ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Cô trò nhỏ với đôi chân kì diệu
Sunday, November 1, 2009 15:59
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Lê Thị Thắm sinh ra không có cả hai tay do bị ảnh hưởng chất độc màu da cam từ bà ngoại. Với nỗ lực của bản thân, sự chăm sóc của gia đình, cô bé hiếu học đã kiên trì tập viết và làm nhiều việc bằng đôi chân. Từ khi đi học, cô học trò trường tiểu học Đông Thịnh, Đông Sơn, Thanh Hóa, luôn là học sinh xuất sắc.


Doi20c02
Em Thắm và mẹ

Di họa chiến tranh

Chị Nguyễn Thị Tình không thể nào quên được cái hồi đầu năm 1998 ấy. Chị đã ngất lịm đi khi nhìn thấy đứa con bé bỏng của mình chỉ là một hài nhi yếu ớt, nhỏ bé và thiếu hẳn đôi cánh tay. “Khi mới sinh ra bà ngoại đã đem cháu giấu đi không cho tôi biết, phải đến một tuần sau tôi mới biết cháu bị như vậy, mỗi lần nhìn nó, cho nó bú mà tôi không sao cầm được nước mắt, mọi người ai cũng thấy thương và xót xa cho thân phận cháu” – Chị Tình nhớ lại.

Đứa con bất hạnh của chị đã bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bà ngoại mình. Ngày đó, bà từng tham gia chiến đấu trong chiến trường Tây Nguyên ác liệt rồi bị nhiễm chất độc Đioxin quái ác.

Anh Lê Xuân Hân (bố em Thắm) kể: “Trông Thắm lúc ấy tội nghiệp, thân hình gầy tong teo, da xanh lét, ốm đau triền miên, không còn sức sống. Suốt mấy năm trời vợ chồng tôi bồng con lặn lội khắp nơi chạy chữa. Mọi tiền nong tôi đều đổ dồn vào mua thuốc thang cho cháu”.

Do khiếm khuyết về thân thể nên phải hơn nửa năm Thắm mới biết lật, một tuổi rưỡi mới biết trườn và ba năm sau bắt đầu tập đi, lên 4 tuổi Thắm mới nói rõ. Lên 5 tuổi, Thắm được mẹ cho vào học lớp mẫu giáo. Cảm thương số phận của Thắm, cô giáo đã hết lòng tập cho em viết những nét chữ đầu tiên bằng chân.

Nét chữ đầu tiên

Mỗi lần ra đầu ngõ, thấy các bạn cùng trang lứa tung tăng cắp sách đến trường, Thắm buồn vì mình không được như các bạn, rồi em cũng nằng nặc đòi đi học. Mẹ ngậm ngùi: “Con có tay mô để cắp cặp, để cầm bút mà viết, đi học làm sao được?”.

Thế rồi cô bé miệt mài tập viết bằng chân. Bàn chân khô cứng chẳng biết làm gì ngoài việc đi lại, với cây viết chúng trở nên khó bảo. Em ngồi lì cặm cụi cố nắn nót. Hai ngón chân bị phồng rộp da, tê cứng. Mỗi lần nhìn con tập viết, nước mắt đẫm gương mặt khắc khổ của đôi vợ chồng nghèo. Khuyên ngăn mãi không được, họ lại động viên, tìm cách giúp đỡ con. Thấy con thích học chữ, anh ân bỏ công bỏ buổi kèm cặp cho con chỉ với ý nghĩ là để con đỡ buồn, đỡ cô đơn chứ không dám hy vọng gì hơn. Nhưng không ngờ Thắm lại học rất nhanh, học say mê, học quên ăn quên ngủ, Thắm tiếp tục học viết bằng phấn bất chấp cả việc phấn ăn vào kẽ chân khiến chân bị loét, máu tứa ra. Đêm đêm, người mẹ lại lấy thuốc bôi vào chỗ loét, nhưng hôm sau vết thương lại như cũ vì Thắm nhất quyết không chịu rời viên phấn, cây bút…

