng nghiêm ngặt và có tính phũ triệt ấy, ông còn là một nhà phê bình mỹ thuật đặc sắc mà đóng góp khiêm tốn của ông trong sự phát triển của hội họa Sài Gòn có vị trí không thể phủ nhận.

Sau khi xuất cảnh, định cư tại Orléans (Pháp) cùng gia đình, giữa những năm 2006, Thái Tuấn về nước. Ông “trở về mái nhà xưa”, nơi mà tôi, vì chơi với anh Thái Kỳ, con trai ông, thường lui tới và có chút văn nghệ, chữ nghĩa nên ông quý và xem như “anh bạn trẻ chơi được”, khá tâm giao. Cũng trẻ như tôi, nhà sưu tập Lê Thái Sơn là người biết quý trọng tài năng ông đã chủ động mua toan, màu, cọ… sẵn sàng để ông khi nào có cảm hứng cũng có thể vẽ. Và sự chí tình đó của anh em, bạn bè mến mộ phần nào đóng góp vào thành công của triển lãm Về nguồn cuối cùng của ông ở gallery Tự Do tháng 12/2006 khi ông bước vào tuổi 88 với 13 bức tranh vẽ thuộc hai đề tài phong cảnh và thiếu nữ, với một năng lực sáng tạo đáng ngạc nhiên, ít khi thấy ở một nghệ sĩ cao tuổi như vậy.

Với người nghệ sĩ, tuổi tác càng cao, sự trở về với hoài niệm, với thế giới ngày xưa thường trực hơn. Với Thái Tuấn, ông ít khi giãi bày hay bộc lộ điều ấy ra ngoài. Nhưng mỗi lần ghé thăm, nhìn ông loay hoay trên căn gác nhỉnh sáu mét vuông, nhỏ như cái chuồng chim, tôi lại chạnh lòng. Trong phòng, sự bày biện tỏ rõ sự đơn chiếc, hiu quạnh của “ông già độc thân”. Tôi nghĩ, cho dù mặc lãnh tuổi tác sứ mệnh thế nào, hình ảnh một người đàn ông độc thân, thiếu hơi ấm chăm sóc của bàn tay người đàn bà quá lâu vốn cô đơn lại càng cô độc hơn. Hình ảnh đó buồn bã hơn một người đàn bà đơn chiếc. Với sự thủy chung lặng lẽ, ông đã vẽ một bức chân dung khá đẹp người vợ hiền đã mất, thay ảnh thờ. Ông như sống trong hoài niệm với bà. Cách bài trí giản tiện nhiều khoảng trống của căn phòng làm bức chân dung càng nổi bật. Một tivi. Một máy lạnh và rất nhiều màu, toan… Nhiều bức tranh phác dang dở. Ánh đèn nê-ông trắng toát gợi lên cảnh cô vắng của một bệnh viện. Cửa thường đóng kín. Đó là những suy nghĩ và ghi chép trong nhật ký của tôi mỗi khi đến thăm ông. Và tôi muốn chép lại ấn tượng thực như tôi đã từng nghĩ như thế. Một cái thế giới về chiều lặng lẽ.

thaitua03

Vợ ông mất ở Pháp. Ông đã đưa hài cốt của bà về quê hương để gửi vào nhà nguyện. Ông kể cho tôi nghe cảm giác đó. Một họa sĩ già bên hài cốt của người vợ yêu dấu trên một chuyến bay tìm cố xứ. Một người vợ sắt son chung thủy mà ông hãnh diện trên mỗi bước đường truân chuyên của nghệ thuật hay đời sống đều ở bên cạnh chồng. Và bà đã hiện diện không ít thì nhiều trong tất cả những tác phẩm của ông vẽ về thiếu nữ. Anh Thái Kỳ kể, bà luôn luôn chiều chồng. Ngay cả bản tính “thủy chung” có thể xem trong nhiều tình huống là “khắc kỷ” của ông. Bà gốc người Hoa, rất khéo buôn bán. Trong gia đình, bà luôn là người quán xuyến lo toan mọi thứ. Bà buôn kim cương, hột xoàn và giỏi đến mức đã nhiều lần bàn với chồng nên mua một căn nhà khác rộng rãi, vị thế hơn. Ông đã cùng bà đi xem nhà ở khu Đặng Dung, Trương Định… những khu trung tâm Sài Gòn. Nhưng cuối cùng, Thái Tuấn vẫn quyết ở lại với căn nhà “bến tắm ngựa” mà ông cư ngụ đầu tiên khi từ Bắc chuyển vào. Ông thích những gì quen thuộc. Cả tiếng chó sủa hay tiếng cãi nhau của cặp vợ chồng hàng xóm. Trong tranh ông, nếu tinh tế sẽ đọc thấy hơi thở chất nặng của đời sống trong những khối màu tro, xám, u uẩn, chìm lặng đó. Sự thủy chung với cảnh còn thế huống hồ với người. Ông có lần tâm sự với tôi, sau khi bà mất, ông cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa nữa. Việc đưa hài cốt của bà về Việt Nam với ông là thực nguyện lớn nhất cuối đời. Khi mất đi, ông vẫn muốn ở bên cạnh bà.

