Tôi quen một cặp vợ chồng, lúc chưa cưới là “đối tác” ăn ý với nhau, bởi chị vợ là người có “tửu lượng” khá, lại có kiến thức và hoạt ngôn nên đi đâu hai người cũng song hành.
Rồi anh chị cũng nhận ra còn có rất nhiều niềm vui
ngoài chuyện vui vẻ ngoài đường với bạn bè.
Mang cái bụng thù lù, chị đành để anh đi nhậu với bạn bè, đi “tiếp khách” một mình. Đứa con ra đời, mâu thuẫn giữa họ ngày càng trầm trọng hơn. Những lời trách móc khi chị phải một mình đối phó với trăm công ngàn việc trong gia đình còn chồng thì cứ tung tăng như “trai tân” ngày càng nhiều hơn.
Anh cũng dần nhận ra đi vui vẻ ở ngoài mà không có vợ kè kè bên cạnh thì… thích và thoải mái hơn nhiều.
Con lớn thêm một chút, chị lên kế hoạch “ăn miếng trả miếng”. Hôm nào anh phát “tín hiệu” không về nhà là chị rủ bạn bè đi ăn, đi karaoke hay đi shopping. Hôm nào gửi được con cho ông bà thì gửi, hôm nào cảm thấy ngại, chị lôi cả con theo. Sống cảnh “mạnh ai nấy đi” được một thời gian thì “sự cố” ập đến. Thằng bé chạy chơi ở nhà ông bà chẳng may bị ngã vào nước sôi. Lúc đó, cha đang hào hứng “dô dô” cùng chiến hữu, mẹ cũng say sưa ở một điểm karaoke với nhóm bạn thời phổ thông.
Những ngày chăm con ở bệnh viện là những ngày không ngủ của cả hai vợ chồng. Chị quyết tâm xây dựng lại một “gia đình vui vẻ” để giữ chân chồng. Sau sự việc đau lòng trên, anh cũng hối hận về sự vô tâm của mình nên rất sẵn lòng hợp tác với vợ.
Những ngày đầu tiên áp dụng chữ “từ chối” với bạn bè thật không dễ dàng. Trước tiên, anh chị “sàng lọc” các buổi giao tiếp: Hiếu hỉ thì ưu tiên một, tiếp đối tác hàng thứ hai, thứ ba mới đến những cuộc vui “bất khả kháng” như họp lớp cũ, hay liên hoan cuối năm, kiểu chiều chiều lai rai thì dứt khoát “nói không”.
Thế rồi trong thời gian chăm con, anh chị nhận ra còn có rất nhiều niềm vui ngoài chuyện vui vẻ ngoài đường với bạn bè. Ban đầu là từng vết lành trên da thịt non tơ của con, là dáng bé tập đi liêu xiêu trước cửa, là những tiếng “pa pa” đáng yêu… Bạn tôi bắt đầu học cách chiều chồng, lên mạng tìm những chuyện vui hợp “gu” chồng để vừa… dụ chồng nấu ăn vừa pha trò, lắng nghe và chịu đựng ngay cả khi “ông” đang đùng đùng khẳng định cái tôi của mình.
Sau một thời gian áp dụng kế hoạch, chị thành công “trên cả tuyệt vời”. Chị nói: “Chỉ cần mỗi thành viên trong gia đình dẹp bớt cái tôi một chút thì niềm vui chung của mỗi thành viên sẽ là niềm vui của cả nhà. May mà mình nhận ra điều đó sớm chứ nếu tiếp tục sống kiểu “mạnh ai nấy vui” thì con mình lớn lên cũng đi “bụi” sớm để tìm vui với bạn bè. Gia đình mình trước sau gì cũng tan vỡ”.
(theo PNO)