Tranh do Thắm vẽ bằng chân

Khó có thể tả được niềm vui của Thắm khi được nhận vào lớp học. Ngày khai trường người cha lủi thủi dắt đứa con tật nguyền vào tận lớp. Thầy cô tròn xoe đôi mắt, ái ngại. Như tự khẳng định mình Thắm vào lớp dùng chân mở cặp, bỏ sách ra viết liền một mạch trước sự kinh ngạc của cả lớp. Những ngày học tiếp theo Thắm kiên quyết tập đứng một chân, còn chân kia thì cầm phấn viết lên bảng để có thể xung phong chữa bài tập như các bạn. Cứ như thế, em cần cù, chịu đau, chịu khó, dù cho vào những ngày nóng nực, mồ hôi nhỏ xuống nhòe hết cả trang giấy, mùa đông đôi bàn chân tê cứng vì cái giá lạnh, điều khiển cây bút cực kỳ khó khăn. Nhiều hôm, do viết nhiều quá, Thắm bị chuột rút khiến các ngón chân của em bị co quắp, cứng đờ, đau đớn. Vất vả là thế nhưng Thắm chưa bao giờ khóc, chưa bao giờ chịu bỏ cuộc, suốt 6 năm đi học em chưa từng nghỉ dù chỉ một buổi.

Đôi chân làm nên tất cả

Điều đáng nói là Thắm đều làm mọi việc bằng chân trái nhưng chữ viết rất nhanh, rất đẹp, chữ nào ra chữ nấy, tròn vành vạnh, đều tăm tắp. Suốt những năm học qua, Thắm luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập. Toán và Văn là hai môn em thích nhất, trong những bài kiểm tra của em chưa hề có một điểm xấu.

Suốt những năm học qua, ấn tượng về cô học trò nhỏ đặc biệt đối với thầy cô giáo là sự chăm chỉ học giỏi. Luôn đạt những thành tích cao trong học tập, nhiều lần đạt giải trong các cuộc thi vở sạch chữ đẹp do trường, huyện, tỉnh tổ chức.

Với sự nỗ lực của bản thân và sự tập luyện chăm chỉ, giờ đây đôi chân thon dài nhỏ bé của Thắm còn làm được nhiều việc khiến người ta phải thán phục. Chân trái gắp cây kim nhỏ xíu trên mặt bàn, chân phải cầm chỉ khéo léo xâu vào chỉ mất chưa đầy 5 giây, nhẹ nhàng nhấc khung thêu lên thêu những bông hoa, con chim, dòng chữ… Thắm thường thêu lên những chiếc khăn mùi xoa để tặng mẹ, cầm chiếc khăn mà chị Tình không giấu được lòng xúc động: “Cháu nó bảo tặng mẹ, mỗi khi đi làm đồng mệt mẹ lấy khăn ra lau những giọt mồ hôi”.

Thắm giúp mẹ nấu cơm hoàn toàn bằng chân. Bố mẹ đi làm đồng, Thắm ở nhà học bài và trông em. Anh Hân nói: “Ngay từ những ngày chập chững bước đi cháu đã có nhận thức sớm hơn những đứa trẻ cùng tuổi và đặc biệt sớm ý thức về khiếm khuyết trên cơ thể nên đã thể hiện sự cố gắng ngay từ thuở bé ở những sinh hoạt đời thường, biết tự lập dùng đôi chân làm việc thay đôi tay. Nhiều khi thấy cháu làm mà tội nghiệp định giúp cháu nhưng lại thôi bởi cách giúp con tốt nhất là để cháu tự rèn luyện”.

Mới đây Thắm lại có một sở thích nữa là vẽ. Mỗi bức tranh mang một xúc cảm của cô bé. Năm 2007, Thắm đã được giải nhì cuộc thi vẽ tranh của Hội Mỹ thuật tỉnh Thanh Hoá. Thắm đang cố gắng tập đánh máy vi tính, sử dụng bàn phím, con chuột thành thạo. Những trang vở do Thắm viết bằng chân trái đã hiện diện trong một cuộc triển lãm mang tên “Những phụ nữ vượt lên số phận” tại bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh của em đã in đậm trong tâm trí của hàng ngàn khách tham quan.

Chúc Thắm sớm thực hiện được ước mơ.

Hoàng Dân – Hoàng Chiên
theo doisongphapluat.com.vn

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.