Triển lãm mang tên Ước và vọng Ảo vọng trưng bày 13 tác phẩm điêu khắc bằng đá, đồng của Phạm Văn Hạng và 6 bức tranh sơn dầu của con trai ông, họa sĩ Phạm Trần Việt Nam.
Đây cũng là lần đầu tiên, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng mà tên tuổi gắn với khu vườn tượng nổi tiếng ở Đà Lạt mang tác phẩm của mình “khoe” với người xem Thủ đô.
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng với tập thơ bằng đồng nặng gần 300 kg. |
Vì thế, những tác phẩm trong triển lãm đều khai thác hình ảnh của con người, chim bồ câu và giọt máu. Bên cạnh đó là chân dung các nhân vật nổi tiếng như Văn Cao, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xuân Khoát…
Theo nhà điêu khắc, tác phẩm ấn tượng nhất trong sự nghiệp của ông lại là bức tranh vẽ từ những năm 70 của thế kỷ trước mà trong đó mô tả thịt, xương, gan ruột con người bị phơi bày bởi bom đạn chiến tranh. Tác phẩm khốc liệt này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đặt tên là Chứng tích, từng gây tiếng vang lớn. “Có lẽ, đến cuối đời, tôi vẫn đeo bám ước vọng hòa bình”.
Tính đến nay, số lượng tác phẩm mà nhà điêu khắc này đã làm thật khó đếm, trong đó như chính chủ nhân tự nhận, có đến 1/3 là thực hiện theo đơn đặt hàng. Tuy vậy, tác phẩm nào cũng là những đứa con tinh thần mà ông rất yêu quý, chưa kể nhiều bức trưng bày trong vườn tượng có kích thước “khổng lồ” khiến ông phải rất vất vả mới hoàn thành. Tiếc là, trong triển lãm này, ông chỉ được trưng bày một con số khiêm tốn.
Theo tiết lộ của tác giả, bởi vì Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp không muốn nơi đây trưng bày tác phẩm để bán mà chỉ giới thiệu tác giả và tác phẩm. Do vậy, hai người đã cùng bàn thảo, gạn lọc đến mức tối đa để chọn ra những tác phẩm mang đến đây.
Họa sĩ Phạm Trần Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm nhưng chỉ được phép mang ra 6 bức sơn dầu. Vì nếu bày nhiều tác phẩm dễ khiến người xem bị phân tán.
Tác phẩm đáng chú nhất trong số này là tập thơ mà nhà điêu khắc đã làm trong suốt 30 năm, sau đó được chính tác giả tự tay khắc bằng đồng liên tục trong 5 năm. Tập thơ dày 29 trang, đã được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Hoa và nặng gần 300kg. “Nghề của tôi là điêu khắc, vì thế, người ta làm thơ trên giấy, trên tre, thì tôi làm trên đồng. Giả sử, thế giới có bị cháy thì tập thơ của tôi vẫn còn”.
Đối lập với cha, họa sĩ Phạm Trần Việt Nam lại chọn chất liệu sơn dầu với những tác phẩm thể hiện chủ đề chung mà anh gọi là Ảo vọng : “Tôi không nhớ mình suy nghĩ thế nào trong lúc vẽ, chỉ biết bắt đầu bằng sự mệt mỏi, vô vọng về tinh thần, nỗi trắc ẩn và sự ép xác. Đó là cuộc chiến của sự tưởng tượng và khả năng tư duy, giữa cảm xúc bên trong với bề mặt bên ngoài để tìm đến điểm cuối cùng, nơi mà các bức tranh có thể bắt đầu cuộc sống”.
Hai cha con, hai phong cách đã tạo nên sự đa dạng, độc đáo trong nghệ thuật. Triển lãm kéo dài đến hết tháng 12.
Một số tác phẩm trưng bày trong triển lãm:
Theo VNN