Xé giấy làm nên… nghệ thuật
Họa sĩ Chiêu Đồng
|
Họa sĩ Chiêu Đồng tên đầy đủ là Lâm Chiêu Đồng, từ lúc sinh (năm 1956) đến nay đều ở tỉnh Vĩnh Long. Ông bắt đầu sáng tác tranh xé giấy dán vào năm 1985. Vì gánh nặng mưu sinh, ông đã bỏ giấc mơ hội họa một thời gian khá dài. Mãi đến năm 2000, sau một cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh, những sắc màu hội họa đã trở lại với ông. Thật ra, họa sĩ Chiêu Đồng không chỉ chuyên thể loại tranh xé giấy dán. Tiểu sử nghệ thuật của ông còn ghi thêm các loại tranh khác, như: thủy mặc, sơn dầu, sơn mài… cùng những tác phẩm điêu khắc bằng giấy do ông tự tạo giả gỗ, giả đá, giả đồng… Nhưng nhắc đến họa sĩ Chiêu Đồng, làng họa Việt chỉ cần biết đến ông qua thể loại tranh xé giấy dán là đủ. Bởi với thể loại tranh này, ông đã được công nhận bởi công chúng (người sưu tập) và các giải thưởng mỹ thuật khu vực và quốc gia, như: hai lần nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp VHNT VN và nhiều lần nhận giải thưởng triển lãm khu vực ĐBSCL…
Trong tranh xé giấy dán, có rất ít họa sĩ tham gia sáng tác thể loại tranh này, có thể điểm danh: Nguyễn Bá Văn, Hồ Hoàng Đại… Ít họa sĩ sáng tác với “giấy vụn” đơn giản vì công việc này quá sức nhọc nhằn. Thêm nữa, như nhận xét của nhiều họa sĩ lâu năm, tranh xé giấy dán vừa rất “nhọc nhằn” nhưng đôi khi “chẳng làm nên công cán gì”, lại rất dễ bị xem là “hàng mỹ nghệ” do khéo tay mà có. Riêng với họa sĩ Chiêu Đồng, sự nhọc nhằn của ông với dòng tranh giấy dán đã được đền đáp. Thành quả mà Chiêu Đồng đạt được không nằm ngoài ý thức sáng tạo của chính ông, đó là: Tạo nên chiều sâu nghệ thuật trong mỗi bức tranh thay vì chỉ có sự tỉ mẩn, chăm chút bề ngoài. Chẳng thế mà, có người nhận xét rằng: “Màu sắc trong tranh của Lâm Chiêu Đồng là màu sắc của một tâm hồn lộng lẫy”.
Ngoài những tác phẩm tái hiện ký ức của mình, như: Tiếng rao trưa, Bầu trời tuổi thơ, Mùa quê khô khát, Cầu khỉ đung đưa…, rất nhiều tác phẩm của họa sĩ Chiêu Đồng lấy chủ đề thiên nhiên, những dòng sông ở quê ông làm chủ đạo: Quê hương còn mãi màu xanh, Khắc khoải những dòng kênh, Xanh lại những dòng kênh… Người phải có ký ức đẹp gắn liền với một vùng đất mới yêu thiên nhiên như thế. Họa sĩ Chiêu Đồng cho biết: “Tôi dễ dàng làm ra những bức tranh núi non hùng vĩ rất đẹp, nhưng đó sẽ là cái đẹp vô hồn. Còn sông nước bình lặng, con người lam lũ, mộc mạc quê tôi, tưởng chẳng có “sắc màu, đường nét” gì hoành tráng, lại lưu giữ tất cả những gì lung linh nhất của đời tôi”. |
Mỗi năm “vẽ” khoảng 10 tác phẩm
Ao súng tím
|
Để có được một gam màu đúng vị trí của bức tranh, nhiều khi Chiêu Đồng phải mất vài tháng trời tìm giấy. Chẳng hạn như một vệt khói bếp chiều quê giữa rừng tràm, rừng đước xanh ngát, ông đã “đau đầu” tìm màu giấy hàng tháng ròng. Vật liệu giấy của ông gồm các loại bìa tạp chí, lịch tờ, hộp bìa cứng…, nghĩa là giấy phế liệu hoặc giấy bạn bè, hàng xóm thay vì vứt đi mang đến cho ông. Cứ thế, ông chọn màu, vừa xé vừa dán làm nên bức tranh. Lẽ thường của các họa sĩ, “phát” xong mới “họa”. Chiêu Đồng không “phát” mà chỉ “họa” bằng cách xé giấy dán thẳng lên “bố cục” đã định sẵn trong đầu của giấc mơ màu sắc hiện lên từ thưở chiêm bao. Nói vậy, nhưng để hoàn thành một bức tranh, ông đã làm việc không nhẹ nhàng như “một giấc mơ”. Ông cho biết: “Mỗi năm tôi chỉ sáng tác được khoảng 10 bức tranh”. Thông qua cách thức sáng tạo của họa sĩ Chiêu Đồng, mới hiểu tại sao tranh của ông “đắt hàng” ngay giữa thời khủng hoảng kinh tế này. Theo ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc gallery Phương Mai, giá mỗi tác phẩm của họa sĩ Chiêu Đồng từ 400 – 1.400 USD tùy kích cỡ. Giá tranh của họa sĩ Chiêu Đồng thuộc loại “chấp nhận được” so với thị trường mỹ thuật VN hiện nay. Tuy giá tranh “dễ thở” như thế, nhưng nhiều khi họa sĩ Chiêu Đồng cũng phải đành lòng “bán nợ”, vì người mua rất thích tranh, còn tiền thì đang… kẹt.
Hiện nay, nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc dùng các vật liệu phế thải để làm nên những tác phẩm nghệ thuật được công chúng đón nhận. Họa sĩ Chiêu Đồng, ngay từ năm 1985 đã dùng giấy vụn “vẽ tranh”, phải chăng ông đã “đi trước thời đại” trong việc này, ít nhất là ý thức bảo vệ môi trường? Hỏi ông, ông cười: “Tính mình kỹ lưỡng và tằn tiện, thấy giấy còn đẹp mà bỏ đi thì lãng phí”.
Tiếng rao trưa
Chiều rơi trên sông
Cầu khỉ đung đưa
Bóng ngả đường chiều
|
Thanh Kiều (TT&VH)