ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Tưởng rằng của chung
Thursday, October 29, 2009 23:53
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


nbhngd
Biến chung thành riêng

Tính đến tháng 10/2009, phiên tòa xử ly hôn giữa chị Nguyễn Thị Hoài Thư và anh Hoàng Văn Tiến (Q.3, TP.HCM) đã kết thúc đúng một năm, nhưng sức khỏe, tinh thần của chị vẫn chưa thể hồi phục. Ngoài sức tưởng tượng của chị, từ một người có tiền tỷ, đầy đủ nhà cửa, ô tô, đất đai… đùng một cái, chị thành người tay trắng.

15 năm chung sống, anh chị luôn là một cặp đẹp đôi. Chị đi công tác đâu xa, anh cũng đưa tận cơ quan, đúng hẹn đến đón về. Mỗi ngày chị đi làm, đến giờ ăn, giờ nghỉ trưa, anh lại nhắn tin nhắc vợ nghỉ ngơi, ăn uống đúng giờ. Hôm nào về muộn, anh cũng “báo cáo vợ yên tâm”. Chị Thư phẫn nộ: “Tôi không ngờ đó chỉ là cái vỏ che đậy sự dối trá. Gia đình anh ta chê tôi không biết sinh con trai nên đã âm thầm tìm người nối dõi bằng cách tiếp tay cho anh dối gạt tôi…”.

Đã thế, khi chị Thư phát hiện chồng có con trai, chưa kịp lên tiếng, anh đã chìa lá đơn ly hôn, chẳng biết viết sẵn từ lúc nào. Chị nhớ lại: “Tôi ký mà không biết trong đơn anh ấy viết điều gì nữa…”. Ngày ra tòa mới thật sự là thảm họa khi chị nghe tòa đọc đơn: “tài sản chung không có”. Mới 28 tháng trước, chị đã cùng anh bán hết đất, ô tô và căn nhà nhỏ trong hẻm ở đường Lê Văn Sỹ (Q.Phú Nhuận) để cất một biệt thự mới ngay mặt tiền trung tâm Q.3 do ba má chồng cho. Chị cũng không ngờ khối tài sản hơn 800 cây vàng mà chị góp vào một phần đã được anh em chồng chị khéo léo biến nó thành “tài sản riêng mà anh Tiến được cha mẹ để lại từ di sản gia tộc”. Trước tòa, chị đuối lý! 15 năm chung sống, chị vừa mất của, vừa mất quyền nuôi dưỡng trực tiếp hai con nhỏ do không có chỗ ở ổn định, việc làm bấp bênh. Chị đã toan tự tử mấy lần…

Sau chuyến công tác ở Hà Nội một tháng về, chị Nguyễn Thị Trang, ngụ ở P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM phát hiện toàn bộ tài sản có giá trị trong nhà không cánh mà bay. Vặn hỏi, anh Lê Văn Tùng – chồng chị, thản nhiên nói anh bán để trả nợ hết rồi. Uất nghẹn nhưng ngày ra tòa chị chỉ có thể kể lại thôi chứ các tài sản anh đã bán, chị không có giấy tờ gì chứng minh là nó từng tồn tại. Anh khéo đến mức đã hủy tất cả các chứng từ.

Chị Trần Thị Miên lập gia đình với anh Nguyễn Văn Tuấn năm 18 tuổi. Ban đầu, họ sống với nhau trong căn nhà lá giữa hai công đất ruộng gia đình anh Tuấn chia cho. Tám năm sau, đôi vợ chồng phất lên với nghề làm bánh tét, bánh ít bỏ mối cho các chợ ở Rạch Giá, Kiên Giang. Mười hai năm trước, khi con gái lớn tám tuổi, con trai nhỏ lên năm, chị Miên phát hiện anh Tuấn lập phòng nhì ở thị xã Vị Thanh – Hậu Giang. Không ghen tuông ầm ĩ, chị chỉ gọi anh về khuyên nhủ. Bề ngoài có vẻ nghe lời vợ, anh Tuấn cũng quay về lo lắng làm ăn nhưng bụng sắp sẵn một âm mưu. Anh nói: “Anh sẽ thay vợ lo toàn bộ chuyện đối nội, đối ngoại”. Thấy được chồng “bảo bọc” chị Miên rất vui lòng, còn cảm thấy tự hào. Công việc làm ăn thuận lợi, năm 2000, anh đề nghị chị bán nhà cũ, mua một biệt thư gần chợ Giồng Riềng để tiện việc chợ búa. Chị đồng ý ngay.

Khi mua bán căn biệt thự mới, dù có mặt cả hai vợ chồng nhưng anh Tuấn không đứng tên mua mà để má ruột anh làm giấy chủ quyền nhà! Năm 2006, anh bàn với chị đổi chiếc xe tải nhỏ cũ mua chiếc xe mới, anh lại để cho người em gái anh đứng tên… Cách đây hai năm, anh Tuấn công khai vẫn còn mối quan hệ với người vợ trẻ hơn chị Miên tám tuổi ở thị xã Vị Thanh ngày trước! Anh bỏ hẳn nhà cửa, mặc chị vừa buôn bán, vừa lo cho hai đứa con. Tháng 12/2008, chị Miên nhận giấy triệu tập của tòa án huyện Giồng Riềng để giải quyết đơn xin ly hôn của anh Tuấn. Trong đơn anh Tuấn trình bày: Tài sản chung không có. Chị Miên khóc: “Tài sản chung hơn 10 tỷ đồng mà anh ta “hô biến” thành của ai đâu hết! Mãi đến khi ra tòa, tôi mới té ngửa là mình không hề sở hữu bất kỳ một thứ gì trong khối tài sản mà mình đã đổ mồ hôi nước mắt tạo dựng trong suốt 21 năm…”.

