Bà “giữ” cháu khư khư
Chị Thanh (nhân viên công ty FPT) ấm ức kể với bạn bè: “Bà nội lúc nào cũng giữ rịt lấy cháu không cho ai bế. Lúc nào bà mỏi tay quá thì mới đặt cháu xuống, nằm cạnh và nói với cháu: “Con nằm đây nhé. Không bà bế nhiều, về sau chỉ theo mỗi bà”.”
Lúc đầu chị Thanh cũng không nghĩ gì cả, lại cảm thấy thấy vui mừng vì bà quá yêu cháu. Nhưng dần dần, bà lúc nào cũng xoắn xuýt lấy cháu. Đã thế, tối nào hai vợ chồng đi ngủ rồi, bà cũng xuống phòng kiểm tra hai ba lần chỉ để xem “thằng cháu ngủ chưa?” Thế rồi bà lại tranh bế cháu. Chị cứ đau đầu suy nghĩ làm thế nào để “tách” bà và cháu ra mà chưa có cách gì.
Mẹ chồng chị Hạnh (nhân viên Tổng cục Hải quan) lại luôn muốn thể hiện bà yêu cháu hơn mẹ, không có mẹ, bà vẫn nuôi dạy cháu tốt. Chị Hạnh đi công tác, gọi điện về hỏi thăm con, bà chỉ đáp: “Cháu ngoan lắm, mẹ có đi xa mấy tháng cũng không cần”. Đến khi chị về nhà, ông nội lại bảo: “Thằng bé nó nhớ mẹ hay sao ý. Cứ chơi một lúc lại gọi mẹ, mẹ”.
Buổi tối chị ở nhà, con có hơi khóc một tí, bà nội lại chạy vào mắng té tát chị vì “làm mẹ kiểu gì mà không dỗ nổi con”. Bà chốt lại một câu xanh rờn: “Ở với bà cả ngày không sao. Sao mẹ cứ về đến nhà là nó lại khóc thế. Ra đây với bà nào”. Vừa nói, bà vừa giằng lấy cháu, không để cho chị kịp phản ứng gì. Mà khổ, cháu ra với bà lại cười khanh khách, bô bô nói chuyện. Để mỗi mình mẹ cháu tủi thân, rơm rớm nước mắt một mình.
Nhưng mẹ luôn là người đặc biệt
Tình cảm giữa ông bà và cháu là tình cảm tự nhiên, thể hiện mối quan hệ máu mủ ruột rà. Bố mẹ không thể ép buộc các bé yêu hay không yêu ông bà. Ai yêu bé, chiều bé, bé sẽ yêu người đó thôi.
Ngày nay, rất nhiều bố mẹ bận rộn đi làm suốt cả ngày và cảm thấy may mắn, yên tâm khi đã có ông bà ở nhà trông cháu. Vì bố mẹ có tìm thuê được người giúp việc nhưng cũng không thể tin cậy, không thể chăm cháu tốt bằng ông bà. Như vợ chồng anh Khải (nhân viên phòng giao dịch ngân hàng ACB) lại quá sung sướng. Sáng dậy, mẹ nấu cơm sẵn cho hai vợ chồng ăn rồi đi làm. Tối anh chị về đến nhà, cơm nước cũng xong rồi. Con cái cũng được bà tắm rửa sạch sẽ.
Tình cảm bà cháu là tình cảm tự nhiên, máu mủ ruột rà.
Nhưng cũng chỉ vì ông bà yêu cháu quá, lúc nào cũng muốn nuôi dạy cháu theo suy nghĩ của mình nên khiến không ít các mẹ cảm thấy “ghen tị” và chạnh lòng khi bé có vẻ “theo” ông bà hơn.
Bố mẹ cũng nên tìm hiểu tâm lý tình cảm của bé qua từng giai đoạn để có ứng xử đúng mực. Từ khi bé sinh ra đến khoảng 3 tuổi, chắc chắn, bé sẽ cảm thấy yêu quý những ai gần gũi, thân thuộc, chăm sóc cho bé từng bữa ăn, giấc ngủ, bế bé đi chơi… Khi bé ở nhà với ông bà nhiều, nếu bố mẹ ít có thời gian chăm sóc bé, ông bà đương nhiên sẽ trở thành những người thân thiết nhất của bé.
Chị Lan (Láng Hạ – Hà Nội) phàn nàn rằng: “Thằng cu nhà mình bà nội trông suốt. Đến tối, thèm ôm con ngủ mà con chỉ ngủ với bà nội thôi. Có hôm, bố mẹ nịnh mãi, con không nghe. Bố tức quá còn đánh, mắng cả con”.
Và mẹ lúc nào cũng là người đặc biệt đối với bé
Nhưng cũng có trường hợp như hai bé nhà chị Thảo (Đội Cấn – Hà Nội) cho biết: “Mình không biết thế nào, hai nhóc nhà mình đều do bà nội chăm hết. Mẹ đi làm từ sáng đến tối muộn mới về. Nhưng chỉ cần mẹ về tới nhà, hai nhóc “quên” bà nội ngay. Chắc có lẽ do bà ở nhà dạy và luôn nhắc đến mẹ, nên hai nhóc vẫn yêu mẹ lắm. Mà bà nội đưa đón đi học, cho con ăn, tắm rửa, cho đi chơi nhưng hai nhóc vẫn coi bà là “la sát” vì bà thỉnh thoảng hay mắng. Còn mẹ là “nàng tiên” vì mẹ chỉ ôm ấp, âu yếm và khen con ngoan thôi”.
Bố mẹ hãy tận dụng mọi thời gian có thể để quan tâm, chăm sóc con.
Các mẹ cũng có thể cởi mở, nói chuyện với bà về những suy nghĩ của mình, trao đổi thẳng thắn với bà trong cách chăm sóc và giáo dục con cái sao cho hòa hợp nhất.
Nếu bố mẹ quá bận rộn hoặc có nhiều chuyến công tác xa nhà, nhờ ông bà chăm sóc cháu, bố mẹ vẫn nên thường xuyên gọi điện về hỏi thăm con hàng ngày. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng thống nhất với ông bà về cách nói giáo dục bé. Ví dụ: ông bà có thể luôn để bé thấy sự hiện diện của bố mẹ ở trong nhà qua các câu nói như: “Đồ chơi này mẹ Hoa mua cho Cún đấy. Cún phải ở nhà với bà ngoan, không là mẹ Hoa buồn lắm” hoặc “Hôm qua mẹ Hoa bảo mẹ Hoa yêu Cún thế nào ấy nhỉ? Mẹ Hoa yêu Cún nhất nhà đấy”…
Các mẹ hãy chắc chắn một điều: Mẹ luôn là người đặc biệt đối với bé và không ai có thể thay thế được mẹ đâu. Đừng để suy nghĩ “bé yêu mẹ hay yêu bà hơn” làm ảnh hưởng không tốt tới những mối quan hệ trong gia đình.
Thu Hằng
Tổng hợp
(theo afamily)