Có thể ví họa sĩ Thái Tuấn là một mẫu hình của lớp nghệ sĩ mẫu mực đánh giá rất cao tính ổn định, hạnh phúc, gia đình. Vì thế trong tranh ông gần như không bao giờ tìm thấy dấu vết của sự chấn động, đảo lộn, mất thăng bằng hay phiêu lưu. Ngay cả những tháng năm định cư ở Pháp, tâm hồn và tranh ông vẫn là những đề tài thân thuộc của Việt Nam. Ở xứ sở được cho là khởi nguyên, cọ xát trực tiếp với các trào lưu nghệ thuật hiện đại thế giới, ông vẫn giữ sự quê kiểng cho tranh mình: chất Việt. Nhiều bạn trẻ hôm nay xem tranh ông như gặp lại những làng, thị trấn cũ kỹ, chiếc lá, khăn mỏ quạ, ánh lửa bếp nhen nhóm chiều tà… đó là cảnh và phong vị con người, tâm hồn đầu thế kỷ. Nhưng dưỡng chất văn hóa, bản nguyên, nếp nhà ông luôn lấy sự thủy chung bảo chứng!

Tính chung thủy của Thái Tuấn còn để lại khá nhiều giai thoại. Ông là người thích hút pipe, ngậm tẩu. Ông chung tình với pipe hơn 50 năm. Ông yêu cái cảm giác vừa nói chuyện với bạn bè. Vừa im lặng suy tư. Vừa phà khói để thấy mình không cô độc khi đến cùng đối thoại, tranh luận mỗi nghệ sĩ có vẻ như lại rút về một phía chiến tuyến. Đó là cảm giác mà nhà thơ, dịch giả Diễm Châu viết “Có một người vừa đi vừa phòng ngự/ Lâu ngày đường biến thành pháo đài”. Một pháo đài nghệ thuật lặng lẽ tỏa khói. Đến nỗi sau này khi tuổi cao, thanh quản bị thu hẹp do di chứng hút pipe, tiếng nói ông bị rè không còn nghe rõ nữa. Ngậm pipe đối với ông không chỉ hút, nhồi thuốc mà còn là thái độ trân trọng với cái đẹp. Nhìn bức chân dung tự họa, ông vẽ người đàn ông đang cầm tẩu thuốc trên tay, mắt nhìn xa xăm rất văn hóa, thư thái và uyển nhã. Và khi bác sĩ khuyến cáo ông không nên dùng pipe nữa thì ông cũng bỏ luôn thuốc lá.

Trong chất giọng bị rè, khàn không rõ tiếng đó, ông luôn muốn nói về những ấp ủ, những khai phóng nghệ thuật. Nhiều khi nói chuyện với ông tôi cảm giác như nghe những ngọn gió. Ở chiều kích nào ông cũng lật trở, chiêm ngắm. Có lần tôi hỏi ông: “Sao vẽ tranh thiếu nữ ít khi thấy bác vẽ mũi?”. Ông cười, bảo: “Tôi chủ đích như thế!”. Rồi ông giảng giải: “Nhân tướng cho rằng qua mũi có thể đọc được tính cách, thời vận con người. Từ điển giải thích mũi dùng để ngửi, đánh hơi. Nghệ thuật mà vẽ rõ ràng quá thì không đẹp”. Thái Tuấn viết: “Nói đến hội họa là nói đến sáng tạo. Sáng tạo không phải là chép lại sự vật, bắt chước đúng như thiên nhiên, vì nói đến sự bắt chước là nghĩ tới chuyện làm giả. Làm bạc giả, làm rượu giả, làm thuốc giả hay giả thiên nhiên cũng vậy. Tác phẩm hội họa nào cũng bắt buộc phải có một phần rút ở sự thực và một phần lý tưởng…”. Và ông kết luận “Tất nhiên là công việc về nghệ thuật không thể giao phó cho một người thợ, dù là bác thợ giỏi. Người thợ làm nhiều suy nghĩ ít. Còn người nghệ sĩ suy nghĩ nhiều hơn làm…”

Nguyễn Hữu Hồng Minh (TT&VH)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.