Luật rõ ràng, nhưng…

Luật sư Trương Thị Cẩm Hòa – Trưởng văn phòng Trợ giúp pháp lý miễn phí cho phụ nữ (431/2 B Nguyễn Kiệm, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết : “Điều 27, 28 của Luật HNGĐ VN 2000 quy định về tài sản chung và riêng thời kỳ hôn nhân rất rõ ràng, nhưng tại điều 223 Luật Dân sự cũng nêu rõ: trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung. Nhưng thực tế, khi xác định tài sản chung – riêng để bảo vệ quyền lợi khi ly hôn vẫn gặp không ít khó khăn. Sự phát triển, bảo tồn khối tài sản chung phụ thuộc vào đạo đức, hiểu biết và sự tôn trọng, công khai, minh bạch của đối tượng tham gia hôn nhân. Nếu một trong hai có ý đồ đen tối, thủ riêng, tẩu tán tài sản… thì người kia sẽ bị thiệt thòi! Luật HNGĐ cần điều chỉnh, thêm phần bồi thường nếu có chứng cứ chứng minh việc tẩu tán tài sản… Quan trọng nhất là luật nên tính “công sức đóng góp trong quá trình hôn nhân”, đặc biệt đối với chị em phụ nữ, vì họ thường phải hy sinh rất nhiều cho gia đình chung, mà sự hy sinh đó là một thứ “tài sản vô hình”, xem như họ mất trắng sau ly hôn!”.

Không ít thẩm phán đã thẳng thắn rằng, họ ngán ngại nhất khi đối diện với các bản án ly hôn có tranh chấp tài sản, đặc biệt là khi có một bên tố giác tài sản chung bị tẩu tán. Khi đó, việc xác định tài sản chung của vợ chồng… khó khăn vô kể. Thẩm phán Trương Việt Hồng, Phó chánh án TAND Q.Thủ Đức, TP.HCM cho biết: “Việc biển thủ, tẩu tán tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân tuy không nhiều nhưng những vụ án có yếu tố này luôn khiến chúng tôi đau đầu! Thông thường, tài sản vợ chồng là… “tài sản chìm”. Ra tòa, chồng khẳng định nhà có 20 lượng vàng, vợ khai đã ăn dần, mua sắm hay trả nợ hết rồi… thì làm sao để chứng minh, làm rõ? Nhiều trường hợp nhà cửa, đất đai mua sắm trong thời kỳ hôn nhân, chỉ một người đứng tên, thẩm phán hay hội đồng xét xử không thể dựa vào cảm nhận, phán đoán mà phán quyết, phải dựa trên chứng cứ chứng minh. Không chỉ nam giới, mà nhiều phụ nữ cũng “biển thủ tài sản” rất tinh vi…”.

Tình mặn mòi, của rạch ròi

Quan niệm rạch ròi đối với tài sản chung – riêng trong hôn nhân gia đình Việt Nam vẫn còn xa lạ với số đông. Nhiều chị em cho biết, họ đã bị phản ứng mạnh bởi người yêu và nhất là người chồng khi “lỡ dại” đề cập đến vấn đề tế nhị này. Thậm chí có anh còn đòi… chia tay, cho là mình bị xem thường nữa.

Chị Nguyễn Kim Như vốn là con nhà giàu, khi kết hôn được ba mẹ cho nhà cửa, vốn liếng… Chỉ vì chị lỡ miệng nói với chồng: “Của này ba má chia cho một mình em” mà từ đó, anh làm được bao nhiêu là lo thủ riêng. Cái gì cần đóng góp thì chị kê khai, anh đóng đủ theo yêu cầu. Ngay cả chi phí sinh nở, nuôi con, con đau bệnh… cũng phải chia đôi! Chị khóc, anh lạnh lùng: “Chính cô là người muốn có sự rõ ràng, công bằng ngay từ đầu mà”.

Phỏng vấn hơn 20 người trẻ ở NVH Thanh Niên trong chủ nhật đầu tháng 10/2009, chúng tôi bắt được một mạch tư duy rất mới về tài sản vợ chồng: “Yêu hết mình, của phân minh!”. Trần Thị Minh Nhiên, 23 tuổi, sinh viên năm cuối trường ĐH Kinh tế TP.HCM nói: “Theo tôi, cả hai vợ chồng vừa phải có trách nhiệm tạo lập cái chung, vừa phải biết giữ gìn tài sản đó – hai trách nhiệm này luôn bằng nhau. Khi để một bên “di cư tài sản chung” mà không hay biết là bạn đã thiếu trách nhiệm với cuộc hôn nhân của mình. Không thể nói tin chồng là “giao khoán” cho anh ta hết”.

Anh Lê Duy Phương, ngụ ở đường Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.HCM đang chuẩn bị kết hôn trong mùa cưới 2009 chia sẻ: “Theo tôi việc rạch ròi tài sản phải ngay từ đầu, từ trước khi kết hôn là một chuyện nên làm. Ông bà ta từng nói: “của chồng, công vợ”, nếu tài sản chung biến thành của riêng, chắc chắn cuộc hôn nhân đó khó tồn tại.”

Cách nhìn, cách nghĩ của những người trẻ ấy có thể cũng là cách tốt để khi đối diện với một sự phân chia nào đó, mỗi người trong cuộc không cảm thấy bẽ bàng, hụt hẫng hay suy sụp vì “mất trắng”!

Theo Luật HNGĐ: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng (Điều 27).

Nghi Anh
theo phunuonline

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.