Chị là Nguyễn Thị Cho, năm nay 42 tuổi, một trái mìn còn sót lại thời chiến tranh đã lấy mất một chân của chị khi chị còn bé thơ. Còn anh là Trần Chí Thành, 50 tuổi, một cơn sốt bại liệt đi qua khi anh vừa tròn một tuổi, gia đình không có tiền thuốc thang khiến một chân của anh yếu dần và teo nhỏ lại.
Cả hai đến với nhau cũng tình cờ vì đồng cảnh ngộ, họ dành dụm cất được ngôi nhà nhỏ trong “xóm tự quản” ở ấp 7, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn – TPHCM. Nhưng cái duyên đến trễ, nên ở tuổi này anh chị vẫn phải lo cho hai đứa con còn nhỏ ăn học, bé lớn tên Phương năm nay mới học lớp 8, bé út là Liên học lớp 5, cả hai bé đều xinh, học giỏi và rất ngoan.
Hằng ngày, chị bán vé số trên chiếc xe lăn khắp chợ Đông Thạnh, còn anh cũng vay tiền mua chiếc xe chạy khắp nơi bán vé số. Có người trêu chọc, “bán vé số mà đi xe máy, chảnh quá!”, anh đau lòng nhìn cái chân tật nguyền đang hành hạ vì vừa bị tai nạn giao thông không có tiền chữa trị khiến khớp gối dãn dây chằng, nếu đi bộ nhiều sẽ không còn cơ hội đi nữa.
Anh chị Cho (người đứng) trong dịp nhận quà của một mạnh thường quân nhân Tết Trung thu 2009
Đã vậy, chị Cho lại bị bướu cổ, cái cổ cứ sưng vù như muốn thách thức chị. Bỏ qua mọi lo toan, chị vay tiền đến Bệnh viện Ung Bướu mổ khối u tuyến giáp, sức khỏe chị giảm đi thấy rõ. Ra viện được vài ngày, chị lại phải lăn cái xe đi bán vé số và cất tiếng rao “Ai vé số đi” vang khắp ngõ chợ.
Khi hỏi: “Tại sao chị không nghỉ vài ngày cho khỏe?”, chị cười mà mắt rơm rớm: “Phải làm cô ạ, nghỉ làm một ngày là tụi nhỏ có nguy cơ nghỉ học một ngày. Ngày nào còn sức lực là vợ chồng tôi vẫn ra đường kiếm tiền để nuôi con ăn học”. Vừa nói chị vừa hãnh diện chỉ tay vào bức tường dán đầy giấy khen của hai con, như một phần thưởng quý nhất cho sự lao động miệt mài của anh chị.
Trung thu vừa rồi, thấy hoàn cảnh chị đáng thương, có mạnh thường quân đã đổi chiếc xe lăn thành chiếc xe lắc cho chị đỡ vất vả trong cuộc mưu sinh.
Sáng nay, ra chợ, tôi vẫn thấy chị chăm chỉ mời từng người mua vé số, tiếng rao “vé số đi!” vẫn vang lên da diết. Còn anh, vẫn chiếc xe máy cà tàng chạy khắp các con hẻm của huyện Hóc Môn mưu sinh, khi thì bán vé số khi thì chạy xe ôm… “Cuộc sống sẽ trôi qua, dù khổ thế nào chúng tôi cũng lo cho con ăn học nên người” – chị Cho tin tưởng.